(Baothanhhoa.vn) - Du lịch Thanh Hóa vài năm trở lại đây đã đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của một trong những ngành kinh tế trọng tâm. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, cần “có những đột phá” để có thể theo kịp xu thế phát triển nhanh chóng của ngành “công nghiệp không khói” trong giai đoạn hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ưu tiên nguồn lực, thúc đẩy du lịch “cán đích” mục tiêu tăng trưởng

Du lịch Thanh Hóa vài năm trở lại đây đã đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của một trong những ngành kinh tế trọng tâm. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, cần “có những đột phá” để có thể theo kịp xu thế phát triển nhanh chóng của ngành “công nghiệp không khói” trong giai đoạn hiện nay.

Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: Khôi Nguyên

Du lịch là “cánh cửa nhìn ra thế giới”, hay là một “kênh” hữu hiệu giúp đưa hình ảnh xứ Thanh đến gần với bạn bè và du khách xa gần. Đặc biệt, đây là ngành đang mang lại nhiều lợi ích và giá trị cả về kinh tế lẫn xã hội. Chính vì lẽ đó, việc Thanh Hóa xác định du lịch là một trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm, dựa trên việc khai thác ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có về tự nhiên và nhân văn, là định hướng phù hợp. Cũng vì vậy, sự ra đời của “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Chương trình phát triển du lịch (CTPTDL)), được ban hành tại Quyết định số 290-QĐ/TU, ngày 27-5-2016 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, có thể xem là một bước đột phá trong tư duy và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Với việc đề ra các mục tiêu và giải pháp cơ bản nhằm “đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020”, cũng như “đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước”. Có thể nói Quyết định số 290 là cơ sở cho việc thúc đẩy du lịch tăng tốc trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, CTPTDL đề ra mục tiêu đến năm 2020 Thanh Hóa sẽ đón được 42,3 triệu lượt khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,2%/năm, trong đó, khách quốc tế đạt 1,26 triệu lượt; phục vụ 78,85 triệu ngày khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,4%/năm, trong đó, khách quốc tế đạt trên 3,715 triệu ngày khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 59.850 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 900 cơ sở lưu trú với tổng số 40.000 phòng, trong đó, 450 cơ sở đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1-5 sao; có 40.000 lao động, trong đó, lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 80%... Tính đến nay, CTPTDL đã triển khai được gần 3 năm, với nhiều kết quả quan trọng đạt được. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh ước đón được 21,527 triệu lượt khách (đạt 50,9% so với mục tiêu CTPTDL), trong đó, khách quốc tế khoảng 573,8 nghìn lượt (đạt 45,5% so với mục tiêu CTPTDL). Ước phục vụ được trên 38,75 triệu ngày khách (đạt 49,1% so với mục tiêu CTPTDL). Tổng thu du lịch ước đạt 24.923 tỷ đồng (đạt 41,6% so với mục tiêu CTPTDL). Về cơ sở lưu trú, ước đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 785 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 30.150 phòng (đạt 87,2% so với mục tiêu CTPTDL), trong đó, có 287 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao. Về lao động du lịch, ước đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 28.400 lao động (đạt 71% so với mục tiêu CTPTDL), trong đó, lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 21.820 người...

Có thể nói, dù phát triển trong bối cảnh không thật thuận lợi, do phải đối mặt với thiên tai, các vấn đề về môi trường và những khó khăn chung của nền kinh tế; song, với những kết quả đạt được, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong cơ cấu ngành kinh tế địa phương. Cùng với sự ra đời của CTPTDL làm tiền đề, gần 3 năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến Kế hoạch 156/KH-UBND, ngày 17-10-2016 của UBND tỉnh về thực hiện “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, với những nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện CTPTDL một cách cụ thể, bài bản và có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành các Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”; Đề án “Truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”... làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào quá trình xây dựng sản phẩm, thương hiệu và truyền thông du lịch.

Đặc biệt, để du lịch Thanh Hóa đạt được nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng, không thể không nhấn mạnh đến yếu tố “đòn bẩy” là sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Giai đoạn 2016-2018, có 67 dự án kinh doanh tại các khu, điểm du lịch được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hiện đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký là 6.393 tỷ đồng. Nổi bật trong đó là các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp đã và đang được xúc tiến đầu tư như dự án sân gofl và khu biệt thự cao cấp FLC (giai đoạn 2); dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Sun Group); các dự án khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn sang trọng đang và sẽ được đầu tư tại Hải Tiến, Nam Sầm Sơn, Nghi Sơn, Quảng Xương... Các dự án này được kỳ vọng sau khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ tạo được bước đột phá về chất lượng sản phẩm và đẳng cấp điểm cho du lịch Thanh Hóa.

Nhằm tăng cường kết nối các điểm đến và hoàn thiện diện mạo các khu, điểm du lịch trọng điểm, những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, xử lý môi trường... Trong đó phải kể đến các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đến Khu Kinh tế Nghi Sơn; dự án đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh...; dự án đường bộ ven biển đoạn qua địa phận Thanh Hóa... Đồng thời, ưu tiên một số dự án quy mô nhỏ nhưng có tác động tích cực, trực tiếp đến phát triển du lịch như đường vào thác Ma Hao và bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), đường vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, Quan Hóa); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”... Ngoài ra, để tạo cơ sở cho việc bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa – tâm linh, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa khác, Thanh Hóa đã tiến hành trùng tu, tôn tạo hàng trăm di tích có giá trị. Trong đó có các di tích trọng điểm phục vụ phát triển du lịch như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, di tích lịch sử phủ Trịnh, nghè Vẹt...

Sự chuyển biến tích cực của du lịch Thanh Hóa được phản ánh qua các chỉ số tăng trưởng là không thể phủ nhận. Song, cũng cần khách quan nhìn nhận, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đây vẫn là nhóm chỉ tiêu khó “cán đích” mục tiêu của CTPTDL. Trong đó, các chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách và doanh thu rất cần có sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực, để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thị trường, xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ... nhằm thu hút du khách, mới mong đạt được con số 42,3 triệu lượt khách, 78,85 triệu ngày khách và 59.850 tỷ đồng vào năm 2020. CTPTDL giai đoạn 2016-2020 đã đề ra 101 nhiệm vụ, với tổng kinh phí dự kiến là 36.708,65 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 156/KH-UBND thực hiện CTPTDL với 102 nhiệm vụ và tổng kinh phí dự kiến là 42.008,65 tỷ đồng. Trong đó, riêng giai đoạn 2016-2020 có 96 nhiệm vụ phải hoàn thành, với kinh phí thực hiện là 23.901,688 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tính đến hết năm 2018, mới có 69/102 nhiệm vụ đã và đang thực hiện, với tổng kinh phí 8.819,235 tỷ đồng (đạt 20,99% tổng kinh phí kế hoạch giai đoạn 2016-2020).

Cùng với đó là những hạn chế và nhiều thách thức, khó khăn đang đặt ra cho du lịch Thanh Hóa, mà nếu không có quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa và các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa, sẽ rất khó để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Đó trước hết là nhận thức và trách nhiệm của các ngành, địa phương trong thực hiện CTPTDL còn thiếu quyết liệt và kém hiệu quả. Đơn cử, hiện vẫn còn tới 38/49 ngành, đơn vị, địa phương chưa xây dựng kế hoạch triển khai CTPTDL, trong đó có cả những địa phương là trọng điểm du lịch như TP Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Bá Thước, Thọ Xuân... Đó là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập; tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; công tác xây dựng, quản lý và triển khai các quy hoạch du lịch còn chậm và thiếu hiệu quả. Hoạt động xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường khách du lịch còn hạn chế; trong khi, việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nhằm tăng số ngày lưu trú và mức chi tiêu của khách vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Chất lượng lao động tuy có nhiều chuyển biến, song lao động phổ thông chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ vẫn còn; môi trường du lịch còn nhiều vấn đề đáng bàn; tính mùa vụ của du lịch chậm được khắc phục...

Để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2020, ngành du lịch phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong 2 năm tới. Muốn vậy, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của CTPTDL, nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật; phát triển sản phẩm mang tính cạnh tranh và hấp dẫn; thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và mang tầm quốc gia, quốc tế...; thiết nghĩ, cũng cần nhấn mạnh đến tính chủ động và ý thức trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị trong quản lý Nhà nước về du lịch và thực hiện CTPTDL.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]