(Baothanhhoa.vn) - Tục thờ tổ nghề là truyền thống tốt đẹp ở các làng nghề, thể hiện sự biết ơn tới người đã có công sáng lập, mở mang ngành nghề cho dân làng. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ lâu đời tại rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ tổ nghề - nét đẹp văn hóa các làng nghề xứ Thanh

Tục thờ tổ nghề là truyền thống tốt đẹp ở các làng nghề, thể hiện sự biết ơn tới người đã có công sáng lập, mở mang ngành nghề cho dân làng. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ lâu đời tại rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tục thờ tổ nghề - nét đẹp văn hóa các làng nghề xứ Thanh

Đền Đề Lĩnh (TP Sầm Sơn), nơi thờ vị tổ nghề võ vật làng Lương Trung Ảnh: tư liệu T.H

Tổ nghề còn được gọi là Đức Thánh tổ, là người có công sáng lập hay truyền bá cho dân làng một nghề nào đó. Vì thế, tổ nghề được các thế hệ sau lập miếu, đền để suy tôn, thờ cúng. Không phải tất cả các làng nghề truyền thống đều có tục thờ tổ nghề, tuy nhiên tại một số nơi, phong tục này đã trở thành một nét đẹp truyền thống được người dân trân quý gìn giữ. Tổ nghề thường là những người có thật trong lịch sử nhưng cũng có khi là những nhân vật được hư cấu theo truyền thuyết dân gian. Có những vị tổ nghề còn được Nhân dân tôn làm thành hoàng làng, là thần linh cai quản làng, là thần hộ mệnh, phù hộ và che chở cũng như ban phúc cho dân làng.

Tọa lạc trên một mảnh đất cao ráo được tương truyền là phần đầu rồng linh thiêng, xung quanh là cảnh quan đẹp mắt, non nước hữu tình tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, đền Đề Lĩnh là ngôi đền thờ Thành hoàng làng Lương Trung: Đường Công Quang Lộc. Ông là người làng Bồng Báo, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), làm quan dưới thời Vua Lê Tương Dực (1510-1516). Tài trí hơn người, văn võ song toàn nên ông được vua và triều đình trọng dụng và được giao trấn giữ vùng xung yếu cửa biển Sầm Sơn. Tại đây, ông đã tiến hành khai hoang mở đất, luyện binh, lập trại, ngày đêm rèn luyện võ vật góp phần đánh thắng quân xâm lược nhà Minh và chăm lo đời sống yên vui cho Nhân dân nên được mọi người rất mực ca ngợi công lao, suy tôn ông là Tổ sư lò võ vật của làng Lương Trung.

Tự hào về mảnh đất giàu quê hương truyền thống và vị tổ nghề có công lớn đối với đời sống người dân địa phương, ông Lê Văn Bài, Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Đề Lĩnh, chia sẻ: “Người dân phường Trung Sơn luôn biết ơn tới Thành hoàng làng, vị tổ nghề võ vật Đề Lĩnh, người đã giúp Nhân dân khai hoang lập địa và lưu truyền cho thế hệ sau tinh thần anh dũng, kiên trung, một phẩm chất vốn có của võ nghệ. Hằng năm vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, làng Lương Trung lại mở hội vật thu hút con em trong làng và đông đảo người dân từ các địa phương khác đến đọ sức thi tài. Vào những ngày lễ lớn của đất nước cũng như của thành phố biển Sầm Sơn, bà con vùng đất võ vật Trung Sơn cũng nhiệt tình tham gia đóng góp những phần thi đặc sắc như: làm bánh chưng bánh giầy, đua thuyền... Sức mạnh cộng đồng, tinh thần đoàn kết cũng từ đây mà thêm bền chặt, vững mạnh hơn”.

Hiện nay, ngoài những di vật cổ như: bia ký, khánh đá, lư hương... ngôi đền còn lưu giữ 9 sắc phong cổ, được xem là báu vật của làng. Là nơi hội tụ những dấu ấn văn hóa truyền thống của vùng đất biển, đền Đề Lĩnh là nơi tìm về cội nguồn của những người con làng Lương Trung để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính tới vị tổ nghề.

Với gần 200 làng nghề rải rác khắp các vùng miền trong tỉnh, từ lâu trong dòng chảy văn hóa, tín ngưỡng xứ Thanh, tục thờ tổ nghề đã trở thành một nét đẹp thể hiện trọn vẹn tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của mỗi người con làng nghề. Tại mỗi địa phương, tùy theo đặc trưng vùng miền, tính riêng biệt của làng nghề, người ta sẽ có những cách thức tổ chức tế lễ khác nhau. Nhưng nhìn chung, ngày lễ tổ nghề luôn là dịp hội tụ đông đảo người dân cùng với những hoạt động văn hóa ý nghĩa với niềm tin tổ nghề sẽ phù hộ cho dân làng bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của mình. Từ đó đời sống người dân ngày một sung túc, thịnh vượng hơn.

Vốn nổi danh với nghề đúc đồng, làng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) còn được biết đến bởi phong tục thờ tổ nghề được duy trì từ nhiều đời nay. Cùng với sự khang trang, bề thế của những ngôi nhà theo kiến trúc hiện đại, nơi đây còn lưu giữ những không gian trầm lắng mang những dấu ấn văn hóa xưa cũ, trong đó nổi bật có đền thờ tổ nghề đúc đồng Chè Đông. Ở đó, hàng chục hộ dân sống và phát triển bằng nghề gia truyền của cha ông vẫn thường xuyên tỏ lòng tôn kính tới vị tổ nghề.

Theo những câu chuyện dân gian kể lại, từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về làng Chè Đông. Nhưng cũng có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng ở làng Chè là do Khổng Minh Không truyền nghề. Đến thời Tự Đức (1848-1883) người dân đúc đồng Chè Đông lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị tổ sư nghề đúc đồng. Hằng năm vào tháng giêng, dân làng Chè Đông lại tổ chức lễ hội với nghi thức long trọng, thể hiện đặc trưng văn hóa của phường đúc đồng. Ngoài ra, vào các ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, các gia đình làm nghề đúc đồng đều dâng hương cầu mong tổ nghề phù hộ cho công việc làm ăn sinh sống được tốt lành.

Chia sẻ về làng nghề của địa phương mình, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu cho biết: “Đúc đồng là nghề cho nhiều thế hệ người dân Thiệu Trung chúng tôi có cuộc sống ổn định, khá giả. Bởi vậy, mỗi người thợ nơi đây đều biết ơn tới người đã khai sáng ra nghề đúc đồng. Ngoài việc chăm lo lễ bái, chúng tôi còn nỗ lực làm ra những sản phẩm chất lượng để góp phần đưa làng nghề đúc đồng Chè Đông ngày một phát triển”.

Cùng với sự tồn tại của các làng nghề truyền thống, người dân làng nghề luôn tỏ lòng tri ân, cảm phục đối với các vị tổ nghề, vị thần, thành hoàng làng, những người có công, khai hoang lập ấp, mở mang và truyền dạy nghề nghiệp cho người dân. Chính bởi vậy, tục thờ tổ nghề không chỉ là nét đẹp đạo hiếu của các thế hệ con cháu làng nghề đối với các vị tiên tổ mà còn để lại cho kho tàng văn hóa tín ngưỡng dân gian những giá trị to lớn được lưu truyền từ thế hệ trước nối tiếp đến nhiều thế hệ mai sau.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]