(Baothanhhoa.vn) - Vì sao Xuân Diệu lại trở thành biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và ánh sáng? Chiến lược truyền thông của Phong Hóa – Ngày nay và Tự Lực văn đoàn như thế nào trong việc đưa Xuân Diệu thành một tượng đài? Ai bỏ tiền mua và đọc thơ Xuân Diệu? Có phải Nguyễn Bính chân quê hay còn một Nguyễn Bính phố thị, giang hồ, trụy lạc?... Tất cả những câu hỏi ấy, qua hơn 400 trang, đã được Nguyễn Thanh Tâm trả lời bằng các bài khảo cứu công phu, chất lượng, sắc sảo trong cuốn sách “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến” của Tiến sĩ, nhà lý luận – phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm:

Từ những điểm nhìn đắt giá

Vì sao Xuân Diệu lại trở thành biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và ánh sáng? Chiến lược truyền thông của Phong Hóa – Ngày nay và Tự Lực văn đoàn như thế nào trong việc đưa Xuân Diệu thành một tượng đài? Ai bỏ tiền mua và đọc thơ Xuân Diệu? Có phải Nguyễn Bính chân quê hay còn một Nguyễn Bính phố thị, giang hồ, trụy lạc?... Tất cả những câu hỏi ấy, qua hơn 400 trang, đã được Nguyễn Thanh Tâm trả lời bằng các bài khảo cứu công phu, chất lượng, sắc sảo trong cuốn sách “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến”.

Từ những điểm nhìn đắt giá

Cuốn sách “Những thời xanh tráng lệ – Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến” của Tiến sĩ, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm.

Tại sao Nguyễn Thanh Tâm lại “dấn thân” vào khảo cứu văn học tiền chiến – mảnh đất đã được cày xới khá kỹ càng bởi những ngòi bút uyên thâm, uy tín? Liệu anh có thể khai thác được điều gì hay, mới mẻ và đóng góp thêm được gì sau cuộc “dấn thân” này? Hẳn rằng, khi nhìn vào đối tượng nghiên cứu, khảo luận mà cuốn sách “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến” của Nguyễn Thanh Tâm hướng đến, nhiều bạn đọc sẽ đặt ra những câu hỏi như thế.

Văn học tiền chiến là giai đoạn rực rỡ của văn học Việt Nam, mang trong lòng nó những vận động của cấu trúc lịch sử xã hội, chính trị, nghệ thuật cùng một hệ giá trị mới gắn với các mô hình kiểu phương Tây. Trong xu thế hiện đại hóa, toàn cầu hóa, văn học tiền chiến là hiện tượng có tính loại hình trên phạm vi Đông Á. Vì thế, những vấn đề đặt ra từ giai đoạn văn học này hàm chứa câu chuyện của quốc gia, khu vực cùng các chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa trước sự xâm nhập của phương Tây.

Bởi vai trò, tầm quan trọng, mức độ bao quát lịch sử như thế nên dù được cày xới khá kỹ song ở đây vẫn còn những khuất lấp chưa được khơi tỏ hay nhận diện đầy đủ. Ngay cả đối với những điều tưởng như đã thấu tỏ thì bối cảnh ngày nay, các điều kiện mới về tư liệu, phương pháp, lý thuyết, những đổi thay trong quan niệm của thời đại đã tạo ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học tiếp tục dấn thân nhằm tìm kiếm, khám phá, làm hiển lộ cái mới. Nguyễn Thanh Tâm đã nhạy bén, thông minh, tinh tế, sâu sắc để nhận ra cơ hội đó. Và sự dấn thân của anh trên mảnh đất này như càng chứng tỏ được năng lực, tâm huyết của anh đối với nghề.

Chưa vội tìm hiểu về chiến lược truyền thông của Phong Hóa – Ngày nay hay Tự Lực văn đoàn đối với thi sĩ Xuân Diệu, chỉ cần lướt qua phần Mục lục của cuốn sách, độc giả cũng có thể thấy được, Nguyễn Thanh Tâm là một trong những cây viết rất giỏi làm truyền thông. Chiến thuật truyền thông ấy được thể hiện thông qua cách anh đặt tiêu đề - tít cho các bài viết của mình – những cái tít rất đúng và trúng, có sức gợi vô cùng. Những cái tít ấy là bảo chứng đắt giá, là cánh cửa được thiết kế, sắp bày, gọt giũa công phu, cuốn bạn đọc vào với nội dung bài viết như: “Nguyễn Thị Manh Manh – Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, “Phong Hóa – Ngày nay và chiến lược tạo dựng giá trị biểu tượng: Trường hợp nhà thi sĩ Xuân Diệu”, Hàn Mặc Tử trong đời sống nghiên cứu, phê bình ở miền Nam thời kỳ 1954–1975”, “Chế Lan Viên – Não thịt là sa đọa, tủy xương là tinh hoa”, “Tính “song cực” của Thi nhân Việt Nam hay hành trình theo chân Dionysos”, “Nguyễn Bính dưới góc nhìn Hiện tượng luận”, Quách Tấn – Ngọn cô sơn giữa lòng Thơ mới”, “Bích Khê – Lịch sử tiếp nhận sau 100 năm (1917–2017)”, “Truyện ngắn Hai đứa trẻ - Từ một cách đọc khác”, “Mại dâm, văn chương và phong hóa: Tư tưởng xã hội của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ”...

Sự thích thú, mới mẻ của những vấn đề đặt ra trong cuốn sách được khơi gợi lên ngay từ cái tít. Tuy nhiên, nội dung của từng bài viết mới là điều níu giữ độc giả, càng khiến độc giả thêm phần trân trọng tinh thần, thái độ làm việc, lao động khoa học và sức đọc đáng nể của anh. Với phương châm đi tìm những điều mới mẻ, khơi tỏ những điều còn khuất lấp, chưa được nhận diện đầy đủ, trước mỗi nhân vật, hiện tượng, tác phẩm trong phạm vi khảo cứu, Nguyễn Thanh Tâm luôn đặt mình trong tâm thế của người phản biện, kỹ lưỡng lật lại vấn đề.

Khi khảo luận một vấn đề, sự kiện, nhân vật, tác phẩm, tuy rằng phương pháp có khác nhau nhưng độc giả vẫn có thể dễ dàng nhận ra những điểm chung nhất: Đó là cách Nguyễn Thanh Tâm tiếp cận vấn đề trong sự so sánh, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới để tìm ra những điểm tương đồng và những lỗ hổng cần được lấp đầy, khơi tỏ. Đặc biệt, khảo cứu của Nguyễn Thanh Tâm có sức thuyết phục cao bởi anh luôn đặt đối tượng trong một bối cảnh lịch sử bao quát, từ đó đối tượng khảo cứu trở nên sống động, chân thực, rõ ràng hơn giữa hơi thở của thời đại, không khí học thuật lúc bấy giờ. Anh “huy động” kiến thức của nhiều lĩnh vực để làm căn cứ, bổ trợ cho các lập luận, diễn giải của mình. Trong mỗi bài viết, Nguyễn Thanh Tâm thường dẫn viện quan điểm của nhiều học giả khác nhau giúp mở rộng vấn đề và đa chiều trong cách tiếp cận.

Viết về Nguyễn Thị Manh Manh, tác giả đặt bà trong bối cảnh: “Cuộc gặp gỡ với phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là cuộc toàn cầu hóa hiệp I (Thomas L Friedman), trong đó, những giềng mối của xã hội cổ truyền phương Đông dần được dỡ bỏ, những nếp sống mới được kiến dựng, các hệ giá trị tân thời, nảy sinh trong quá trình giao lưu với Tây phương được định hình, cổ vũ và dần chiếm được thế đứng trong đời sống văn hóa, xã hội. Trong làn sóng “duy tân” ấy, Nguyễn Thị Manh Manh xứng đáng là người nữ lưu hào kiệt, một nhân vật đáng phải lưu ý, luận bàn”.

Dưới cái nhìn Hiện tượng luận, Nguyễn Thanh Tâm trả lời những hoài nghi về việc Nguyễn Bính có đúng như là hiện diện trọn vẹn – nguyên thủy của ông hay quá trình diễn giải – phê bình đã đưa ông rời xa bản sắc chủ thể của chính mình? Có phải Nguyễn Bính chân quê hay còn một Nguyễn Bính phố thị, giang hồ, trụy lạc? Nguyễn Thanh Tâm dựng lại bối cảnh 1936–1939 – “một tham chiếu quan trọng về chính trị, xã hội và văn chương khi phong trào bình dân lên cao và các hoạt động văn chương, chính trị xã hội ở Việt Nam cũng hướng về phía làng quê, “bùn lầy nước đọng”. Chính bối cảnh đó là cơ sở cho những tưởng tượng và tạo dựng về nông thôn khá phổ biến trong văn chương lãng mạn, hiện thực giai đoạn này”. Để rồi, khi truy đến tận cùng, từ bối cảnh xã hội đến những hành vi sáng tạo của Nguyễn Bính, Nguyễn Thanh Tâm sắc sảo nhận định: “Từ kinh nghiệm sống đến kinh nghiệm thẩm mỹ, Nguyễn Bính hiện ra đâu chỉ là một kẻ quê, một hồn thơ trinh ròng, nguyên bản... Những kinh nghiệm mà Nguyễn Bính có được về thôn quê chưa hẳn là kinh nghiệm sống trải cá nhân, mà đó là sự tưởng tượng hoặc sự thâu nhận từ kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm sách vở. Nó là cái bóng của cái bóng, là ý niệm sinh ra từ những ý niệm”. Nguyễn Thanh Tâm cho chúng ta thấy một Nguyễn Bính khác với định hình từ trước đến nay, một “nạn nhân” của xã hội, một “điển hình cho tình trạng bị mất căn cước...” đang cố gắng dùng tiếng thơ của mình để “kháng cự” lại tác động của xã hội, để tái tạo lại căn cước đời mình.

Văn học Việt Nam tiền chiến dường như là tiếng thơ – tiếng lòng – tiếng đời với đầy đủ âm sắc, cung bậc cảm xúc, từ buồn bã, thê lương, cô quạnh đến gai góc, có chút gì đó hằn học, bất mãn, phản kháng của văn nghệ sĩ. Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng... đều là “nạn nhân” của xã hội, trong một cuộc đụng độ văn hóa – văn minh, “mưa Âu gió Mỹ”... Vì thế nên dấu ấn siêu thực, cội nguồn của cảm xúc thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử luôn gắn chặt với hai từ “đau thương” – “từ sinh mệnh đau thương đến mỹ cảm của đau thương”. Cũng vì lẽ đó nên khi đặt “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Nguyễn Thanh Tâm thấy rằng: Tác phẩm không đơn thuần chỉ là sự ám chỉ về cuộc đời Xuân tóc đỏ, đó là “diễn ngôn về đặc tính của xã hội lúc bấy giờ”- “một xã hội đĩ”, “đĩ không chỉ là nghề mại dâm nữa, mà là “phong hóa”, là “những biểu hiện của sự thay đổi đặc tính xã hội, của cách biểu trưng, các chỉ dấu nhận diện thời đại”. Ở xã hội ấy, “đĩ trở thành một biểu tượng, thâu thái trường cảm xúc, thái độ của Vũ Trọng Phụng đối với xã hội lúc bấy giờ”. Và “Số đỏ” có thể xem là một biểu hiện của tình trạng chấn thương tâm hồn nào đó ở Vũ Trọng Phụng, cũng là cách ông dùng để “phản kháng”, giải tỏa trước cuộc đời...

Sẽ là thiếu sót nếu nói về “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến” của Nguyễn Thanh Tâm mà không nhắc đến hệ thống chỉ mục tên tác giả và đặc biệt là các chú giải được anh thực hiện một cách công phu, bài bản, khoa học dưới chân trang sách. Những chú giải ấy góp phần mở rộng thêm nhiều kiến thức, hiểu biết cho độc giả, làm sáng rõ nhiều vấn đề được đề cập đến trong bài viết.

“Đối với người làm phê bình văn học, trực giác, ấn tượng và linh năng thấu cảm là rất quan trọng nhưng dứt khoát không thể tách rời các thao tác tư duy khoa học” (Tính “song cực” của thi nhân Việt Nam hay hành trình theo chân Dionysos). Trong đó, cái linh năng, trực giác - nó thuộc về năng khiếu, là “cái trời ban”. Còn các thao tác tư duy khoa học, độ sâu của tri thức, sự tâm huyết, chỉn chu, cẩn trọng với nghề... tất cả đều phải trải qua quá trình nghiêm túc học hỏi, trau dồi, rèn giũa. Với tất cả năng lực, phẩm chất ấy, Nguyễn Thanh Tâm đã cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức, tư liệu phong phú, độc đáo, thú vị, mới mẻ khi đi vào nghiên cứu, khảo luận về các vấn đề, sự kiện, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học tiền chiến – “một giai đoạn rực rỡ của văn học Việt Nam”. Với những giá trị, ý nghĩa ấy, “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến” trở thành nguồn tư liệu tham khảo đáng để tìm đọc, nghiên cứu, phân tích cho những ai muốn được hiểu biết thêm về giai đoạn văn học này ở nước ta.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]