(Baothanhhoa.vn) - Hầu hết mọi người chỉ biết đến câu chuyện về cậu bé Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, chứ không nhiều người biết đến những ngày tháng mà Nguyễn Ngọc Ký phải sống buồn tủi, phải nhờ đến những người xung quanh giúp đỡ, phải nỗ lực không ngừng nghỉ để được bằng bạn bằng bè. Tất cả những ngày tháng ấy đã được chính tác giả ghi lại qua 39 chương của cuốn nhật ký “Tôi đi học”.

“Tôi đi học” và 50 năm gieo hạt giống nghị lực tới bạn đọc

Hầu hết mọi người chỉ biết đến câu chuyện về cậu bé Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân, chứ không nhiều người biết đến những ngày tháng mà Nguyễn Ngọc Ký phải sống buồn tủi, phải nhờ đến những người xung quanh giúp đỡ, phải nỗ lực không ngừng nghỉ để được bằng bạn bằng bè. Tất cả những ngày tháng ấy đã được chính tác giả ghi lại qua 39 chương của cuốn nhật ký “Tôi đi học”.

“Tôi đi học” và 50 năm gieo hạt giống nghị lực tới bạn đọc

Nghị lực phi thường

Sau cơn sốt bại liệt vào năm 4 tuổi, đôi tay của cậu bé Ký bỗng trở nên “nặng trịch”, không đủ sức để giơ lên. Cậu không thể cầm được quả cam, hay chơi đánh đáo cùng bạn bè. Nhưng thấy bạn bè được đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Hình ảnh cậu bé chạy ra ngõ đứng lặng nhìn không chớp mắt cho đến khi tốp trẻ con cuối cùng đi mất hút mới lững thững quay vào nhà với dòng nước mắt lã chã tuôn rơi. Hay việc cậu đứng lấp ló ở cửa lớp học nhìn bọn trẻ đọc “o” mà mồm cũng chúm môi đọc theo... Và cứ thế qua mỗi trang viết, bạn đọc được lắng nghe những dòng tâm sự về “ngày mon men đến lớp”, “những ngày tập viết”, “bài thủ công điểm 10” hay “ước mơ học giỏi toán”... của tác giả.

Dẫu biết quá rõ về cậu bé Ký nhưng đọc từng trang sách, người ta cũng phải hồi hộp xem mỗi ngày cậu bé tập viết thế nào, có đau không, rồi cũng vui mừng “Chiều nay trên đường đến lớp lòng tôi rộn ràng ấm áp hẳn lên. Nghe một tiếng chim hót, nhìn một cánh hoa cỏ rung rinh tôi cũng thấy như có gì thân thiết vui nhộn hơn mọi ngày. Nghĩ đến buổi học hôm nay, lần đầu tiên mình tự chép được bài, tôi mừng vui phấn chấn lạ thường”. Đối với một cậu bé không bình thường như Ký phải dùng đôi chân của mình tập viết và cầm kéo để cắt giấy thủ công, thậm chí là vót tới hai trăm bốn mươi chiếc nan tre, dùi đến chín trăm sáu mươi lỗ để làm cái lồng chim, thực sự đáng khâm phục. Điều ngạc nhiên hơn nữa là cậu bé Ký còn dùng đôi chân để vẽ hình học, kể cả đó là những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi sự chính xác hay dùng compa vẽ hình tròn. “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức quặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân”.

Khẳng định rằng với một đứa trẻ bình thường phải luôn luôn cố gắng mới có thể đạt được một vài thành tích, thì một cậu bé không tay cần phải nỗ lực gấp cả nghìn lần. Nhưng hơn hết là phải vượt qua chính mình, vượt qua mặc cảm của một người khuyết tật. Từ một cậu bé rụt rè, tự giam mình trong khắc khổ, “tôi bắt đầu sống tự nhiên hơn... Giờ ra chơi tôi cùng đùa nghịch, tán chuyện vung trời như các bạn. Các bạn chơi bóng chuyền tôi cũng ra sân chơi đá cầu. Các bạn rủ nhau thi “vật tay” tôi cũng rủ các bạn khác thi “vật chân”. Chiều chiều sau mỗi buổi học tôi lại rủ các bạn đến sân vận động của xã chơi bóng đá”.

Bằng ý chí, nghị lực phi thường và kế hoạch học tập thông minh cộng với các giải trí ngay trong mỗi bài học, cậu bé Ký không chỉ được vào lớp một mà suốt những năm phổ thông, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi Toán lớp 7 ở miền Bắc, Ký đứng thứ 5. Lúc còn ở lứa tuổi thiếu niên, Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu.

Lớn lên bằng lòng biết ơn

Để vượt qua tất cả những khó khăn, từng ngày trưởng thành, hơn hết là cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã nhận được sự yêu thương của những người bên cạnh. Ngày Ký khóc muốn đi học dù biết có phần ái ngại nhưng ba mẹ và chị của Ký vẫn ủng hộ và giúp Ký đến trường. Gia đình luôn làm hậu phương vững chắc cho bước đường tương lai của Ký. Bên cạnh Ký có những người bạn như Bằng, Bích, Nghiệp, Liễu, Tam, Phụ,... luôn giúp đỡ. Bằng hàng ngày chép bài cho Ký, cùng Ký đi học; Ký mất bàn học riêng có bạn tìm thấy mang về; Nghiệp “đen” giúp Ký có chỗ học tốt hơn. Liễu tặng Ký chiếc compa để dễ dàng với môn hình học. Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu đi học Ký luôn được cô giáo Cương, thầy Mộc, thầy Châu, thầy Vịnh, thầy Độ... yêu thương, quan tâm tận tình. Lời thầy Châu nhắn nhủ: "Đường em đi chắc còn gặp nhiều khó khăn đấy. Nhưng với quyết tâm và nghị lực sẵn có, thầy tin tưởng em sẽ vượt qua tất cả” chính là nguồn động viên không nhỏ để Ký nộp đơn xin thi vào cấp ba.

Ngay cả với những người chưa một lần gặp mặt, sự động viên của họ cũng giúp Ký vươn lên. Mỗi khi nản chí, chỉ cần nhìn lên ảnh Bác Hồ là Ký có động lực để cắt chữ, để tiếp tục học; nhờ huy hiệu được Bác tặng mà Ký luôn có ý thức “Mình phải làm gì để xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của Bác”. Hay như từ câu chuyện thầy giáo kể về ông Pôn-tơ-ra-i-ghin dù mù hai mắt chỉ tự học thôi cũng trở thành nhà toán học đã thắp lửa ước mơ học giỏi toán của cậu bé Ký. Rồi cả những khi Ký nhận được thư, quà của mọi người trên mọi miền Tổ quốc gửi chia sẻ, động viên và bày tỏ lòng cảm phục... Tất cả đã giúp Ký “không để phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí”.

Mất tay là một nhược điểm, nhưng thầy Ký đã biến nhược điểm đó thành động lực của mình. Cả chặng đường tuổi thơ, Nguyễn Ngọc Ký chỉ có một ước mơ duy nhất là quyết chí đi học để được như những người bình thường. Ông đã vượt lên sự run rủi của số phận, trở thành một nhà giáo ưu tú viết bằng chân. Cũng đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy học, ông là tấm gương, là biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam vượt lên số phận để thành công và làm đẹp những trang đời.

“Tôi đi học” là những dòng nhật ký hấp dẫn. Hấp dẫn chính ở sự mộc mạc, giản dị trên những câu chuyện, trải nghiệm thật của người cầm bút. Những người chưa từng đọc câu chuyện này, nhắc đến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký như nhắc về câu chuyện cổ tích giữa đời thường, và khi đã đọc hết cuốn sách người ta thêm xúc động về sức mạnh, sự vươn lên của con người.

Hơn 50 năm trôi qua, tự truyện “Tôi đi học” được tái bản nhiều lần ở nhiều nhà xuất bản. “Tôi đi học” chính là bài học lớn giúp những người khác biết sống lạc quan, sống vui hơn, sống thay cho những đứa trẻ không được thấy mặt trời, sống thay cho những ai thực sự bất hạnh... "Từ cậu bé tật nguyền đôi tay, được gia đình, bạn bè, thầy cô hết lòng yêu thương chăm sóc, Ký đã dùng đôi chân viết nên cuộc đời mình như một huyền thoại” (cố GS.NGND Hoàng Như Mai).

Huyền Chi


Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]