(Baothanhhoa.vn) - Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, Mường có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều nơi, do chưa có quy hoạch phát triển, nên nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm “Tour” cho thổ cẩm

Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, Mường có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều nơi, do chưa có quy hoạch phát triển, nên nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Phụ nữ bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) bên khung dệt.

Nghề dệt đang dần mai một

Chúng tôi đến huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, một trong những huyện có đông người dân tộc Thái sinh sống. Tại xã Sơn Thủy, chúng tôi được anh cán bộ văn hóa xã dẫn đến thăm gia đình chị Phạm Thị Suôi, bản Chung Sơn, một trong số những gia đình còn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ngôi nhà sàn của gia đình chị Suôi nằm ngay bên đường. Vừa đến đầu ngõ chúng tôi đã nghe lách cách tiếng con xe gõ vào khung dệt. Phụ nữ nơi đây thường tranh thủ ngồi vào khung cửi dệt vải vào những buổi trưa, buổi tối sau khi đi làm nương rẫy về, hoặc những ngày trời mưa. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Suôi kể: Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chị đã gắn bó với khung cửi dệt. Năm lên 12 tuổi, chị bắt đầu được mẹ dạy dệt những hoa văn đầu tiên. Rồi chỉ một, hai năm sau chị đã dệt thành thạo các loại hoa văn sặc sỡ trên váy, áo, khăn hay chăn, đệm.

Chị Suôi cho biết: “Theo phong tục của người Thái đen nơi đây, con gái lớn lên phải biết dệt vải, tự làm được chăn, đệm, quần áo trước khi về nhà chồng. Khi về nhà chồng, của hồi môn người con gái mang theo là bộ chăn đắp, đệm trải, gối... không chỉ đủ dùng cho 2 vợ chồng mà còn tặng cho bố mẹ chồng, anh và em của chồng, cô cậu bên nhà chồng. Cũng vì thế mà ngày ấy các cô gái trong làng đều biết dệt vải từ rất sớm”.

Trước đây, việc dệt vải vất vả hơn nhiều do không có chỉ dệt mà phải tự làm chỉ dệt từ cây bông; nuôi tằm lấy sợi dệt vải; tự nhuộm màu bằng các loại cỏ cây hái trong rừng. Ngày nay, chỉ dệt được bán rộng rãi, đa dạng màu sắc, chất liệu ở các khu chợ, nên phụ nữ nơi đây dệt vải cũng đỡ vất vả. Còn những hoa văn dệt, cơ bản vẫn mang đậm nét truyền thống. Thế nhưng, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, việc mua vải may trang phục; chăn, đệm, gối... không khó khăn gì đối với các gia đình thì những khung cửi dệt cũng đang dần bị lãng quên. Thế hệ trẻ cũng không còn đam mê với nghề dệt thổ cẩm. Nhiều gia đình có con gái lớn nhưng mẹ không dạy con gái dệt vải được. Giọng chị Suôi chùng xuống: Con gái chị lớn lên, đi học rồi lấy chồng nhưng cũng chưa biết dệt vải, mặc dù chị dạy ngay từ khi con gái mới lớn. Lý do, không phải con gái chị không khéo tay, không cần cù, chịu khó... mà do lớn lên đi học rồi phải đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống, trong khi đó nghề dệt lại không mang lại hiệu quả kinh tế.

Được xem là một trong những phụ nữ khéo tay nhất bản, chị Hà Thị Diện, bản Chung Sơn, cho biết: Được mẹ dạy dệt vải từ năm 15 tuổi, đến nay, chị có 30 năm kinh nghiệm dệt thổ cẩm. Những hoa văn khó nhất chị đều có thể dệt được. Ngày trước, chị thường dệt váy áo, chăn, đệm, gối, còn vài năm lại đây, chị chỉ dệt vải để may trang phục truyền thống mặc vào dịp lễ hội, đám cưới. Cũng theo chị Diện, hiện trong thôn Chung Sơn có khoảng 60% - 70% hộ gia đình còn giữ lại khung cửi. Tuy nhiên, chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên trở lên còn duy trì việc dệt vải, thế hệ trẻ rất ít người biết dệt.

Cũng tình trạng trên, tại xã Thạch Lâm (Thạch Thành) có 644 hộ nhưng chỉ còn vài chục hộ còn dệt vải, chủ yếu để duy trì nghề truyền thống bao đời của phụ nữ Mường nơi đây. Bà Nguyễn Thị Xích, thôn Đăng, tâm sự: Bao nhiêu năm gắn bó với khung cửi, tôi không muốn nét văn hóa dân tộc bị mất đi. Dù bây giờ con cháu tôi ít khi mặc trang phục truyền thống, nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi dệt vải, tự may váy, áo để mặc dịp lễ tết. Cuộc sống nhiều thay đổi, tôi vẫn luôn khuyên con cháu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, thế nhưng do nhiều lý do, thế hệ trẻ đang thờ ơ với nghề truyền thống, khiến những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mường đang dần mai một.

Đưa thổ cẩm thành sản phẩm du lịch

Hoa văn trên các sản phẩm dệt thổ cẩm thể hiện sự khéo tay của người dệt. Đặc biệt, hoa văn trên trang phục của người Thái đen là cả 1 kho tàng về văn hóa, nghệ thuật - nghệ thuật tạo hình với các hình ảnh: Con vật, cỏ cây hoa lá, mặt trời... Ở đó, không chỉ thể hiện sự khéo léo, lòng kiên nhẫn của người dệt mà còn là nơi những người phụ nữ Thái gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà sản phẩm thổ cẩm luôn có sức hút đối với nhiều du khách muốn tìm hiểu, khám phá về tập quán sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mường... Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn sản phẩm dệt thổ cẩm mới được dệt trong phạm vi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, chưa trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch. Trong khi đó, tại các huyện vùng cao trong tỉnh, du lịch sinh thái, cộng đồng đang có nhiều tiềm năng phát triển.

Cụ thể như, với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, huyện Quan Sơn đang xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, tour du lịch Quan Sơn – Viêng Xay (nước CHDCND Lào). Trong đó, kết hợp du lịch thắng cảnh thiên nhiên với những nét văn hóa đặc sắc từ các lễ hội, làng nghề dệt thổ cẩm, đặc sản cơm lam, rượu cần, rượu men lá...

Ông Lữ Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, một trong những xã nằm trong phương án phát triển tour du lịch Quan Sơn – Viêng Xay, cho biết: Xã Sơn Thủy có nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, trong lành, nơi đây nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, do sản phẩm thổ cẩm chưa trở thành hàng hóa nên hiện còn ít hộ duy trì nghề dệt. Toàn xã có 730 hộ, nhưng chỉ còn khoảng 10% - 15% các hộ còn duy trì dệt vải thường xuyên. Hiện nay, để phát triển du lịch cộng đồng tại xã Sơn Thủy, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng, khôi phục lại làng nghề dệt thổ cẩm với sự đa dạng về sản phẩm. Như vậy, vừa lưu giữ được nghề truyền thống vừa giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Bà Hà Thị Mai, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn cho biết thêm: Khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm là một trong những nội dung trong phương án thực hiện tour du lịch Quan Sơn – Viêng Xay. Theo đó, chúng tôi sẽ chọn một số hộ còn duy trì nghề dệt thổ cẩm để dệt các sản phẩm đặc trưng của người dân nơi đây. Sau đó, tổ chức đưa một số chị em có tay nghề sang Mai Châu (Hòa Bình) học thêm những mẫu mã thổ cẩm khác để đa dạng sản phẩm thổ cẩm, như: Ngoài khăn, áo, váy, còn làm túi xách, ba lô... đưa thổ cẩm thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quan Sơn.

Khác với huyện Quan Sơn, huyện Bá Thước lại có nhiều điểm du lịch cộng đồng đã và đang rất phát triển, như: Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Kho Mường (xã Thành Sơn)... Thế nhưng, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng nơi đây chưa đi kèm với dịch vụ cung cấp các sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm thổ cẩm nói riêng. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại còn hạn chế mặc dù tiềm năng phát triển du lịch nơi đây lớn.

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, chia sẻ: Trước kia, gia đình nào cũng có khung cửi và phụ nữ Thái đều biết dệt vải. Hiện nay, người duy trì nghề dệt không còn nhiều, chủ yếu là những người tuổi từ hơn 40 trở lên, còn thế hệ trẻ rất ít người biết dệt. Nguyên nhân là do sản phẩm làm ra không mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó, thanh niên trẻ có sức khỏe, trình độ văn hóa, dễ dàng có cơ hội tìm kiếm công việc có thu nhập hơn. Hàng năm, bản Đôn thu hút hàng chục nghìn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Du lịch cộng đồng đang phát triển với các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, nhưng bản Đôn vẫn chưa có các gian hàng lưu niệm bày bán các sản phẩm truyền thống, đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây. Sản phẩm thổ cẩm vì thế cũng chưa thành mặt hàng du lịch được bày bán rộng rãi cho du khách đến đây tham quan. Bản Đôn hiện có 15 gia đình đang duy trì dệt thổ cẩm thường xuyên. Đây cũng là nơi để du khách đến tham quan, mua sản phẩm thổ cẩm. Tuy nhiên, sản phẩm thổ cẩm ở đây chưa đa dạng nên việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến quy hoạch phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp để phát huy hết tiềm năng vốn có của địa phương.

Năm 2015, UBND tỉnh đã có Quyết định 4620/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, có bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy; Hỗ trợ 7 làng nghề dệt thổ cẩm gồm: Làng nghề dệt thổ cẩm bản Chai, bản Cang (xã Mường Chanh, huyện Mường Lát); làng nghề dệt thổ cẩm bản Sáng, bản Pùng (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát); làng nghề dệt thổ cẩm bản Ban (xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Muốt (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy). Tuy nhiên, để đưa sản phẩm thổ cẩm ra thị trường, gắn với phát triển du lịch địa phương, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư hơn nữa nhất là việc khôi phục làng nghề gắn với nâng cao trình độ, tay nghề người lao động, nâng cao chất lượng mẫu mã, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, quảng bá và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm...


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]