(Baothanhhoa.vn) - Trải qua quá trình định cư và phát triển lâu dài, đồng bào dân tộc Mường đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Qua đó, không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người Mường mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp lửa văn hóa Mường

Trải qua quá trình định cư và phát triển lâu dài, đồng bào dân tộc Mường đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Qua đó, không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người Mường mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp lửa văn hóa Mường

Đồng bào dân tộc Mường, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) tham gia ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022.

Người Mường là một trong những dân tộc gắn bó lâu đời trên mảnh đất xứ Thanh, cư trú đông nhất ở các huyện miền núi Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước... Trải qua quá trình định cư lâu dài, người Mường đã tạo dựng được một kho tàng văn hóa phong phú, đã “ăn sâu bén rễ” vào trong đời sống cộng đồng, đó là: tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ, diễn xướng... Các giá trị đó đã và đang được nhiều địa phương quan tâm giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị.

Nếu có dịp về xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), du khách không chỉ được tham quan Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương để cùng nhau khám phá những câu chuyện huyền bí, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa Mường. Đó là những nếp nhà sàn xinh xắn, là tiếng cồng chiêng cùng điệu múa của những cô gái Mường trong ngày hội. Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường, những năm qua xã Cẩm Lương đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để đồng bào nâng cao ý thức của người dân về văn hóa dân tộc mình; thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng làng Lương Ngọc thu hút 30 hội viên tham gia và thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội làng, hay các dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ do huyện, xã tổ chức; đồng thời, khuyến khích người dân mặc trang phục của dân tộc Mường trong các ngày lễ, tết, ngày hội làng... Qua đó, không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Cùng với xã Cẩm Lương, thì ở huyện Cẩm Thủy nhiều giá trị văn hóa dân tộc Mường đang được người dân lưu giữ và phát huy giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến cồng chiêng. Đây được coi là “báu vật”, là linh hồn của những bản Mường. Chính vì vậy, huyện đã thành lập được nhiều CLB cồng chiêng ở các xã: Cẩm Ngọc, Cẩm Liên, Cẩm Tâm, Cẩm Thành, Cẩm Quý. Và chính những CLB cồng chiêng này góp phần gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu của các thế hệ người Mường với văn hóa cồng chiêng. Các CLB đã tập hợp, thu hút được nhiều già làng, nghệ nhân những người am hiểu kỹ thuật đánh cồng chiêng, vì vậy họ rất tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ và truyền cả những giá trị tinh thần vô giá của những âm thanh ấy đối với đời sống văn hóa dân tộc Mường. Để giờ đây, khi đến với các bản Mường nơi đây, mỗi dịp có sự kiện quan trọng, tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn vang lên, lay động lòng người.

Tại huyện Thạch Thành, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường từ những ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian đến công cụ lao động sản xuất… hiện vẫn được lưu giữ, gắn liền với đời sống cộng đồng. Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng được huyện quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, truyền dạy. Hiện nay, toàn huyện đã thống kê được 4 loại hình dân ca gồm: Mo Mường, hát Mường, hát bội, hát ru; 1 loại hình dân vũ là múa Mường (múa cờ, múa bông, múa quạt, múa dâng lễ vật, múa mặt nạ...); các loại hình dân nhạc như séc bùa, cồng chiêng... Các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc này đa số vẫn được đồng bào diễn xướng trong các dịp lễ hội, ngày lễ, kỷ niệm và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Cùng với đó, huyện đã chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, quy hoạch sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa các dân tộc; khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì tổ chức các lớp tập huấn về dân ca, dân vũ, dân nhạc... Đồng thời, quan tâm xây dựng và ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch, liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có bảo tồn trang phục truyền thống của người Mường như: Đề án phát triển du lịch huyện Thạch Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Nâng cao chất lượng thôn, khu phố trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2025”...

Không thể phủ nhận sự nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường ở nhiều địa phương. Song, do tác động của xu thế hội nhập nên có không ít giá trị văn hóa của người Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi đó, lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng ít, dẫn đến thiếu lực lượng kế cận để truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa Mường ở một số địa phương chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng; nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cũng còn hạn chế...

Văn hóa dân tộc Mường có sắc thái riêng, thể hiện bản sắc tộc người, đã và đang góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa xứ Thanh. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng để các giá trị văn hoá dân tộc Mường được trao truyền và phát huy thì phải bắt nguồn từ cộng đồng, bởi họ là chủ thể, là người quyết định sự tồn tại của loại hình văn hóa này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị của văn hóa Mường trong đời sống cộng đồng. Ngoài ra cũng cần có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn những di sản văn hóa Mường tại các làng, bản, thôn, xã trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]