(Baothanhhoa.vn) - Đôi khi giữa cuộc sống xô bồ nơi phố thị, tôi lại bất giác giảm ga khi chứng kiến những người phụ nữ băng qua các làn xe chỉ để gom nhặt vỏ của một lon bia hoặc chai nước ngọt ai đó vứt ở bên đường. Họ đến từ nhiều vùng quê và tuổi đời cũng không giống nhau nhưng dưới chiếc nón cũ sờn theo năm tháng, tôi nhận ra ở họ đều có mái tóc đã chuyển sang màu đỏ úa, hệt như những chiếc lá cuối thu.

Thương mái tóc úa

Đôi khi giữa cuộc sống xô bồ nơi phố thị, tôi lại bất giác giảm ga khi chứng kiến những người phụ nữ băng qua các làn xe chỉ để gom nhặt vỏ của một lon bia hoặc chai nước ngọt ai đó vứt ở bên đường. Họ đến từ nhiều vùng quê và tuổi đời cũng không giống nhau nhưng dưới chiếc nón cũ sờn theo năm tháng, tôi nhận ra ở họ đều có mái tóc đã chuyển sang màu đỏ úa, hệt như những chiếc lá cuối thu.

Thương mái tóc úa

Ảnh minh họa.

Còn nhớ đợt gió lạnh cuối năm ngoái, khi tôi đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết thì có một phụ nữ gày gò đang đạp xe bỗng dừng lại cất tiếng hỏi: “Nhà có đồng nát bán không chị?”. Rồi như đã đoán biết trước, nét mặt chị vui hẳn lên khi được tôi mời vào trong nhà gom nhặt phế liệu giữa bừa bộn đồ đạc. Chỉ trong ít phút, chị đã xếp gọn những thứ cần bỏ đi, rồi nhanh tay lấy bao bì và chiếc cân đĩa để sẵn bên cạnh, đợi tôi kiểm tra xem có bỏ nhầm thứ gì không mới bắt đầu cân cân, đếm đếm.

Tôi bảo: “Cho chị cả đấy, không phải trả tiền đâu”.

Vừa làm, chị vừa kể: “May quá, chứ không thì cả buổi sáng của tôi có khi chỉ nhặt được mấy tấm bìa cát tông. Giờ mua bán gì cũng khó, vì chỉ riêng xã tôi đã có cả chục người xuống thành phố đi thu mua phế liệu rồi”.

Chị đã 50 tuổi, chồng chẳng may mất sớm, một mình phải đi làm nuôi 2 con, một đứa học đại học, một đứa học nghề. Ở quê, chị làm 4 sào ruộng và nuôi thêm gà, vịt. Vào thời điểm nông nhàn, chị mới tranh thủ đi thu mua phế liệu để có thêm tiền trang trải. Công việc tuy thu nhập không cao nhưng được cái là không bị gò bó, chỉ cần chịu khó đi nhiều và quan sát thì có ngày cũng kiếm được cả trăm nghìn đồng. Vì vậy mà hơn 10 năm làm công việc này, chị không thể nhớ được số cung đường mình đã từng đi.

Tôi cũng sinh ra trong gia đình khó khăn nên hiểu được, với những người nghèo khổ, tiền với họ quý giá chẳng khác nào sinh mạng, dù có thể đó chỉ là mấy đồng bạc lẻ. Với những người thu mua đồng nát, điều đó lại càng thấy rõ bởi tôi để ý họ không chỉ sẵn sàng băng qua đường để lượm lặt một mẩu ve chai, mà còn chẳng ngại nhặt cả những đồng tiền mà các đám ma tung ra đường bất chấp các mối nguy hiểm.

Tôi nhớ có lần vừa đi qua một ngã tư thì bất giác giật mình bởi tiếng còi xe ở phía sau lưng vang lên inh ỏi. Thì ra, có một phụ nữ đang đi xe đạp chở theo sắt vụn cồng kềnh bỗng nhiên dừng lại ngay giữa ngã tư chỉ để nhặt tờ hai nghìn đồng một đám hiếu vừa thả xuống. Trong mắt những người đi đường, việc làm đó thật dại dột, thiếu suy nghĩ nên khi chứng kiến, đa số đều lấy làm khó chịu. Nhưng tôi biết, người phụ nữ ấy có phần đáng trách mà cũng rất đáng thương.

Vì mưu sinh, có biết bao người phụ nữ vẫn hàng ngày đạp xe như thế. Họ đi xuyên qua thời gian, như không hề biết đến những hiểm nguy, mệt nhọc; chẳng màng đến mái tóc đen ngày nào giờ đã chuyển sang màu đỏ úa, xác xơ.

Tản văn của Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]