(Baothanhhoa.vn) - Thể loại thơ ngắn đã và đang xuất hiện trong nền thi ca Việt Nam như một yếu tố khách quan, do nhu cầu được biểu đạt tâm trạng, tư tưởng, cảm hứng của chủ thể sáng tác nhằm đưa tới bạn đọc một tác phẩm văn học ngắn gọn, nhưng cô đọng bằng ngôn ngữ chọn lọc và nhà thơ Nguyễn Hoa là một tác giả như vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ ngắn Nguyễn Hoa – được bạn đọc yêu thích, đón nhận

Thể loại thơ ngắn đã và đang xuất hiện trong nền thi ca Việt Nam như một yếu tố khách quan, do nhu cầu được biểu đạt tâm trạng, tư tưởng, cảm hứng của chủ thể sáng tác nhằm đưa tới bạn đọc một tác phẩm văn học ngắn gọn, nhưng cô đọng bằng ngôn ngữ chọn lọc và nhà thơ Nguyễn Hoa là một tác giả như vậy.

Không chỉ riêng tập “Thơ ngắn Nguyễn Hoa” do Nhà Xuất bản Hội nhà văn tập hợp và ấn hành năm 2015, mà rải rác trên các báo Trung ương và địa phương có nhiều bài thơ ngắn cô đọng, xúc tích của Nguyễn Hoa làm bạn đọc yêu thích.

Trên Báo Thanh Hóa hằng tháng, tháng 11-2018, trong bài “Từ” ông viết:

“Từ bùn lầy

Mọc lên

Sen đỏ

Từ đồi sỏi

Mọc lên

Lau trắng

Từ trời cao

Mọc trăng

khuôn mặt em”.

Bài thơ chỉ có hai hai từ nhưng khái quát được quy luật tự nhiên, truyền tải được vẻ đẹp hình thái của người phụ nữ được nhà thơ ví như sen đỏ, như lau trắng, như trăng trên trời và hơn thế, ông còn phát hiện ra bản lĩnh, tố chất của người phụ nữ đẹp ra sao khi biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn, hay đúng hơn là người phụ nữ biết vượt thoát số phận để vươn tới cảnh đẹp tinh khiết như sen, như bông lau và để đẹp như trăng từ bùn lầy, sỏi đá...

Một bài thơ khác có tựa đề “Muối” chỉ có tám từ, nhưng khi đọc và lắng từng câu, chúng ta thấy được nỗi đau trong trái tim chàng trai sâu nặng đến chừng nào:

“Em là muối

Ướp nỗi đau

Tươi mãi”.

Phải là tài năng mới khái quát được hình ảnh và sự vật thông thường thành ký hiệu của trạng thái tình cảm con người, từ đó nhà thơ gửi vào câu thơ điều tác giả muốn biểu đạt về tình yêu của người con trai thông qua ngôn ngữ chọn lọc, dồn nén tâm trạng. Câu thơ trên không có nước mắt nhưng với tám từ ngắn gọn, những hình ảnh vật chất và hành vi bình thường là “muối”, “ướp”, “tươi mãi” đã được nhà thơ hình tượng hóa khiến bài thơ trở nên quyến rũ bạn đọc, để rồi người đọc phải giật mình ở hai câu cuối “Ướp nỗi đau/ Tươi mãi”.

Thơ ngắn cũng đồng nghĩa với sự chưng cất ngôn từ, chọn lọc hình ảnh tiêu biểu có tính khái quát sự vật, hiện tượng, tư tưởng, tâm trạng cao, mới có thể sáng tạo nên thể thơ ngắn mà vẫn đáp ứng được nhiều tầng ý nghĩa khác nhau và hàm chứa tính nhân văn thăm thẳm tình người, bao dung, nhân ái như trong bài “Với bông hồng” ông viết:

“Ngoài cửa sổ phòng tôi

Bông hồng nở

Tôi muốn hái

Tặng em

Nhưng, không nỡ

Làm trống đi một chấm đỏ của

trời xanh”.

Khi con người sống hòa đồng với thiên nhiên, coi thiên nhiên là bạn đồng hành đi suốt cuộc đời thì một bông hoa cũng thành tri âm, tri kỷ và vì vậy, con người không nỡ hủy hoại vẻ đẹp do thiên nhiên mang lại.

Tương tự như bài thơ trên, trong bài “Chim sơn ca” nhà thơ cũng lấy sự vật để khơi gợi lòng nhân văn trong mỗi con người, nhằm đưa con người trở về sống hòa đồng với thiên nhiên, đừng vì sự ích kỷ thỏa mãn cá nhân mà phá hủy môi trường và tàn sát cỏ cây, chim chóc, vốn luôn đem lại cho chúng ta lợi ích sinh thái bền vững:

Bình minh

Chim sơn ca mải mê cất cao tiếng hót

Chùm lá biếc rung rinh

Người đi săn

Gương súng lên rình

Mà không hay biết

Chim sơn ca vẫn hót

Cho cả số phận mình!

Giữa sự hồn nhiên, trong trẻo của ban mai, chim họa mi hót vang, cũng báo hiệu cho kẻ săn mồi biết mục tiêu để rình mò, tiêu diệt và chính sự hồn nhiên dâng cho ban mai tiếng hót mà chim họa mi không ngờ mình đã hót cho số phận mình. Cái kết đột ngột “Chim sơn ca vẫn hót/ Cho cả số phận mình” không cần diễn đạt thêm dòng ngôn từ nào nữa, nhà thơ đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều suy ngẫm:

Thơ ngắn, nhưng mang sức nặng tư tưởng và tính gợi mở nhiều suy ngẫm cho bạn đọc, đó là đặc trưng thơ ngắn của Nguyễn Hoa không chỉ trong các đề tài thơ về tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa mà cả trong đề tài thơ viết về người lính trong chiến tranh như trong bài “Để nói”, nhà thơ viết về khát vọng hòa bình, về những tổn thất phi lý của chiến tranh, về nỗi mong ước thầm lặng của người lính không bao giờ mong có chiến tranh để thành dũng sĩ mà là cầu mong hòa bình để hát quân nhạc kể về chuyện chiến tranh của quá khứ xa xưa:

“Bao giờ

Trái đất chỉ còn những người lính

quân nhạc

Trong các cuộc diễu hành

Để nói với trời xanh

Để nói với đất lành

Về sự hùng dũng của những hiệp sĩ

Trong quá khứ...”.

Thơ ngắn Nguyễn Hoa đã được ra mắt bạn đọc bằng nhiều ấn phẩm riêng, xuất hiện đều đặn trên báo chí, được bạn đọc yêu thích, đón nhận với tính khái quát nội dung trong thơ cao, ngôn ngữ chọn lọc, dồn nén cảm xúc và có sức gợi tưởng lớn từ những hình ảnh mang tính so sánh, ẩn dụ. Mỗi bài thơ như một câu chuyện có mở đầu, kết thúc, đầy trải nghiệm được nhà thơ thổi hồn vào từng con chữ với bao day dứt, trăn trở trước cuộc sống ồn ào, náo động hôm nay. Đó là thể thơ tự do, một thử nghiệm mới, gợi mở cho những người đang và sẽ sáng tác thơ nghiên cứu và chọn lựa.


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]