(Baothanhhoa.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là câu chuyện “biết rồi” nhưng luôn mới, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ở một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, bề dày trầm tích, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh với tốc độ phát triển nhanh, đổi thay mạnh mẽ như mảnh đất xứ Thanh.

Thêm sắc màu cho di sản xứ Thanh: Tiếp lửa di sản…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là câu chuyện “biết rồi” nhưng luôn mới, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ở một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, bề dày trầm tích, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh với tốc độ phát triển nhanh, đổi thay mạnh mẽ như mảnh đất xứ Thanh.

Thêm sắc màu cho di sản xứ Thanh: Tiếp lửa di sản…

Ông Đặng Xuân Khâm (89 tuổi) – người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm trưởng ban tế lễ trong Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc. Ảnh: H.T

Văn hóa là “sức mạnh mềm” của đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong chặng đường phát triển bền vững đất nước: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”; “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Với một mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “đất thang mộc”, “sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”,... càng nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. Nhận thức càng sâu, rõ thì vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa càng được nêu cao.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là hành trình xuyên suốt, liên tục, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Thời gian vừa qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, kế hoạch góp phần quan trọng, hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả được nâng cao. Hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; chất lượng dịch vụ, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực, diện mạo và vị thế du lịch của tỉnh Thanh Hóa được nâng cao, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng.

Trải qua quá trình tồn tại và phát triển trong lịch sử, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Đến nay, Thanh Hóa có 14 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số địa phương đã chủ động có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân dân gian, khuyến khích các làng, bản, khôi phục, phát huy, gìn giữ các loại hình di sản văn hóa truyền thống... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới chỉ được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một do không truyền dạy được cho thế hệ sau (thất truyền) hoặc không được cộng đồng thường xuyên thực hành... Việc thực hành di sản phi vật thể, đặc biệt là lĩnh vực trình diễn dân gian là công việc khó, đòi hỏi phải có sự tâm huyết, đầu tư thời gian giữa người học và người truyền dạy. Tuy nhiên, hiện nay đứng trước tác động của nền kinh tế thị trường, cách mạng công nghiệp 4.0, thế hệ trẻ chưa thực sự “mặn mà” với các hoạt động văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thục đối với các nghệ nhân hoạt động trong loại hình văn hóa phi vật thể để họ yên tâm truyền dạy cho thế hệ tiếp nối, trình diễn trong cộng đồng, lan tỏa giá trị trong xã hội. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể hiện nay chưa nhiều...

Xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) – nơi vừa đón nhận niềm vui Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong ngôi nhà nhỏ của cụ Đặng Xuân Khâm (89 tuổi) – người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm trưởng ban tế lễ trong Lễ hội đền Bà Triệu cùng một số “bạn già” đang sôi nổi bàn luận về sự kiện này. Cụ Đặng Xuân Khâm lớn giọng nói:

- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là gì các ông biết không?

Một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần phân tích: “Biết sao không! Này nhé, di sản văn hóa vật thể giống như cái cốc đựng nước chè nhé, còn di sản văn hóa phi vật thể chính là hương vị thơm ngon của cốc nước chè xanh mà các ông đang uống đó”.

- Cụ Khâm lại tiếp lời: Thế thì nói bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, cụ thể như Lễ hội đền Bà Triệu của mình thì là bảo tồn, phát huy cái gì?

Câu hỏi của cụ Khâm lại khiến cho “hội nghị văn hóa” rộ lên những tranh luận, ý kiến khác nhau... Những con người như cụ Khâm chính là “linh hồn” của di sản, một trong những điều cần được quan tâm, trân trọng nhất. Thế nhưng, ngay trên vùng đất di sản, những người như cụ Khâm vẫn lặng lẽ theo quy luật tự nhiên mà dần vắng bóng, để lại khoảng trống về đội ngũ kế cận thực hành di sản. “Tre già măng chưa mọc”, đó là thực trạng chung tại nhiều địa phương có di sản văn hóa đã được xếp hạng, công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cụ Đặng Xuân Khâm trăn trở: “Đối với Lễ hội Bà Triệu, đội tế lễ có vai trò, ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là ban nhạc tế. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do thiếu kinh phí, thiếu con người tâm huyết nên địa phương chưa thành lập được ban nhạc tế mà chủ yếu phải đi thuê. Việc tuyên truyền, lan tỏa giá trị di sản cũng chưa được quan tâm đúng mức, xứng tầm”.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho vấn đề này, ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung trên địa bàn xã là nguồn kinh phí và nhân lực. Thực tế, phần lễ và phần hội là hai phạm trù không thể tách rời, có lễ mới có hội và lễ hội thường gắn liền với di tích. Hiện nay, một số công trình nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu như: nghè Eo, miếu bàn thề, đình làng Phú Điền... chưa được quan tâm, chú trọng đầu tư. Đây đều là những địa điểm liên quan hoặc nằm trong không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu. Ông Doãn cho biết thêm: “Nghè Eo đã xuống cấp nghiêm trọng, phải dùng khung sắt để gia cố; miếu bàn thề chưa được quan tâm đầu tư; đình làng Phú Điền mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu các công trình phụ trợ thiết yếu (khu vực nhà vệ sinh, nhà sắp lễ...). Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến vấn đề tôn tạo, trùng tu di tích cũng gặp nhiều rào cản”. Di sản văn hóa không chỉ là niềm tự hào hay trách nhiệm của một vùng đất, của duy chỉ những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đó mà thuộc về cộng đồng xã hội, nhất là đối với các di tích, lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của những yếu nhân có tầm vóc như Bà Triệu. “Do đó, xã Triệu Lộc đề nghị các cấp, các ngành và cộng đồng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Trước mắt, việc cần làm ngay là thực hiện trùng tu, tôn tạo nghè Eo, miếu bàn thề trước nguy cơ hư hỏng. Đối với công tác giáo dục di sản, cần có cơ chế, chính sách để tổ chức hoạt động, tạo động lực cho các nghệ nhân tham gia truyền dạy”, ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, cho biết.

Không chỉ riêng xã Triệu Lộc mà nhiều địa phương cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; huy động hiệu quả và tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực để bảo tồn đi đôi với phát huy cả 2 loại hình di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh...

Hành trình để “một sản phẩm vật chất, tinh thần mang giá trị văn hóa, lịch sử trong cộng đồng” đến với danh hiệu di sản văn hóa thế giới vốn đã không phải điều dễ dàng. Nhưng để nuôi dưỡng sức sống, từ đó phát huy giá trị di sản cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa từ các cấp, các ngành, sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng, nhiệt huyết của cộng đồng – chủ thể, linh hồn của di sản.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]