(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví di sản văn hóa phi vật thể ở xứ Thanh như một bức tranh, thì bức tranh ấy đang dần được điểm tô thêm những sắc màu mới. Đánh dấu bởi việc thêm 3 di sản của Thanh Hóa mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc - huyện Hậu Lộc); lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy - huyện Quan Sơn) và nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường (huyện Ngọc Lặc).

Thêm sắc màu cho di sản xứ Thanh: Những nét chấm phá mới

Nếu ví di sản văn hóa phi vật thể ở xứ Thanh như một bức tranh, thì bức tranh ấy đang dần được điểm tô thêm những sắc màu mới. Đánh dấu bởi việc thêm 3 di sản của Thanh Hóa mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc - huyện Hậu Lộc); lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy - huyện Quan Sơn) và nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường (huyện Ngọc Lặc).

Thêm sắc màu cho di sản xứ Thanh: Những nét chấm phá mới

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: K.L

Niềm vui trên vùng đất Triệu Lộc

Vùng đất Triệu Lộc (Hậu Lộc) được ví như quê hương thứ hai của vị Vua Bà (Bà Triệu). Tại đây, nghĩa quân Bà Triệu đã có những trận quyết chiến với giặc ngoại xâm. Cũng chính tại đây, Bà Triệu đã thể hiện khí phách của bậc nữ anh hùng khi lựa chọn tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc và Bà Triệu đã thực sự bất tử trong lòng Nhân dân.

Tại nơi Bà Triệu tuẫn tiết (trên đỉnh núi Tùng), quân sĩ và người dân đã đắp mộ cho Bà; xây đền thờ dưới chân núi Gai, suy tôn Bà là Thành hoàng làng, thờ ở đình làng Phú Điền. Về vùng đất cổ Triệu Lộc, hôm nay chúng ta vẫn còn được chiêm ngắm những dấu tích của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm xưa và cả không gian văn hóa tâm linh gắn với vị Vua Bà. Trong đó, lễ hội đền Bà Triệu diễn ra vào tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân trong khắp cả vùng cùng về dâng hương, bày tỏ tấm lòng kính ngưỡng trước tiền nhân. Đi qua thời gian, lễ hội đền Bà Triệu đã thực sự trở thành sự kiện văn hóa - tín ngưỡng tâm linh với sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống Nhân dân.

Với riêng người dân làng cổ Phú Điền (xã Triệu Lộc), lễ hội đền Bà Triệu hàng năm được xem như “nhiệm vụ” quan trọng của cả làng. Bởi vậy, sau khi lễ hội đền Bà Triệu được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trò truyện với ông Đặng Văn Cường - bậc cao niên trong làng có nhiều năm gắn bó với việc trông coi tại di tích đình Phú Điền, tôi được nghe những lời tâm sự xúc động: “Biết tin lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, người dân Phú Điền chúng tôi tự hào lắm, rất xứng đáng cho những giá trị đặc sắc được lưu giữ trong lễ hội truyền thống gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu”.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Bà Triệu diễn ra hàng năm với nhiều nghi lễ quan trọng. Ngoài việc tế lễ, dâng hương trang nghiêm, lễ hội đặc biệt hấp dẫn với nghi lễ rước kiệu (thường diễn ra vào năm chẵn) mang yếu tố tâm linh. Trong đó, hiện tượng kiệu “quay” vẫn được xem như sự “linh ứng” - yếu tố “thiêng” của lễ hội truyền thống.

Về giá trị của lễ hội đền Bà Triệu, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, đánh giá: “Mỗi lễ hội ra đời và tồn tại đều chứa đựng giá trị, ý nghĩa riêng. Với lễ hội đền Bà Triệu, ngoài ý nghĩa vốn có, điều đáng quý là lễ hội vẫn giữ được những yếu tố văn hóa - lịch sử - dân gian gốc, chưa bị sân khấu hóa, hình thức hóa. Người dân địa phương vẫn giữ vai trò chủ nhân - chủ thể tổ chức lễ hội. Khi lễ hội đền Bà Triệu chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì ngoài niềm tự hào, còn cả trách nhiệm đặt ra trong việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của lễ hội. Để xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Người Mường Ngọc Lặc có thêm di sản

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện Ngọc Lặc hiện nay, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Sau khi nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc chính thức được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ngọc Lặc cũng tự hào là địa phương sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhiều nhất cả tỉnh, với 3 di sản: trò diễn Pôồn Pôông; nghệ thuật trình diễn dân gian xường giao duyên; nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa. Cả ba di sản này đều gắn với đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Mường sinh sống trên địa bàn huyện.

Trong đời sống văn hóa, người Mường đặc biệt coi trọng những lời chúc tụng. Đó có thể là lời chúc trong dịp đầu năm; chúc về nhà mới; chúc đám cưới; chúc lễ hội... Và lời chúc sẽ chưa trọn vẹn nếu thiếu đi âm vang tiếng cồng chiêng, đó cũng chính là cơ sở hình thành nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa.

Hiểu đơn giản, nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa chính là mang cồng chiêng đi hát chúc. Trong niềm hân hoan của ngày tết đến xuân về, ngày hội vui của gia đình, bản làng... các đội Phường Chúc sẽ đến từng nhà mang theo lời chúc tốt đẹp cho gia chủ. Theo đó, đàn ông, phụ nữ Mường chọn cho mình sắc phục đẹp nhất, mang theo cồng chiêng cùng nhau đi chúc tết các gia đình. Phường Chúc được dẫn đầu bởi “cái bùa” - trưởng phường. Cái bùa phải là người giỏi đánh cồng chiêng và hát chúc. Nghệ nhân Lê Thị Hương, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) chia sẻ: “Trong cộng đồng người Mường ở Ngọc Lặc, người hát chúc hay nức tiếng phải kể đến nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng (xã Cao Ngọc), chúng tôi là thế hệ kế cận vẫn phải cố gắng rất nhiều. Các bài hát chúc thì xường Khoát Rát là khó nhất. Đòi hỏi người hát phải có trí nhớ tốt và khả năng ứng biến. Hát chúc (hát xường) được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho cháu con, cứ như thế mà thế hệ này sang thế hệ khác nắm giữ, trao truyền. Hát chúc không khó, nhưng để hát hay thì ngoài năng khiếu còn cần đến sự yêu thích, say mê”.

Âm điệu của những bài chúc (xường Khoát Rát) trong sắc bùa vui tươi. Dù có nội dung khác nhau song tựu chung đều mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp. Phường Chúc đi chúc mừng từ nhà này sang nhà khác, làng này sang làng khác và xã này sang xã khác. Đáp lại những lời chúc tốt đẹp của Phường Chúc, gia chủ sẽ mời cơm rượu, tặng quà cho Phường Chúc như một cách đáp lễ.

Thông thường, mỗi Phường Chúc sẽ có từ 15 - 20 người không phân biệt đàn ông, phụ nữ. Sau nhiều năm mai một, nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc đã được khôi phục và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người dân. Đến nay, hầu như ở các xã, thị trấn, thôn bản của người Mường trên địa bàn huyện đều đã có Phường Chúc sắc bùa. Trong đó, một số xã tiêu biểu như Cao Ngọc, Minh Sơn, Thạch Lập... nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa được bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Ngược ngàn về với lễ hội Mường Xia

Từ huyện miền núi Ngọc Lặc, theo cung đường miền Tây xứ Thanh, du khách tìm về với vùng đất Quan Sơn, thả lòng trong không gian của núi rừng nơi miền biên viễn, nghe chuyện kể để hiểu hơn về một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào các dân tộc: Lễ hội Mường Xia.

Lễ hội Mường Xia gắn liền với tướng quân Tư Mã Hai Đào. Theo sử liệu, ông vốn không phải người Quan Sơn. Tuy nhiên, ông có công lớn trong việc đem quân đi trấn ải vùng biên (nay thuộc huyện Mường Lát), đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại cuộc sống bình yên của Nhân dân. Sau khi giặc tan, trên đường trở về, tướng quân Tư Mã Hai Đào thấy vùng đất Mường Xia (nay thuộc xã Sơn Thủy) giữa núi rừng trùng điệp mà thế đất lại bằng phẳng, tốt tươi, tin rằng đây là nơi đất tốt để gây dựng cơ nghiệp. Từ đây, vùng đất Mường Xia với công lao của tướng quân Tư Mã Hai Đào đã từng bước phát triển, thu hút người dân đến buôn bán, dựng nhà... trong đó, người Thái chiếm số đông.

Trước những công lao, cống hiến của tướng quân Tư Mã Hai Đào, không chỉ người Thái ở Mường Xia, mà đồng bào các dân tộc ở khắp vùng đều nhớ ơn ông. Vì thế sau khi ông mất, hàng năm vào tháng 2 (âm lịch), Nhân dân khắp vùng lại cùng nhau trở về trung tâm Mường Xia, nơi có đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, tổ chức lễ hội tưởng nhớ người anh hùng. Lễ hội Mường Xia được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh người anh hùng có công bảo vệ biên cương Tổ quốc, đó còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Rồi đây, sau lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Mường Xia, nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường (Ngọc Lặc), xứ Thanh chắc chắn sẽ có thêm những di sản mới được vinh danh. Mỗi di sản là niềm tự hào, “tiếng nói” đại diện cho vùng đất, con người trên quê hương Thanh Hóa địa linh nhân kiệt.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]