(Baothanhhoa.vn) - Ngã Ba Bông nơi con sông Mã tách nhánh, nhánh chính xuôi xuống hướng Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Chúng ta vẫn quen với cách nói “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, nhưng liệu điều đó đã chuẩn xác chưa?

Thắng cảnh Ngã Ba Bông

Ngã Ba Bông nơi con sông Mã tách nhánh, nhánh chính xuôi xuống hướng Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Chúng ta vẫn quen với cách nói “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, nhưng liệu điều đó đã chuẩn xác chưa?

Thắng cảnh Ngã Ba Bông

Ngã Ba Bông. Ảnh: Trần Đàm

Sông Mã, con sông lớn ở Thanh Hóa bắt nguồn từ vùng Điện Biên Phủ, chảy qua tỉnh Sơn La (Việt Nam) và tỉnh Sầm Nưa (Lào) rồi chảy vào Thanh Hóa ở huyện Mường Lát. Sông Mã có chiều dài 528 km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 410 km, riêng tỉnh Thanh Hóa có 242 km. Dòng sông Mã chảy quanh co uốn khúc và có lắm thác ghềnh, nhưng cũng mang nặng phù sa đắp bồi cho đồng bãi. Sông Mã chảy đến đâu cũng tạo nên phong cảnh đẹp. Sông chảy qua núi, núi thành danh lam thắng tích, chảy qua đồng ruộng, xóm làng, đồng ruộng, xóm làng trở nên thắng cảnh. Đơn cử như sông Mã chảy đến khu vực Ngã Ba Bông ngày nay, nó gặp dãy núi Bần, nay thuộc địa danh của huyện Hoằng Hóa và huyện Hậu Lộc chắn lại, liền chia một phân lưu nhỏ là sông Lèn, còn nhánh chính thì rẽ hẳn sang phải và tiếp tục chảy xuống biển, tạo ra một ngã ba sông và có tên là Ngã Ba Bông sông nước mênh mông, xung quanh là những làng mạc trù phú của các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa ngày nay.

Theo các nhà khảo cổ học cho biết, ở các vùng ngã ba sông có vị trí quan trọng trong lưu vực của dòng sông. Nơi đây thường có cư dân người nguyên thủy, người Việt cổ sinh sống. Theo bản Sơ đồ phân bổ các di tích khảo cổ học khu vực ngã ba sông Mã, sông Chu của Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa cho thấy ở khu vực quanh ngã ba sông Mã – tức Ngã Ba Bông có nhiều di tích khảo cổ học thời kỳ văn hóa núi Đọ, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đó là những di tích núi Nổ (Vĩnh Lộc), di tích núi Thịnh, Quân Yên I, Quân Yên II (Yên Định), di tích Bù Ngôn, Bãi Xá (Hậu Lộc), di tích Mả Hộ, Mả Chùa, Bãi Gành (Hoằng Hóa). Những di tích khảo cổ trên được các nhà khảo cổ học phát hiện và cho biết xung quanh khu vực Ngã Ba Bông có nhiều điểm là nơi người nguyên thủy tối cổ sinh sống.

Ở khu vực quanh Ngã Ba Bông xưa kia có lắm đền đài, miếu mạo, ngày nay mới trùng tu tôn tạo được một phần ở cả khu vực Hàn Sơn (Hà Trung), khu vực Phong Mục (Hậu Lộc) với những đền thờ Đức Ông (danh tướng Lê Thọ Vực thời Lê Trung hưng), các đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, đền Cô Bơ, đền Cô Đôi, đền Cô Tám... Đặc biệt đền Cô Bơ được xây dựng sát ngã ba Bông, tạo nên phong cảnh thật hữu tình.

Lễ hội Hàn Sơn hay còn gọi lễ hội Đền Hàn có từ ngày xưa và đang được kế tiếp. Hằng năm lễ hội Hàn Sơn mở ngày 12 tháng 6 âm lịch và hội lễ thường kéo dài cả tháng 6 được ca dao ghi lại:

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mười hai tháng sáu cũng về Hàn Sơn.

Hiện nay khách thập phương đến lễ hội Hàn Sơn rất đông và thành kính.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, ở khu vực Hàn Sơn lúc bấy giờ có các trận địa bắn máy bay Mỹ của bộ đội, dân quân để bảo vệ cầu Đò Lèn. Nhà viết chèo nổi tiếng Tào Mạt với bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” đặc sắc đã về Hàn Sơn và viết vở chèo ngắn “Đường về trận địa” ở đây. Trong vở chèo ông đã có nhắc đến phong cảnh đẹp những địa điểm nơi đây như: Ngã Ba Bông, đền Cây Thị, Châu Tử...

Trước đây trên Ngã Ba Bông ngày đêm nhộn nhịp bởi những thuyền bè xuôi ngược, con đò ngang chở khách từ bến Hà Sơn (Hà Trung) sang bến xã Hoằng Khánh (nay là xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa) và ngược lại. Khi không dùng đò ngang nữa, ở Ngã Ba Bông có cầu phao bằng luồng để khách qua sông thuận lợi hơn nên đông khách. Rồi những bè gỗ, bè luồng nứa sau những ngày vượt ghềnh thác vất vả ở đầu nguồn, sức người có giảm, họ thường về khu vực Ngã Ba Bông rộng rãi dừng nghỉ ít ngày rồi mới về xuôi. Bên bờ Ngã Ba Bông còn có xóm chài, thuyền đậu san sát, đêm đêm tiếng mõ lốc cốc của người đánh cá, rồi tiếng hò của các trai đò làm cho Ngã Ba Bông lúc nào cũng sôi động.

Xưa kia đường bộ chưa phát triển, sông Mã là đường thủy quan trọng của Thanh Hóa để vận chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược và từ miền ngược về miền xuôi bằng phương tiện thuyền và bè mảng, trong đó có thuyền chở người theo dọc sông gọi là đò dọc. Đi đò dọc có những thú vui là được ngồi với nhau chuyện trò, được ngắm cảnh đẹp đôi bờ sông, được nghe hò sông Mã với những lời ca tình tứ, giàu âm thanh, làm say đắm lòng người, có những cô gái ngồi đò dọc phải lòng trai đò rồi nên vợ nên chồng.

Những người làm nghề sông nước và những người thường ngồi đò dọc trên sông Mã đều rất quen thuộc với địa điểm Ngã Ba Bông và Ngã Ba Bông đã đi vào những câu hò của trai đò như:

Ba Bông nước chảy ba bè

Anh lên sông cái em về sông con.

Hoặc:

Thuyền đà vượt Ngã Ba Bông

Đến đây là đất Báo Bồng em ơi.

Chuyện kể, một lần vào lúc gần nửa đêm, bầu trời đầy sao sáng, con đò chở khách vừa đến Ngã Ba Bông, trai đò cất tiếng hò:

Ớ... hò... Ra đây anh hát với nàng

Hát lên năm tổng, mười làng đều nghe.

Mấy cô gái buôn chuyến ngồi trong khoang thuyền đấm lưng nhau thùm thụp, rồi cô kia thúc cô này, cô này thúc cô kia bảo ra hát đi cho vui (hò). Nhưng có một cô nhiều tuổi hơn, từng trải hơn biết rõ nội dung câu hò là các trai đò báo cho hành khách biết là con đò đã đến Ngã Ba Bông, chứ không phải mời chào hành khách ra hát hò gì.

Tại sao trong câu hò có năm tổng, có mười làng lại là nói về Ngã Ba Bông. Đó là từ năm 1835, nhà Nguyễn tổ chức bộ máy hành chính dưới cấp huyện có cấp tổng, dưới cấp tổng là thôn (làng). Cấp tổng đứng đầu là cai tổng (sau đổi là chánh tổng), cấp làng đứng đầu là lý trưởng. Bấy giờ bên cạnh Ngã Ba Bông (sát với mép nước khu vực Ngã Ba Bông) có các làng của 5 tổng đó là: tổng Biện Thượng và tổng Ngọ Xá thuộc huyện Vĩnh Lộc, tổng Đại Lý thuộc huyện Hậu Lộc, tổng Dương Thủy thuộc huyện Hoằng Hóa, tổng Hải Quật thuộc huyện Yên Định. Đến năm 1946 huyện Hà Trung mới được thành lập, trong đó có 10 làng. Theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, 10 làng giáp giới với Ngã Ba Bông đó là: Trà Thượng, Trà Hạ, Thanh Đồng, Bản Hội, làng Lở, Phú Ninh, Cẩm Trướng, làng Khang, làng Trịnh, làng Nghệ. Hiện nay một số làng đã đổi tên.

Những năm qua khi nhắc đến Ngã Ba Bông, người ta hay nói “Một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Có nhà thơ viết:

Một tiếng gà gáy giữa Ngã Ba Bông

Người sáu huyện cùng nghe

Dân sáu làng cùng thức.

Có vẻ như các nhà thơ thường nói quá lên, nghe cho hấp dẫn. Trên thực tế, huyện Thiệu Hóa giáp giới với Ngã Ba Bông là không có. Hiện nay 5 huyện có đất đai giáp giới với Ngã Ba Bông là: Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, trong đó huyện Hậu Lộc có giáp giới ít nhất.

Lê Khắc Tuế


Lê Khắc Tuế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]