(Baothanhhoa.vn) - Thiệu Hóa là mảnh đất có bề dày lịch sử, bởi đây không chỉ là nơi phát tích của người Việt cổ. Những câu chuyện từ thuở hồng hoang của loài người đã được kể lại đầy sinh động và thuyết phục qua các di chỉ khảo cổ núi Đọ, núi Nuông. Để rồi, từ cái nôi của lịch sử và văn hóa ấy, Thiệu Hóa là mảnh đất của những danh nhân khoa bảng, anh hùng hào kiệt đã góp phần làm rạng ngời sử sách non sông. Nổi bật trong đó là nhà giáo mẫu mực, nhà sử học Lê Văn Hưu, người được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam”, bằng sự tinh anh và trí tuệ mẫn tiệp đã soạn nên “Đại Việt sử ký” lưu truyền cho muôn đời.

Sử gia Lê Văn Hưu và quê hương Thiệu Hóa

Thiệu Hóa là mảnh đất có bề dày lịch sử, bởi đây không chỉ là nơi phát tích của người Việt cổ. Những câu chuyện từ thuở hồng hoang của loài người đã được kể lại đầy sinh động và thuyết phục qua các di chỉ khảo cổ núi Đọ, núi Nuông. Để rồi, từ cái nôi của lịch sử và văn hóa ấy, Thiệu Hóa là mảnh đất của những danh nhân khoa bảng, anh hùng hào kiệt đã góp phần làm rạng ngời sử sách non sông. Nổi bật trong đó là nhà giáo mẫu mực, nhà sử học Lê Văn Hưu, người được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam”, bằng sự tinh anh và trí tuệ mẫn tiệp đã soạn nên “Đại Việt sử ký” lưu truyền cho muôn đời.

Sử gia Lê Văn Hưu và quê hương Thiệu Hóa

Lê Văn Hưu quê Phủ Lý, huyện Đông Sơn (nay là thôn Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Ông đỗ Bảng nhãn khoa Đinh Mùi (1247) đời Trần Thái tông và kinh qua các chức Hàn lâm viện học sĩ, Binh bộ thượng thư, được phong Nhân Uyên hầu. Năm “Nhâm Thân Thiệu Long thứ 15 (1272), Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng lệnh soạn Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ (Võ) đế đến Lý Chiêu hoàng gồm 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi”. Nói về trước tác này, nhiều ý kiến cho rằng, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu là bộ thông sử xưa nhất và đầy đủ nhất của chúng ta từ thế kỷ XIII trở về trước. Tiếc rằng bộ sử quý ấy hiện nay không còn nữa. Chúng ta chỉ biết Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu qua “Đại Việt sử ký toàn thư” mà Ngô Sĩ Liên là tác giả. Vì khi viết Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã dựa vào Đại Việt sử ký rất nhiều, do đó, có thể gọi Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu là bộ sách mẹ của các sách lịch sử.

Sách “Đại Việt sử ký tục biên” có đoạn: “Kể từ nước ta, nối sau trời đất mở mang, họ Hồng Bàng bắt đầu ra trị đời, trải đến Lê Cung hoàng của Quốc triều, có vua, có tôi, có thể thống, chính trị việc hay việc dở, thế đạo lúc thịnh lúc suy, lễ nhạc khi dựng khi bỏ, nhân vật người giỏi người kém, không việc gì không chép đủ ở trong sử sách. Hãy thử xét xem. Ngày xưa Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh Trần Thái tông chép bộ Đại Việt sử ký, bắt đầu từ Triệu Võ đế đến Lý Chiêu hoàng; và sử quan là Phan Phu Tiên vâng mệnh Nhân tôn của bản triều chép nối bộ Đại Việt sử ký từ Trần Thái tông đến khi người nhà Minh trở về nước, nghĩa lớn khen chê đã rành rành ở lời công luận của bút chép sử. Kịp đến Thánh tông Thuần Hoàng đế, bẩm sinh tư trời trí tuệ, có chí anh hùng, mở rộng đất đai cõi bờ, định ra phép tắc chế độ, lại rất lưu ý sử sách. Vào khoảng năm Hồng Đức thứ 10 (1479) sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư”.

Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng khẳng định: “Sách Đại Việt sử ký chép chính sự của đế vương đời trước. Trước sau truyền nối, từ khi mới mở nước Nam; địa vị ngang nhau, chẳng chịu kém thua triều Bắc. Dòng mối ức muôn năm truyền mãi, sánh trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị sinh ra, từ xưa rạng tỏ. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt đời nào cũng có. Thử xem thời trước, có thể xét tra. Nhà Ngô trở lên, đại khái loạn nhiều mà trị ít; nhà Lý trở xuống, dần dần đời biến mà tục đời. Phàm trị đến tột thì loạn tất sinh, giẫm thấy sương thì nước sẽ giá. Bề tôi giặc nhân đó mà tiến; nước thù địch thấy thế đến xâm. Giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cuồng bạo; sách vở cả nước, đều trở thành một đống tro tàn. Muốn tìm sự tích sót lại trong than trong tro, khó tránh thị phi về lầm chữ Hợi, chữ Thỉ...”. Với giá trị to lớn của trước tác Đại Việt sử ký đối với nền sử học dân tộc, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi “Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần”!

Tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, suy đến cùng được bồi tụ từ sự xuất hiện và khẳng định tên tuổi, tài năng, đức độ của lớp lớp con người – nhân cách Việt cao cả. Bởi vậy, bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Thiệu Hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Dương Đình Nghệ, Nguyễn Quán Nho... đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn. Cũng chính cội nguồn truyền thống ấy đã và đang trở thành điểm tựa để Thiệu Hóa đổi mới và phát triển.

Nổi bật trong đó, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, có nhiều nội dung đột phá về quy hoạch đô thị, công nghiệp và đặc biệt là giao thông đối ngoại. Huyện Thiệu Hóa được xác định là vùng phát triển nông nghiệp tập trung chất lượng cao của tỉnh; là vùng phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển đa ngành, lấy dịch vụ thương mại, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển ưu tiên. Đồng thời, là vùng sinh thái phụ cận của TP Thanh Hóa, cũng như có vai trò hỗ trợ và kết nối với khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa thông qua Quốc lộ 45... Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; bình quân tiêu chí nâng cao trên toàn huyện là 11,5/15 tiêu chí/xã; có 1 xã (Thiệu Trung) đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021; bình quân chỉ tiêu kiểu mẫu trên toàn huyện là 11/17 chỉ tiêu/xã... Sự hài lòng và nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến sâu sắc: từ việc coi chương trình là một dự án đầu tư của Nhà nước, sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính, người dân nông thôn là chủ thể và Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ. Đến nay, 98,5% người dân bày tỏ sự hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, với những thành quả đạt được, huyện lỵ trẻ Thiệu Hóa đang bước những bước đầy mạnh mẽ và vững chắc. Đó là nhờ bởi Thiệu Hóa đang đứng trên “đôi chân”: một của quá khứ với bề dày lịch sử và văn hóa đáng tự hào và một của hiện đại với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm đổi mới để phát triển.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]