(Baothanhhoa.vn) - Chừng mươi mười lăm năm trở về trước, trục đường chính chạy vào trung tâm xã Phúc Do (nay là xã Cẩm Tân) vẫn là con đường đất đỏ lầy lội khi mưa, bụi mù khi nắng. Dưới thời Pháp thuộc, Phúc Do vốn là một đồn điền trồng cà phê. Về sau, dù đã qua nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất, thế nhưng đời sống người dân cái xã miền núi này vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của thiếu thốn, khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Cẩm Thủy: Cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới

Chừng mươi mười lăm năm trở về trước, trục đường chính chạy vào trung tâm xã Phúc Do (nay là xã Cẩm Tân) vẫn là con đường đất đỏ lầy lội khi mưa, bụi mù khi nắng. Dưới thời Pháp thuộc, Phúc Do vốn là một đồn điền trồng cà phê. Về sau, dù đã qua nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất, thế nhưng đời sống người dân cái xã miền núi này vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của thiếu thốn, khó khăn.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Cẩm Thủy: Cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mớiMột góc thị trấn Phong Sơn.

Để có thể thay đổi tập quán canh tác cũ và những loại cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với loại đất, nhu cầu thị trường và áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, thay thế dần các cây trồng trước đây sang những loại cây trồng mới, như: mít Thái, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, cam V2... Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, đến nay, địa phương đã có hàng chục mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp mang lại thu nhập cao, nhiều hộ dân nhờ đó đã trở nên khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang. Diện mạo xã miền núi này giờ đây đã có sự đổi thay đáng kể; đường lãng ngõ xóm được mở rộng và bê tông hóa; nhà văn hóa thôn, sân vận động xã được xây mới, cải tạo; trường học, trạm y tế từng bước đáp ứng yêu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện và nâng cao.

So với một số huyện miền núi như Mường Lát, Ngọc Lặc, Thạch Thành, thì Cẩm Thủy là địa phương có số lượng người Dao sinh sống đông nhất và cũng lâu đời hơn cả. Cùng với quá trình định cư lâu dài, người Dao nơi đây đã gây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần tương đối phong phú và đậm đà bản sắc tộc người, thể hiện qua phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống... Trong đó, tang ma là một nghi lễ giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào. Trước đây, người Dao Quần Chẹt (sinh sống chủ yếu tại xã Cẩm Bình) vẫn duy trì tục làm ma tươi và ma khô. Với ma tươi, tang lễ được tiến hành trong một ngày một đêm với các lễ quan trọng, gồm lễ chia tài sản, lễ mời Ngọc Hoàng xuống làm chứng và rửa tội, lễ bắc cầu đưa hồn người chết về quê cha đất tổ và lễ chôn cất. Còn với ma khô, người Dao không để người chết trong nhà quá 12 giờ và chỉ mời thầy cúng làm các nghi lễ với lễ vật đơn giản. Sau một vài năm mới tổ chức làm đám ma tượng trưng, với các bước tương tự như làm ma tươi. Mặc dù nghi lễ tang ma của người Dao diễn ra trang nghiêm, thành kính, thể hiện sự tiếc thương và cách ứng xử của người sống đối với người đã khuất. Song các nghi thức tiến hành rất phức tạp, gây tốn kém cả về tiền bạc và thời gian. Trước thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị 27/CP của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, huyện Cẩm Thủy đã tích cực triển khai tinh thần, nội dung của chỉ thị đến tận các xã, làng, thôn các cơ quan, đơn vị. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, đến nay lễ nghi tang ma của người Dao đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với đời sống văn hóa mới.

Những ví dụ nêu trên là những minh chứng sống động về kết quả triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Cẩm Thủy những năm qua. Trong đó, lấy nòng cốt là phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, với các tiêu chí gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; gia đình hòa thuận hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cùng với đó, các phong trào xây dựng làng, tổ dân phố, cơ quan văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều đơn vị sau khai trương xây dựng đơn vị văn hóa đã tạo ra diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là các làng Phúc Ngọc, xã Cẩm Ngọc; làng Lụa, làng Đồng Chạ, thị trấn Phong Sơn; làng Muốt, xã Cẩm Thành; làng Do Thượng, xã Cẩm Tân; làng Bùi, xã Cẩm Thạch... Sự phát triển rộng khắp của các phong trào đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Đến nay, 100% xã/thị trấn trên địa bàn đặt mục tiêu phấn đấu về xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, tụ điểm vui chơi ở từng làng, từng thôn, xóm và triển khai đề án “Xây dựng làng văn hóa từ các làng truyền thống”.

Việc thực hiện Chỉ thị 27/CP của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được nhiều xã, nhiều thôn làng, các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện. Bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, bước đầu nhiều phong tục, tập quán mới đã dần hình thành và những tập quán lạc hậu đang dần được thay thế. Điển hình như một số vùng đồng bào dân tộc như Mường, Dao (thuộc các xã Cẩm Phú, Cẩm Bình, Cẩm Quý, Cẩm Châu, Cẩm Tâm) trước đây, từ khi ăn hỏi đến khi thách cưới phải sắm đủ lễ vật cho nhà gái (trị giá ước tính hàng chục triệu đồng), thì nay chỉ còn khoảng vài trăm ngàn đồng cho việc sắm lễ vật. Không chỉ bỏ hẳn lễ thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày gây lãng phí thời gian và tiền của; mà các thủ tục cũng gọn nhẹ hơn, không rườm rà như trước đây. Bên cạnh đó, đám tang không để quá 24h, không phúng cỗ chín và ăn uống linh đình, không lăn đường, không rải giấy vàng ra đường làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm và gây lãng phí, tốn kém...

Hiện nay, huyện Cẩm Thủy đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo đó, địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các nhà văn hóa, khu thể thao thôn, trung tâm văn hóa - thể thao xã đạt tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao; xây dựng và tăng nhanh mô hình gia đình thể thao, câu lạc bộ thể dục thể thao; xây dựng và phát huy các bộ môn có truyền thống để đạt thành tích cao... Song song với đó, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, uốn nắn sai lệch, sơ kết đúc rút kinh nghiệm đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Từ đó, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng và thực sự trở thành một điểm tựa cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]