(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu đông hanh hao gió. Gió lẩn mình vào tí tách hạt mưa. Mưa trải dài trên những con đường quanh co. Mưa loang khắp những dặm dài ký ức. Mưa ngao du mê mải trên óng ả mái tóc người thương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phác thảo hồn thơ Hải Minh qua tập thơ: “Tiếng cười sang trọng”

Những ngày đầu đông hanh hao gió. Gió lẩn mình vào tí tách hạt mưa. Mưa trải dài trên những con đường quanh co. Mưa loang khắp những dặm dài ký ức. Mưa ngao du mê mải trên óng ả mái tóc người thương.

Và rồi, bằng cách này hay cách khác, mưa len lỏi vào những khoảng trống vô tận trong tâm hồn con người. Mưa khiến lòng người bỗng chốc thấy mình hoang hoải. Phải chăng vì lẽ ấy, mà trong những ngày này, tôi thường thích đọc thơ. Thơ níu giữ tâm hồn con người đến lạ. Như ngày hôm nay đây, sau khi đã lăn lộn cả một ngày với những mải mê công việc; sau khi đã êm ả, thanh bình đi qua những dãy phố ồn ào, ngược xuôi, tôi muốn được thả mình trong đôi ba dòng thơ. Loanh quanh, luẩn quẩn giữa bao tầng ý nghĩ, chẳng biết là vô tình hay thật ra lòng đã muốn vậy từ lâu, tôi cầm trên tay tập thơ “Tiếng cười sang trọng” của nhà thơ Hải Minh. Lật giở từng trang giấy để được đắm chìm vào thơ ông với hy vọng có thể phác thảo được đôi nét hồn thơ đa tài của xứ Thanh.

Ngoài tư cách là một nhà thơ, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, Hải Minh – Hoàng Thăng Ngói còn được biết đến với tư cách là hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bởi cộng hưởng được rất nhiều hiểu biết vào bên trong một con người đã giúp thơ Hải Minh là một, là riêng, là thứ nhất, không dễ gì nhầm lẫn được. Đọc “Tiếng nói sang trọng”, người đọc dễ dàng nhận thấy tính triết lý đậm đặc trong thơ ông. Triết lý mà không khô cứng, giáo điều. Triết lý mà thực rất nên thơ. Triết lý ấy là triết lý hiện sinh sâu sắc, thấm thía của chắt chiu đau đáu đời người và được đắp đổi bằng kinh nghiệm sống của một con người đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Nếu không như thế thì làm sao có được những hình dung, những trường liên tưởng thấm đẫm vị đời được góp nhặt vào trong câu thơ này: “Chợ quê ồn ã, lao xao/ Bán may, mua rủi... nghẹn ngào nhân sinh!/ Chợ đời tan cuộc phiêu linh/ Rượu tàn trở lại phận mình thiên di/ Chợ quê nghèo cả lối đi/ Gánh, xe chen chúc chân đê, mép làng/ Vạ đò dọc, chéo đò ngang/ Chợ lăn lóc – lá phổi làng nuôi nhau” (Chợ quê). “Chợ quê” hiện lên trong thơ Hải Minh với cái không khí “ồn ã, lao xao” quen thuộc, gần gũi mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, bằng sự chiêm nghiệm tinh tế, nhà thơ Hải Minh lẩy lên được những vỉa tầng ẩn sâu bên trong thực tại đang diễn ra. Chợ quê cũng là “chợ đời”, là “phận mình”, là “nghẹn ngào nhân sinh”. Hay chỉ như hoạt động “Tắm biển” tưởng chừng là hoạt động giải trí đơn thuần mà qua thơ Hải Minh thấy đau đáu những nỗi niềm trăn trở: “Thanh thản hoài thai trở về từ lòng biển/ không còn nghe tiếng trái đất khóc than/ Để chấp nhận vũ trụ cũng có niềm đau – nỗi khổ/ nhặt lại bản ngã của chính mình/ trong khoảng khắc chơi vơi” (Tắm biển). Ai cũng phải sống hết phần đời đã định nhưng mấy ai ngộ đủ để chấp nhận được hết niềm đau, nỗi khổ của vũ trụ này. Hằng ngày, hằng giờ trên trái đất này vẫn văng vẳng đâu đó những lời ai oán sân si. Hải Minh viết “Vào Linh Sơn thượng” với những chiêm nghiệm về cõi Phật: “Cõi Phật là đây/ -Hãy trầm tư và thiền định/Đừng tự mãn tâm linh/ Đâu phải nơi tha thứ và ban cho ân huệ/ mà là nơi thử thách ý chí nghị lực của mình/ Đã dấn thân vào trò chơi oái oăm/ Ta mới chính là pháp đình của ta”. Pháp đình ấy là gì? Hải Minh tiếp tục đi sâu vào lòng đạo để ngộ đạo một cách chính minh: “Trong không gian tịch mịch lắng đọng/ -Ta ngộ chính minh/ sự hội tụ mong manh của các năng lượng/ vón đọng trong tâm bản ngã chiếm hữu/ Cứ cháy lên dục vọng khát khao/ Ta sám hối...!”. Những ẩn ức nhân sinh ấy, người đọc còn có duyên gặp gỡ rất nhiều trong thơ Hải Minh.

Nhà thơ Hải Minh đã sống và sáng tác trong triết lý hiện sinh sâu sắc ấy, để rồi bất giác bật lên tiếng cười – một “tiếng cười sang trọng”. Tiếng cười ấy là tiếng cười của hồn thơ nhạy cảm trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Nhạy cảm và tinh tế, nhà thơ Hải Minh cười trước nhân sinh, cười trước những vụt vặt đời thường và trên hết, ông cười vào những rối ren, mặt trái của xã hội. Bởi vậy, cho dù tiếng cười ấy có lúc “hô hố - tủm tỉm” hay “hằn học – đớn đau” cũng đều mang đến cho người đọc cảm giác về sự sang trọng trong tâm hồn và trí tuệ của người cầm bút. Trong bài thơ “Kò ơi”, tác giả viết: “Con cò khổng lồ bắc qua sông/ Làm cánh “kò” lung linh giữa phố/ Nơi đào luyện, thử thách, thực hành/ Của loài hữu sinh và ký sinh đồng lõa tồn tại”. Từ tên lóng đơn thuần mà xã hội dùng để chỉ những con buôn bất động sản, nhà thơ Hải Minh đã có những liên tưởng ấn tượng vừa tạo nên tiếng cười lại xen chút gì đó châm biếm sâu cay: “Đã đến mùa “quy hoạch” phì nhiêu/ “Kò” phơi phới khắp thị trường ngõ ngách/ Khai thác niềm tin, dung dưỡng khát vọng/ Tung phao cứu sinh, hợp đồng không bảo hiểm/ Cho những hy vọng mong manh, cô hồn chấp chới”. Tiếng cười này thường được gieo vào trong những dòng thơ định đề một cách tinh tế, khéo léo: “Những người không tự biết chính mình/ Là những người chăm chăm đạp lên lưng đồng đội/ Do chính họ có bản chất luồn cúi/ Nên sự thấp hèn cứ nhân bản, “y sao”! Trong một vài khoảnh khắc nào đó, chính sự nhạy cảm đã khiến hồn thơ Hải Minh thoáng chút bi ai: “Cứ tưởng cuộc đời này chỉ như trò hài kịch/ Thì ra bi kịch vẫn bám riết con người”. Bi ai nhưng không hề bi lụy, chút bi ai đó bỗng trở thành sức mạnh trong tâm hồn để nhà thơ Hải Minh viết nên những dòng thơ chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời: “Phải kính trọng cái văn minh trong cuộc sống hoang dã/ Và kính trọng cái hoang dã trong cuộc sống văn minh”. Sự im lặng được nâng lên thành triết lý: “Ai cũng biết im lặng là sự khôn ngoan ở cấp độ cao nhất/ Nhưng ít ai kiên nhẫn để biểu hiện mình/ không phải kẻ không khôn ngoan”.

Khi đã trăn trở, nhọc nhằn cùng nhân sinh, thế sự, “Tiếng cười sang trọng” vẫn dành ra những khoảng trống êm ả, thanh bình để nhắc nhớ về quê hương. Nhà thơ Hải Minh được xem như là một trong những người nghiên cứu không chuyên nhưng nặng lòng với văn hóa Sầm Sơn. Có lẽ bởi hai chữ “nặng lòng” ấy mà đọc thơ Hải Minh bao giờ cũng thấy bóng dáng quê hương ông hiện hữu. Sầm Sơn đẹp trong màu nắng với “nõn nà trắng”, “nõn nà cát”, “nõn nà sóng”. Và trên hết, Sầm Sơn đẹp bởi chính hình ảnh con người hiện hữu nơi đó: “Nồng nàn/ những ánh mắt/ tỏa nắng/ đắm đuối/ khát khao/ vị mặn mòi thế hệ/ Nắng tỏa ánh mắt/ run rẩy/ giữa biển hè tình linh/ thanh khiết” (Nắng Sầm Sơn). Vẫn là những đam mê, rạo rực trong những ngày Sầm Sơn đầy nắng – “cái nắng dịu ngọt, cái nắng thanh tao”, nhà thơ Hải Minh gieo vào nắng sự thổn thức của tình yêu: “Đêm vào hè trăng suông ngời như nắng/ Những nụ hôn đầu lem luốc cát cuồng phong/ Sóng cứ vỗ, ánh sáng chao huyền ảo/ Rạng đông vầng hoa lửa xòe mây” (Sầm Sơn nắng). Và đằng sau bức tranh thiên nhiên biển Sầm Sơn tươi đẹp ấy, ông lại đưa người đọc đến với những chiêm nghiệm: “Người tắm biển trở về thời nguyên thủy/ Vũ trụ mốc meo cũng lóa mắt thẫn thờ/ Nếu không nắng nghĩa là ngưng đọng hết/ Cho ta trở về trơ trọi chính ta. Phải chăng chính sự gắn kết vô hình mà bền bỉ, sâu sắc giữa ông và hình ảnh biển, đảo quê hương đã góp phần quan trọng giúp ông giành giải nhất trong cuộc thi thơ về đề tài “Biển, đảo quê hương 2017” với bài thơ “Em đắp mộ gió cho anh” chạm đến nhiều xúc cảm của bạn đọc.

Khép lại tập thơ “Tiếng cười sang trọng” sau khi đã cùng những con chữ soi rọi vào thăm thẳm tâm hồn người cầm bút. Người đọc không tham vọng có thể khắc họa được trọn vẹn hồn thơ ấy. Chỉ hy vọng với đôi nét phác thảo này mà nói lên được sự đồng cảm của mình trước một hồn thơ đa tài. Và người đọc vẫn luôn tin rằng, sau “tiếng cười sang trọng”, nhà thơ Hải Minh “vẫn còn muốn nói” biết bao điều. Bởi trong con người ông vẫn ôm ấp nhiệt huyết cháy bỏng, vẫn vì cuộc sống này mà không ngừng trăn trở, băn khoăn: “Ôi làn môi khốn khổ nhọc nhằn/ Đã gánh hết phần nặng nhọc/ Của tay, của vai và của cơ bắp.../ Đã hấp hối rồi/ Vẫn/ Môi lắp bắp/ Như còn muốn nói nhiều thêm”.


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]