(Baothanhhoa.vn) - Có niên đại hàng nghìn năm, từ lâu gốm Tam Thọ đã nổi danh khắp vùng. Những dấu tích để lại tại khu vực lò gốm trên vùng đất Đông Vinh (TP Thanh Hóa) cho thấy một thời hưng thịnh của một làng nghề xưa cũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi lưu giữ tinh hoa gốm cổ xứ Thanh

Có niên đại hàng nghìn năm, từ lâu gốm Tam Thọ đã nổi danh khắp vùng. Những dấu tích để lại tại khu vực lò gốm trên vùng đất Đông Vinh (TP Thanh Hóa) cho thấy một thời hưng thịnh của một làng nghề xưa cũ.

Nơi lưu giữ tinh hoa gốm cổ xứ Thanh

Hàng trăm hiện vật gốm được trưng bày tại Bảo tàng gốm Tam Thọ, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa).

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1937 bởi nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse sau đó được các nhà khảo cổ học Việt Nam khảo sát và khai quật, khu lò gốm với quy mô lớn 8 lò nung cổ tại 2 thôn Tam Thọ và Vạn Vật dần được xác định và trở nên nổi tiếng. Tại khu vực Gò Quyến (làng Tam Thọ) trong cuộc khai quật tháng 10-2001, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Đây là một di chỉ khảo cổ học giai đoạn lịch sử đầu công nguyên trên đất Thanh Hóa, có ý nghĩa về lịch sử nghề gốm Thanh Hóa nói riêng và nghề gốm Việt Nam nói chung.

Với 4 địa điểm: Gò Quyến, Cồn Nghè (làng Tam Thọ), Gò Án Lớn, Gò Án Nhỏ (làng Văn Vật), khu lò gốm Tam Thọ được hình thành vào cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên với nhiều lò nung lớn nhỏ khác nhau được xây dựng ở 2 dạng: Lò cóc và lò ống. Mỗi lò nung có lớp đất nền được tôn chồng lên nhau cho thấy chúng được sử dụng nhiều lần và tồn tại trong một thời gian khá dài. Bên cạnh đó, ở Tam Thọ còn tồn tại một khu vực sản xuất muộn hơn. Theo rìa dọc kênh Đô, đoạn giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có một hệ thống lò sành từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17 với hàng chục gò đất lớn chứa các lò nung gốm cổ.

Cho đến nay, hầu hết các lò nung được khai quật ở Tam Thọ đều không còn nguyên vẹn, phần vòm lò đã bị sập hoàn toàn, lò được làm bằng đất sét đắp kín vào các phên tre được uốn cong. Hiện Gò Án Lớn, một trong những lò nung lớn của khu vực gốm Tam Thọ chỉ còn trơ lại phần nền đất khá bằng phẳng với nhiều mảnh sành, gốm vẫn nằm lộ rải rác trên bề mặt. Để tránh cho di chỉ bị xuống cấp và không bị vật nuôi của các hộ dân xung quanh quấy phá, chính quyền địa phương đã cho làm khung rào chắn, lợp mái tôn bảo vệ. Năm 2004, khu lò gốm Tam Thọ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh.

Đưa chúng tôi đến thăm đền thờ ông tổ nghề gốm mới được tôn tạo trên nền di tích cũ và di chỉ Gò Án Lớn tại làng Văn Vật, ông Hà Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Đông Vinh cho biết: “Trước đây, khu vực này rất hoang vu, bốn bề là đồng ruộng nhưng nay, con đường bê tông được mở rộng và nâng cấp đã tạo thuận lợi cho nhiều người đến tham quan khu di tích gốm Tam Thọ. Những năm gần đây, với mong muốn khôi phục nghề gốm truyền thống nổi tiếng của quê hương, UBND TP Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo hệ thống hạ tầng vào khu di tích. Nếu tiếp tục nhận được sự đầu tư quy mô và bài bản của các doanh nghiệp lớn trong nghề gốm như một số tỉnh, thành đã làm thì nơi đây không chỉ làm sống dậy nghề gốm xưa cũ nghìn năm tuổi mà còn trở thành một điểm đến văn hóa lịch sử ý nghĩa thu hút khách tham quan tìm hiểu về mảnh đất xứ Thanh”.

Không giấu được niềm vui khi giới thiệu một vài vật dụng tuy hình thức đơn giản nhưng hoa văn, họa tiết khá sắc nét, tinh sảo được sưu tầm từ khu vực, ông Bắc cho biết thêm: Tại các khu vực vườn nhà dân, quá trình làm vườn, canh tác một số hộ vẫn tìm được một số vò và vật dụng bằng gốm. Nhiều người đã kỳ công thu thập và lưu giữ với một sự trân trọng dành cho những tinh hoa sản vật mà tiền nhân để lại.

Ngày nay, tuy các sản phẩm của gốm Tam Thọ không còn lưu hành trên thị trường nhưng những hiện vật qúy giá được phát hiện nơi đây vẫn còn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng gốm Tam Thọ, địa chỉ ở thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa). Các hiện vật gốm được trưng bày rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, phản ánh được bề dày lịch sử, văn hóa và sự tài hoa của những người thợ làng nghề gốm Tam Thọ. Nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 3 gắn liền với đời sống sinh hoạt của người xưa vẫn còn khá nguyên vẹn. Các sản phẩm làm ra có 3 dòng chính là: Đồ gốm đất nung, đồ sành và đồ gốm tráng men gồm đồ gia dụng (bát, đĩa, bình, vò, nồi), vật liệu xây dựng (gạch, ngói), công cụ sản xuất (chì lưới, bàn dập hoa văn gốm)...

Bên cạnh việc trưng bày các hiện vật cổ phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của người dân, Bảo tàng gốm Tam Thọ còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm làm gốm giúp khách tham quan hiểu hơn về nghề truyền thống của ông cha, đồng thời trân trọng sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân dân gian.

Mong muốn làm sống dậy một nghề cổ nức danh, những người yêu gốm xứ Thanh đang trăn trở và từng bước tìm cách khôi phục những tinh hoa của cha ông để lại. Họ hy vọng trong tương lai không xa những sản phẩm mang tên Gốm Tam Thọ sẽ tiếp tục nổi danh khắp nơi không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]