(Baothanhhoa.vn) - Sau những trận mưa dầm dề bầu trời mở ra một màu xanh thẫm. Đấu tranh mãi, cuối cùng tôi mạnh dạn gập lại chiếc máy tính để phóng xe đi ra phía mà tôi mặc định rằng đó là ngoại ô, để thưởng cho tâm hồn mình một không gian khác biệt.

Níu lại mùa thu

Sau những trận mưa dầm dề bầu trời mở ra một màu xanh thẫm. Đấu tranh mãi, cuối cùng tôi mạnh dạn gập lại chiếc máy tính để phóng xe đi ra phía mà tôi mặc định rằng đó là ngoại ô, để thưởng cho tâm hồn mình một không gian khác biệt.

(Tranh minh họa. Nguồn: Internet)

Ở đó, tôi được đứng giữa thênh thang gió để hít hà. Gió tháng chín không ràn rạt thổi về từ đông bắc, cũng chẳng phải nồm nam nữa, mà heo heo, khiến miên man xúc cảm. Những cánh gió lang thang, du ca trên cánh đồng hoa và lúa vừa độ chín, bất chợt hối thúc thần kinh giao cảm, cứ thế miệng lẩm nhẩm những ca từ trong tình khúc “Thu hát cho người”.

Đó là những ca từ về một mùa thu cũ, đã mấy mươi năm trước, nhưng cha đẻ của tình khúc đặc biệt về mùa thu ấy - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khi sáng tác đã có ý găm một nỗi nhớ nhung, hoài mong về một hình bóng đã ra đi mà gần như khiến ai cũng liên hệ đến mình.

Miên man hoài niệm, tôi tự cho phép tâm hồn mình được sống đúng bản ngã đến tận khi có một cô bé dáng bộ chẳng phải người phố, cũng không phải người làng xuất hiện trước mắt. Nước da ngăm nhưng đôi mắt trong veo. Nó cất giọng chào chú có phần khá đặc biệt.

Sống ở phố với vô số bon chen và gấp gáp, ngày nào cũng như một lập trình trên cùng một cung đường, cùng một công việc, và ngay cả quán cà phê nạp năng lượng đầu giờ sáng cũng chỉ duy nhất, khiến tâm hồn mình trở nên già nua, cằn cỗi. Đã bao lần tôi ước ao được giải phóng tâm hồn mình bằng một không gian nhạc Trịnh với cà phê tự pha để ngắm lại những tấm ảnh cũ. Thế rồi tôi lại gạt đi cái ước ao nhỏ nhoi và chính đáng ấy để giam mình cùng công việc với triết lý cực đoan.

Tiếng là sinh ra ở làng, nhưng số phận đã đưa đẩy gắn tôi với phố, với công việc suốt ngày đút chân gầm bàn kỳ cạch trên chiếc bàn phím máy tính xếp đặt bảng chữ cái. Tôi không thể đào thoát được sự sắp đặt ấy, và cũng tự nhủ bản thân rằng đó là sự vinh quang mà không phải ai cũng có may mắn. Vậy nên, được nhìn cô bé trong không gian phóng khoáng của làng mạc, ruộng đồng giữa gió thu lang thang qua những ruộng hoa, ruộng lúa tạo ra một âm thanh khá vui tai, có cảm giác như bắt được điều thơ ngây, hồn nhiên mà mình đã đánh mất.

Tôi đề nghị chụp một tấm hình để minh họa cho bài “Mùi ngoại ô” mình sắp viết, nhưng cô bé hồn nhiên trả lời: Không cho chụp đâu. Nhưng rồi nó nhanh chóng tạo dáng, còn hỏi chú định để ảnh cháu ở trang báo nào. Nó cười rất hồn nhiên khiến có cảm giác giữa tôi và nó chẳng có khoảng cách nào cả. Sự tiếp xúc của một cô bé chưa có nhiều vướng bận với một tâm hồn được xếp vào hàng chai sạn của một người đã ở tuổi 50 bình thường sẽ rất khó để tạo ra điểm giao cắt, vậy mà hôm nay, trong không gian vô tình này điều không tưởng ấy đã thành hiện thực như một sự sắp đặt. Tôi với cô bé nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện phố, chuyện làng, chuyện nông gia, mùa vụ... Cô bé biết tôi muốn nghe điều đó, và những điều cô nói cho thấy cô hiểu biết, biết nhiều hơn tôi tưởng.

Cứ thế, một bữa tiệc hình ảnh và tiếng cười được minh họa bằng những vạt nắng mật ong và gió, có cảm giác như muốn níu lại mùa thu đang ra đi vội vã. Khuôn hình cô bé trở nên đẹp đẽ và tinh khôi hơn rất nhiều giữa những thảm cúc vàng và lúa bắt đầu chín rực. Nụ cười của cô bé đã nhắc tôi nhớ rằng mình cũng có một tâm hồn...

Tản văn của Lam Vũ


Tản văn của Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]