(Baothanhhoa.vn) - Nguyễn Hữu Ngôn là người nặng lòng với quê hương, đó là điều mà bất kỳ ai dẫu không phải thân thiết, tâm giao đều có thể dễ dàng cảm nhận được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tấm Postcard đong đầy tình quê

Nguyễn Hữu Ngôn là người nặng lòng với quê hương, đó là điều mà bất kỳ ai dẫu không phải thân thiết, tâm giao đều có thể dễ dàng cảm nhận được.

Những tấm Postcard đong đầy tình quê

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn luôn trăn trở với việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của huyện Hoằng Hóa nói riêng, xứ Thanh nói chung.

Ông có thể rong ruổi hàng giờ qua những xóm làng, ngõ quê để “săn” cho bằng được những bức ảnh đẹp về đất và người Hoằng Hóa. Ông có thể miệt mài đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu và nhẫn nại để trò chuyện về danh nhân, di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống - hiện tại của mảnh đất Hoằng Hóa với tất cả sự nhiệt huyết, say mê. Tình yêu ấy được chưng cất, lắng đọng qua năm tháng, kết tinh thành những ấn phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Đó cũng là mạch nguồn cảm xúc, ý tưởng để Nguyễn Hữu Ngôn ra mắt tập postcard mang tựa đề “Hoằng Hóa văn vật” như món quà gửi tặng quê hương.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, postcard là những tấm bưu thiếp được thiết kế trang trọng, bắt mắt với hình ảnh, phần dành để viết lời chúc, thông điệp ngắn gọn dành tặng người thân, bạn bè, đối tác... Ông Ngôn tâm sự: “Phổ biến vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, postcard không còn là điều gì đó mới mẻ nhưng với giá trị, ý nghĩa sâu sắc, sự nhỏ gọn, tiện lợi, đến nay, nó vẫn được ưa chuộng, sử dụng trong nhiều công việc, mục đích khác nhau”. Không đơn thuần là phương tiện chuyển tải lời chúc, thông điệp, thấm đẫm trong những tấm postcard ấy là tình cảm, chiều sâu lịch sử - văn hóa, tinh thần. Vì vậy, “theo năm tháng, nhiều giá trị có thể bị mất đi hoặc lãng quên nhưng lưu giữ postcard là cách để mỗi chúng ta trân trọng quá khứ, kỷ niệm” - ông Ngôn nhận định. Điều đó lý giải vì sao, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn lại lựa chọn hình thức postcard để kết nối, lan tỏa tình yêu mến quê hương, yêu giá trị văn hóa truyền thống đến đông đảo mọi người.

“Hoằng Hóa văn vật” không phải là tập postcard đầu tiên nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn thực hiện. Trước đó, từ năm 2019, ông đã thực hiện tập postcard song ngữ nhân sự kiện 990 năm Thanh Hóa với tên gọi: “Thanh Hóa - miền di sản”. Tập postcard này tập hợp các bức ảnh chụp danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của xứ Thanh... Tập postcard ấy được đón nhận, nhiều bạn bè, cả bạn bè quốc tế yêu thích, trân trọng.

“Hoằng Hóa văn vật” là tập hợp 20 bức ảnh chụp về các di tích lịch sử - văn hóa, địa danh, thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu trên quê hương Hoằng Hóa. Ông được biết đến là con người đa zi năng, tham gia trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiều năm hoạt đồng trong ngành xuất bản, sáng tác thơ, sưu tầm, nhiếp ảnh..., nghề chơi nào cũng lắm công phu. Với nghệ thuật nhiếp ảnh, tuy không được đào tạo chuyên nghiệp qua trường lớp nhưng “vì yêu mà đến”, ông tự trau dồi, học hỏi qua sách vở, bạn bè, mỗi ngày tự hoàn thiện mình hơn qua từng bức ảnh.

Từng di tích, từng điệu múa, trò diễn, sự kiện của quê hương Hoằng Hóa hiện diện trong những tấm postcard đều làm nổi bật lên được tinh thần, hồn cốt đất và người nơi đây. Đó là: Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, Bảng Môn đình, ao cá Bác Hồ (xã Hoằng Lộc), chùa Bụt (Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường), đền thờ Triệu Quang Phục (xã Hoằng Trung), cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng), Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường (xã Hoằng Trường), chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh), đền thờ Lương Đắc Bằng (xã Hoằng Thanh), đình Phú Khê (xã Hoằng Phú), nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa (thị trấn Bút Sơn)... Những giá trị văn hóa phi vật thể được sáng tạo, bảo tồn và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác như: Đua thuyền mùa xuân (xã Hoằng Đạt), trống hội cung đình làng Phú Khê... Ông Ngôn chia sẻ: “Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thanh, Hoằng Hóa luôn được biết đến là vùng đất cổ có bề dày truyền thống, đất hiếu học, đất nhân kiệt... Dường như ở Hoằng Hóa, nơi nào cũng có di tích, danh thắng, văn hóa dân gian đặc sắc...”.

Lựa chọn địa danh, di tích, trò chơi, trò diễn nào để đưa vào postcarrd để người xem có thể hình dung, cảm nhận trọn vẹn điều đó quả không phải là việc dễ dàng. Ở “Hoằng Hóa văn vật”, phía sau mỗi bức ảnh chứa đựng một câu chuyện hay, ý nghĩa. Ví như hình ảnh Bảng Môn đình - “Quốc tử giám” của xứ Thanh, biểu tượng đẹp cho tinh thần hiếu học, mạch nguồn văn hóa của làng, xã. Ông Ngôn say sưa bình phẩm về vẻ đẹp kiến trúc, về những sự kiện lịch sử - văn hóa, về tấm văn chỉ của huyện được đặt cách Bảng Môn đình không xa... Hay như hình ảnh tượng đài lão dân quân Hoằng Trường tạc vào trời xanh tinh thần, chí khí người xứ Thanh. Ông Ngôn bộc bạch: “Với thế hệ trẻ hôm nay, các cụ lão quân Hoằng Trường đã là nhân vật lịch sử chỉ được biết qua sách vở, tư liệu lịch sử. Nhưng ông là người đã từng may mắn, vinh dự từng được tham gia hỗ trợ cho các phóng viên của VTV1 làm phim tài liệu về lão quân cuối cùng trong đội lão quân Hoằng Trường ngày ấy nên càng thấy trân trọng, cảm phục, tự hào hơn...”.

Không dừng lại ở đó, với mỗi bức ảnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn còn dụng công tìm tòi, lựa chọn những câu nói, nhận định đắt giá, phù hợp của người xưa ghi nhận, đánh giá về mảnh đất Hoằng Hóa. Những câu ấy gói gọn trong một, hai dòng ngắn nhưng cho thấy sự nghiêm túc, chỉn chu, tỉ mỉ. Làng Phú Khê có phương ngôn: “Phú Khê có lệ tế cờ/ Trai thanh gái lịch như tờ giấy phong”. Viết về làng Hội Triều, quê hương của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng có câu nói: “Hoằng Hóa diệu tham thiên chi bán/ Hội Triều lưu vạn cổ chi phương”...

“Hoằng Hóa văn vật”, tên gọi của tập postcard gợi lên nhiều tầng ý nghĩa. “Văn vật cho thấy bề dày, chiều sâu văn hóa, chứa đựng giá trị vật chất, tinh thần của một vùng đất “thủy tú sơn thanh”, “địa linh nhân kiệt”. Hoằng Hóa tự tin và tự hào là vùng đất hiện diện, hội tụ đầy đủ những giá trị ấy”- ông Ngôn khẳng định. Với giá trị về mặt nội dung, đa tầng ý nghĩa, tập postcard mang tên: “Hoằng Hóa văn vật” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn là một sản phẩm văn hóa độc đáo, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Hoằng Hóa nói riêng, xứ Thanh nói chung.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]