(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh là miền đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích các vương triều, đất học vang danh. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, xứ Thanh là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng hiền tài phụng sự đất nước, Nhân dân. Vì vậy, ngoài những văn thần, võ tướng, anh hùng hào kiệt hay những ngôi làng khoa bảng, gia đình, dòng họ khuyến học, ở xứ Thanh còn lưu giữ được nhiều tấm bia cổ đề cao việc học, đạo thầy - trò.

Những tấm bia đề cao việc học ở xứ Thanh

Xứ Thanh là miền đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích các vương triều, đất học vang danh. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, xứ Thanh là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng hiền tài phụng sự đất nước, Nhân dân. Vì vậy, ngoài những văn thần, võ tướng, anh hùng hào kiệt hay những ngôi làng khoa bảng, gia đình, dòng họ khuyến học, ở xứ Thanh còn lưu giữ được nhiều tấm bia cổ đề cao việc học, đạo thầy - trò.

Những tấm bia đề cao việc học ở xứ ThanhBia Trường Thi (TP Thanh Hóa) - một trong những tấm bia minh chứng cho tinh thần hiếu học ở mảnh đất xứ Thanh. Ảnh: Hoàng Linh

Nhữ Đạm Trai tiên sinh từ đường bi văn và tấm lòng của người học trò

Nhữ Bá Sỹ (1788-1867), hiệu Đạm Trai, tự Nguyên Lập, quê ở làng Cát Xuyên, nay là thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa). Ông là thầy dạy của nhiều người thành danh, ghi dấu ấn trong lịch sử như: Thám hoa Mai Anh Tuấn, Bảng nhãn Phạm Thanh, Đỗ Xuân Cát, Nguyễn Huy Kỉ... Khi Nhữ Đạm Trai tiên sinh mất, nhiều học trò thương quý đã để tang. Một người học trò ở Quảng Bình, tên là Hoàng Vỹ, giữ chức Thái tử thái phó, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ lễ sung cơ mật viện đại thần đã xúc động viết nên tấm văn bia bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn, kính trọng của mình với thầy giáo: “Tôi Hoàng Vỹ muộn lắm mới đến học cửa thầy, may mắn được lạm giữ một chút ở Bộ Lễ, tìm biết sự trạng của thầy, kính cẩn ghi khắc vào bia mong tỏ chút lòng ngóng trông núi cao đạo cả”. Hiện tấm bia được lưu giữ tại ngôi nhà của gia đình ông Nhữ Cao Sơn - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nhữ Bá Sỹ tại thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát.

Qua nội dung tấm văn bia, chúng ta hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, cốt cách của người thầy mẫu mực. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, Nhữ Đạm Trai tiên sinh luôn được cổ vũ theo nghiệp đèn sách. Bản thân ông cũng là người tư chất thông minh, say mê đèn sách, từng đỗ đạt, có công danh. Tấm văn bia ghi rõ: “Thầy từ nhỏ theo cha vì việc học có ích được khuyến khích. Trừ khi ốm đau nặng còn thì không khi nào sách rời tay. Một lần đọc sách thu liễm lấy tinh thần; đương hè suy nghĩ sâu, tuy có trẻ em đùa chơi ở bên cạnh hoặc bên ngoài có sự việc gì xảy đến cùng đều không hay biết gì cả. Các loại sách kinh điển, sử ký, tử, ngoại các nhà, đến thiên văn, địa lý, luật lịch, đồ điệp, thậm chí cả các sách học, bói toán, đều thích đọc cả. Thầy dạy dỗ hai em Thiệu Trai, Hòe Trai hết sức vất vả và dày công”...

Những tấm bia đề cao việc học ở xứ ThanhNhữ Đạm Trai tiên sinh từ đường bi văn do người học trò của Nhữ Bá Sỹ soạn ghi lại thân thế, sự nghiệp cùng công lao, đóng góp lớn lao của ông cho sự nghiệp giáo dục quê hương, đất nước.

Ông đậu cử nhân năm 1821, trước bổ làm tri huyện sau thăng chức làm Hình bộ viên ngoại lang. Chốn quan trường thâm sâu, hiền tài không tránh khỏi có người gièm pha, đố kỵ, bày trò hãm hại. Công danh, sự nghiệp của Nhữ Bá Sỹ vì thế mà nhiều gian truân, trắc trở, đã từng có lần vào tù ra tội, sau được phục chức. Tuy nhiên, đối với chốn quan trường đua chen, Nhữ Bá Sỹ vốn đã nguội lòng. Ông cáo quan về quê, mở trường dạy học, viết sách. Quý mến phẩm chất, tài năng của ông, trường Nghi Am - ngôi trường nhỏ ở làng quê nghèo nhiều năm nhộn nhịp sĩ tử xa gần đến xin theo học.

Trong văn bia có ghi: “... Vượt qua sóng biển núi non bất trắc, năm tháng sa đà ở nơi đất khách quê người hỗn tạp. Song thầy không chịu khuất phục số mệnh gian nan mung lung. Thầy chí càng mạnh, tài càng luyện, khí phách càng cường tráng, vẫn khư khư tấc dạ không quên báo đền ơn nước. Những khi công việc rảnh rỗi, thầy cùng Mục Liên Tiên ở Tiền Đường Trung Châu tham gia hội Quần Anh phất cờ gióng trống, tiếng vang ở Bắc thành Ngũ Dương, người truyền tụng xướng họa các tập, không có sự bi lụy gì của anh hùng khi thất thế”...

Không màng danh lợi “... quan đình viện ba lần tiến cử, ba lần lấy cớ bệnh ốm xin miễn. Thầy lấy trăng, gió, trường Nghi Am làm nơi vui thú”. Ở chốn thôn quê ấy, bằng tài năng, đức độ của mình, Nhữ Đạm Trai tiên sinh vẫn cống hiến cho đời nhiều giá trị tốt đẹp: “Việc học của thầy khiến cho dùng lớn, lại có tới 17 tập văn sách của nhà quý báu mà người ca tụng lại có một thời thành tựu đạt được như sự kiệt xuất của các bậc Mai, Phạm. Đó là của cải dành cho đời...”.

Đọc văn bia, các thế hệ cháu con hôm nay càng thêm cảm phục một nhân cách - trí tuệ người thầy, đồng thời cảm nhận sâu sắc tình cảm yêu mến, kính trọng mà người học trò dành cho thầy của mình.

Từ một tấm văn bia, nghĩ về đạo thầy - trò

Xã hội Việt Nam xưa có sự phân định rất rõ ràng về mối quan hệ này. Người thầy được coi như biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “tấm gương” phản chiếu những giá trị của nhân cách cao đẹp, trí tuệ uyên thâm, đạo đức sáng ngời để học trò soi mình vào đó mà tự ý thức phấn đấu, rèn luyện bản thân. Vị thế của người thầy được cả xã hội nhất mực tôn kính, chỉ đứng sau vua và đứng trước đấng sinh thành: “Quân - sư - phụ”. Tấm văn bia đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo” tại xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống là một trong những minh chứng thuyết phục, sinh động về truyền thống tôn sư trọng đạo, đạo nghĩa thầy - trò sâu sắc, lớn lao của người xưa trên đất xứ Thanh.

Không bề thế về kích thước, cầu kỳ về tạo hình, hoa văn chạm khắc, với khoảng 10 dòng, trên 500 chữ khắc chân phương trên hai mặt bia đá, nội dung tấm bia cho biết các học trò của tiên sinh Trường Xuyên ghi về hoàng môn nghĩa hội trong một lần về thăm lại chốn theo học xưa. Nội dung tấm văn bia đề cao vai trò của người thầy: “Trong đời sống của dân ta có ba nghĩa vụ, nghĩa vụ đối với thầy học là một vậy. Cha đem lại cuộc sống cho ta. Vua đem lại cho ta sự trị bình, mà bày bảo ta biết cái đạo thờ cha, thờ vua là công lao của thầy, cao sáng như sao Bắc Đẩu, lớn như núi Thái Sơn vậy! Vì vậy, khi thầy sống thì ta phải hầu hạ, nuôi dưỡng, khi thầy mất thì ta phải để tang thầy học ba năm. Người xưa chẳng ai không lấy nghĩa ấy mở đầu cho việc lễ...".

Đối với tiên sinh Trường Xuyên, tác giả soạn văn bia dành hết lời ca ngợi, tôn kính: “Tiên sinh Trường Xuyên của ta, đời trước kế tiếp nhau về khoa mục mà tiên sinh thì chú trọng giữ cái thực học ở nhà căng màn dạy học, theo học cửa thầy lĩnh hội được cái tình, nhận được cái đẹp tốt của người con nhỏ có thầy. Tiên sinh muộn mằn không có con trai, nuôi con của anh để nối dõi. Chỉ vẽ theo đường nghĩa, giảng dạy điều tốt lành rành rẽ như thuần hệ siêng năng. Con nuôi theo học, tiên sinh thấy như gia thanh được phấn phát trở lại... nay tiên sinh đã đi rồi mà nơi dạy học vẫn như còn nghe lời thầy, bọn ta hằng năm đến lễ bái khôn xiết buồn bã cảm hoài. Biết lấy gì rộng tình cảm đó, bèn cùng nhau mua ruộng 4 sào để thờ cúng thầy, kính cẩn biểu thị tình cảm của mình vậy”.

Những tấm bia đề cao việc học ở xứ ThanhHọc sinh tìm hiểu lịch sử những tấm bia đề cao việc học gắn với danh nhân đất học được lưu giữ tại Bảng Môn đình, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Những gì được ghi chép trong tấm văn bia ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống hoàn toàn trùng khớp với những điều được mô tả về đạo thầy - trò xưa trong các tác phẩm: “Việt Nam văn hóa sử cương” (Đào Duy Anh), “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính)... Cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” của Vệ thạch Đào Duy Anh đã khái quát: “Việc học hành thì hoàn toàn tự do, đạo thầy trò thì hết sức thân mật”. Cụ thể, ông viết: “Việc dạy học xưa là một chức vụ tôn nghiêm, ông thầy vẫn lấy làm trịnh trọng, mà học trò cũng hết lòng tôn kính. Học trò thường thường xem thầy học như cha, thầy chết học trò phải để tang ba năm”. Cũng như sách “Việt Nam văn hóa sử cương”, cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính cũng dành sự quan tâm, miêu tả chi tiết thể hiện mối quan hệ giữa thầy - trò trong chế độ giáo dục xưa, từ đó để chúng ta có được những hình dung sâu sắc, chân thực hơn về vai trò, vị thế của sự học đối với thể chế xã hội lúc bấy giờ: Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy thầy 2 lạy. Lúc học gặp khi ngày lễ, ngày tết, mùa nào thức ấy hoặc cặp gà thúng gạo, đường mứt, bánh trái hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy.

Không chỉ có Nhữ Đạm Trai tiên sinh từ đường bi văn ở xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) hay tấm văn bia ở xã Minh Nghĩa (Nông Cống), ở xứ Thanh còn có nhiều tấm văn bia độc đáo khác đề cao việc học, đạo thầy trò, tôn sư trọng đạo như Bia Trường Thi, văn chỉ huyện Hoằng Hóa, văn chỉ huyện Quảng Xương... Những tấm văn bia ấy không chỉ là tư liệu lịch sử nhằm giúp các thế hệ sau hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhiều danh nhân, vùng đất tiêu biểu gắn với việc học và thi cử thời xưa. Những dòng văn vừa chân thành, tình cảm, vừa có sự ngưỡng mộ, biết ơn của học trò dành cho thầy khiến mỗi người trong chúng ta phải trăn trở, ngẫm nghĩ nhiều hơn, là bài học, lời nhắc nhở của người xưa về việc học cùng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày hôm nay.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

* Trong bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Hoằng Hóa” (NXB Khoa học Xã hội); “Địa chí Thanh Hóa” (NXB Khoa học Xã hội, tập II: Văn hóa - xã hội).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]