(Baothanhhoa.vn) - Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh những ô cửa trên các ngôi nhà lại khiến tôi bận tâm nhiều đến vậy. Cảm giác ấy thường đến một cách rất tự nhiên, mặc cho tôi biết bao lần tự hỏi về sự bắt đầu tồn tại của nó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ô cửa nhuốm màu thời gian

Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh những ô cửa trên các ngôi nhà lại khiến tôi bận tâm nhiều đến vậy. Cảm giác ấy thường đến một cách rất tự nhiên, mặc cho tôi biết bao lần tự hỏi về sự bắt đầu tồn tại của nó.

Ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1942 của gia đình ông Phạm Ngọc Quy.

Phải chăng, sự bận tâm ấy đã hoài thai trong lòng tôi ngay từ khi tôi đọc tác phẩm “những ô cửa màu xanh” của Iuri Kazakov. Lilia và bạn trai của cô đã trải qua đủ mọi dư vị ngọt ngào của tình yêu ngay dưới những ô cửa sổ đủ sắc màu: Có những ô màu xanh da trời, có những ô màu xanh lá cây, có những ô màu hồng, nhưng cũng có những ô chỉ đơn giản một màu trắng nhạt. Và cũng chính ở tại nơi này, khi “nhiều ô cửa màu trắng và màu hồng đã tắt, chỉ những ô cửa màu xanh lá cây là còn sáng; cửa màu xanh da trời ở tầng hai cũng còn sáng, nhưng không nghe thấy tiếng nhạc từ đó vọng xuống nữa”, họ giỗi hờn nhau như bao cặp đôi trên thế giới này đang say trong men tình ái.

Hay mãi cho đến ngày tôi mơ mộng được như cô gái trong truyện ngắn “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài, được có riêng cho mình một ô cửa sổ “lúc thì màu xanh, khi thì vàng óng, lắm khi xám xịt” nhưng lại có thể “mở ra một con đường chạy thẳng vào tim”. Hằng ngày, cô gái nép mình bên ô cửa sổ ấy, tưởng tượng ra chính mình là vị quan tòa của trật tự loài người, được tự do nghiên cứu, sắp xếp và điều khiển nhân loại từ một lỗ thủng hình chữ nhật cực kỳ biến ảo như thế”.

Đối với tôi, mỗi một ô cửa giống như một thấu kính của tâm hồn, có khả năng mở ra cho tôi cơ hội được nhìn sâu vào thế giới bên trong nó. Như ngay lúc này đây, khi những ô cửa trên các ngôi nhà cổ ở khu phố Đầm (làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên, Thọ Xuân) đang quyến rũ tôi bằng nét đẹp trang nhã, cổ kính của mình. Để rồi, chỉ bằng một cái chạm tay khe khẽ, lớp màu thời gian cứ thế nhạt dần sẽ thấy hiển hiện lên trên đó những câu chuyện được đắp đổi bằng nhiều thế hệ con người đã sinh ra và lớn lên, sống và chết cùng với sự già đi của những ngôi nhà này.

Màu của thời gian trên những ô cửa sổ ở các ngôi nhà nơi con phố Đầm này kể cho vị khách lạ như tôi nghe câu chuyện về lịch sử hình thành nên làng, nên phố. Làng Đầm xưa trải dài bên bờ tả ngạn sông Chu, thuận dòng thuyền bè ngược xuôi qua lại giao lưu, buôn bán. Vào thời điểm cực thịnh, bến Đầm thuyền bè đỗ san sát, bè gỗ, bè luồng nối đuôi hút tầm mắt, chiều chiều khói bếp vạn chài thơm mùi cá nướng. Những đêm trăng sáng, tiếng hò cao vút cất lên nơi bến đò kết nối tâm tình người tứ xứ tha hương, làm sợi tơ hồng xe duyên đôi lứa, như lời tự tình níu bước chân người ở lại. Chính sự tụ họp đông đúc của con người nơi bến đò Đầm này đã góp phần hình thành nên chợ Đầm sầm uất với quy mô lớn nhất nhì tỉnh Thanh lúc bấy giờ. Chợ họp một tháng sáu phiên, tập trung hàng hóa lâm, thổ, thủy sản đủ các loại. Kho bãi ngổn ngang, quán xá tấp nập, áo nâu chen sắc chàm, tiếng Thanh, tiếng Nghệ hòa giọng Bắc. Nhiều bạn hàng tứ xứ như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... biết tiếng chợ Đầm mà tìm về đây giao thương. Khoảng những năm 1852, chợ Đầm dời sang địa điểm mới, hình thành phố Đầm sầm uất giữa lòng thôn mới Quảng Ích, xã Xuân Thiên như đã có hôm nay. Hoạt động kinh tế sôi nổi cùng với cơ chế mở của làng đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc sắc mà có lẽ sự hiện diện của những ngôi nhà cổ vừa đẹp về kiến trúc lại phô diễn được tiềm lực của gia chủ là minh chứng rõ rệt nhất. Phần lớn các ngôi nhà cổ ở phố Đầm đều được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, mang nhiều nét đặc trưng của kiến trúc Pháp. Thiết kế hai tầng, mái đỏ với những ô cửa sổ được dụng công trang trí hoa văn chạm trổ tinh tế như điểm nhấn đắt giá cho ngôi nhà. Trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung chủ yếu ở phố Đầm nhưng qua sự biến thiên của thời gian, đến nay, chỉ còn lại khoảng 30 ngôi nhà giữ được dáng cũ, 10 ngôi nhà bảo toàn gần như nguyên vẹn.

Đi qua những dấu ấn lịch sử hình thành làng, xã, thời gian phủ lên trên từng phận người nơi phố Đầm một lớp màu ký ức bàng bạc như mây, như khói. Có gặp gỡ và dụng tâm lắng nghe câu chuyện đời của những con người đã gần như gắn bó cả cuộc đời mình với ngôi nhà cổ này mới thấy hết được ý nghĩa của tháng năm. Bà Cao Thị Đức (79 tuổi) bồi hồi nhớ lại ký ức của những ngày xưa cũ. Trong ngôi nhà đã ngót nghét 100 năm tuổi, bà đã cùng chồng và 9 đứa con của mình cùng nhau xây dựng, vun vén tổ ấm. Không quản khuya sớm, bà ngược xuôi chạy chợ, làm đủ các nghề thủ công nghiệp, từ đan cót, làm tương, phụ chồng may vá, bán buôn. Theo lời bà Đức, trước đây, ngôi nhà cổ của bà là một địa điểm buôn bán lâm sản nổi tiếng một vùng. Nói rồi bà chỉ tay về khoảnh đất trước nhà, nơi đã từng là phòng khách dành riêng cho người nước ngoài đến nghỉ ngơi mỗi lần ghé vào nhà bà trao đổi hàng hóa. Tuy phải trải qua nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng đối với bà Đức, đó là chuỗi ngày tươi đẹp nhất cuộc đời mình. Giờ đây, khi nỗi đau bệnh tật đã mang người chồng của bà đi xa mãi, 9 người con cũng đã khôn lớn, đã có những lựa chọn riêng cho cuộc đời, bà Đức cùng với bà Trâm - em chồng của mình vẫn lặng lẽ sống trong ngôi nhà cổ từ thời ông cha để lại. Bà bảo: “Bà muốn sống ở đây cho đến những ngày cuối đời mình. Tuy ngày thường có chút buồn tẻ nhưng mỗi dịp lễ, tết, con cháu ở các nơi đều tụ họp về đây nói chuyện tương lai, kể chuyện quá khứ. Vui lắm!”. Rời ngôi nhà cổ của bà Cao Thị Đức, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Quy, nơi trước đây là hiệu thuốc có tiếng ở khu phố Đầm. Chia sẻ về ngôi nhà gia đình mình đang sống, ông Quy nói trong niềm tự hào: Ngôi nhà được xây dựng từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX, là giai đoạn mà phố Đầm sầm uất hàng hiệu, phồn thịnh bán buôn với những cái tên đã làm nên thương hiệu một thời như: Hiệu thuốc tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ... Dẫu rằng, trước sự xoay vần của thời cuộc, đến nay, những cửa hiệu này đã thôi không còn hoạt động nhưng đối với ông Quy hay nhiều người khác nữa, chúng đã trở thành ký ức không thể nào quên.

Màu thời gian trên những ô cửa nơi con phố Đầm này, không chỉ đơn giản là màu của lịch sử, của ký ức đời người phải gìn giữ mà hơn hết thảy, nó còn là món quà vô giá biết kể chuyện tương lai. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017, đô thị phố Đầm sẽ có tổng diện tích khoảng 837 ha, chủ yếu nằm trên địa bàn xã Xuân Thiên (chiếm 810,76 ha) và phần còn lại thuộc xã Xuân Lam (Thọ Xuân). Phía Nam giáp xã Thọ Diên, phía Tây giáp xã Xuân Lam, phía Đông giáp xã Thọ Minh (huyện Thọ Xuân) và phía Bắc giáp xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Từ đó, phố Đầm và Tứ Trụ tạo thành hệ thống đô thị 2 ven sông Chu. Khu vực phố Đầm nằm trong một hệ thống của vùng đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, có mối liên hệ tiếp cận giao thông với Cảng Hàng không Thọ Xuân. Ngoài ra, sông Chu và tuyến sông nhỏ phía Bắc sông Chu tạo thành những sợi dây kết nối một chuỗi điểm khai thác tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng của khu vực và vùng miền núi phía Tây tỉnh (11 huyện miền núi) về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Như vậy, trong tương lai, những ngôi nhà cổ của khu phố Đầm sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của khu đô thị phố Đầm - đô thị vệ tinh của đô thị Lam Sơn - Sao Vàng với chức năng chính là phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, bảo tồn và khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa - lịch sử phố Đầm, cảnh quan ven sông Chu. Bởi lẽ, khu vực phố cổ phố Đầm nằm giữa khu vực di tích Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn sẽ tạo thành một tuyến điểm du lịch Lam Kinh - phố Đầm - Đền thờ Lê Hoàn đủ sức thu hút du khách. Trong đó, những ngôi nhà cổ ở đây ngoài tiềm năng là điểm đến tham quan, thưởng lãm cũng sẽ là một khu lưu trú cho khách du lịch.

Mang theo những dự cảm tốt lành về một tương lai du lịch có thể cất cánh từ những ngôi nhà cổ trên mảnh đất Xuân Thiên này, tôi lặng ngắm những ô cửa bạc phếch, cũ kỹ thật lâu trước khi quay xe về lại thành phố, bỗng thấy lòng vui như con trẻ. Trở về từ khu phố Đầm, tôi không còn phải ghen tỵ với Iuri Kazakov vì “những ô cửa màu xanh” mà nhà văn đã viết, cũng thôi không phải nhiều lần ao ước có được “một ô cửa sổ mở ra con đường dẫn thẳng đến trái tim” như cô gái trong truyện ngắn “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài nữa. Ngay lúc này, tôi đã có câu chuyện về những ô cửa của riêng mình – những ô cửa nhuốm màu thời gian.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]