(Baothanhhoa.vn) - Theo dòng thời gian hình thành và phát triển của vùng đất Hà Lai (Hà Trung), các thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau chung tay góp sức dệt nên truyền thống, giá trị lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng đáng tự hào. Trong đó, sự hiện diện, sức sống của những ngôi đình trên vùng đất này như chứng nhân.

Những ngôi đình trên vùng đất Hà Lai

Theo dòng thời gian hình thành và phát triển của vùng đất Hà Lai (Hà Trung), các thế hệ người dân nơi đây đã cùng nhau chung tay góp sức dệt nên truyền thống, giá trị lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng đáng tự hào. Trong đó, sự hiện diện, sức sống của những ngôi đình trên vùng đất này như chứng nhân.

Những ngôi đình trên vùng đất Hà Lai

Mặc dù không còn mang nhiều giá trị về mặt công năng sử dụng, nhưng đình làng Vân Cô vẫn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa làng, xã.

Về thăm đình – đền (nghè) làng Vân Cô nghe kể chuyện Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn

Đình – đền (nghè) làng Vân Cô gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn. Nhân vật lịch sử này được miêu tả là người có diện mạo kỳ khôi, thông minh, văn võ mưu lược hơn người. Năm 1537, khi quân giặc xâm lấn bờ cõi, ông được vua tin tưởng giao trọng trách đốc quân, tuyển chọn các tướng tài giỏi, xuất binh tập kích, mạnh mẽ tấn công quân địch. Trước sự uy dũng, tài thao lược của ông, quân giặc tổn thất nặng nề, tháo chạy. Sau đại thắng trở về, ông được nhà vua phong làm “Chấn Bắc đại tướng quân”, ban thưởng bạc vàng. Năm 1546, Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn được nhà vua cho đi tuần du, phủ dụ dân chúng, làm nhiều việc đức thiện nên được người người nhà nhà yêu mến, kính trọng.

Lịch sử Đảng bộ xã Hà Lai (1954 – 2021) ghi chép lại: Trong quá trình vâng lệnh vua đi phủ dụ, Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn gặp gỡ, kết thân với một người họ Vũ rồi lựa chọn vùng đất tốt cùng người dân khai phá, dựng xây nhà cửa mà lập nên ấp Hoàng Cò. Từ ấp nhỏ, với biết bao nỗ lực, cố gắng, khi dân số đông hơn, nhu cầu lao động, sản xuất, sinh hoạt nâng cao, ấp Hoàng Cò chuyển ra khu vực rộng lớn hơn, lấy tên là trang Hoàng Cô (làng Vân Cô bây giờ).

Sau một thời gian gắn bó với đất và người Hoàng Cô, Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn về triều yết kiến nhà vua và mất tại đây. Để tỏ lòng tiếc thương, trân trọng bậc công thần, “tôi hiền”, tại trang Hoàng Cô (Vân Cô), Nhân dân địa phương cho xây dựng đền (nghè), quanh năm hương khói phụng thờ. Vua ra sắc chỉ phong ông làm phúc thần, hiệu Đô Thái giám, Thượng đẳng phúc thần, đương cảnh Thành hoàng thượng đẳng đại vương. Ông Vũ Văn Hằng (73 tuổi, thôn Vân Cô, Hà Lai), người đã dành hơn 40 năm trông coi, gắn bó với cụm di tích đình – đền (nghè) Vân Cô cho biết: Trước đây, đền (nghè) Vân Cô có 12 đạo sắc phong nhưng đến nay chỉ còn 9 đạo sắc phong đang được lưu giữ tại địa phương.

Không có được quy mô kiến trúc bề thế nhưng cụm di tích đình – đền (nghè) Vân Cô gây ấn tượng bởi sự hài hòa trong cảnh quan làng, xã. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, Hán - Nôm có nhiều nét đặc sắc như: họa tiết, hoa văn chạm khắc trên gỗ, hoành phi, câu đối, linh vật, cặp rồng chầu ngự trên mái đình...

Hằng năm, tại khu di tích tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội chia thành 2 nội dung chính. Phần lễ được tổ chức trang trọng, trong đó đặc sắc nhất là phần rước kiệu do đội nghi lễ của làng thực hiện. Đoàn người xếp thành hàng dài trong rực rỡ sắc cờ, sôi động thanh âm cùng đưa rước kiệu từ đền (nghè) đến đền mẫu với tất cả lòng thành kính, tri ân sâu sắc. Phần hội sôi nổi, hấp dẫn từ các tiết mục văn nghệ đặc sắc do đội văn nghệ của làng biểu diễn, các trò chơi dân gian...

Không chỉ ghi dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của bậc công thần của đất nước, Nhân dân, ngôi đình làng Vân Cô từng là nơi diễn ra đại hội đảng bộ xã lần thứ V - năm 1971.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Mậu Yên – biểu tượng đẹp của làng, xã

“Hạc về múa ngưỡng thiên hồ/ Quý nhân, quý địa đổ về Mậu Yên” – câu ca được lưu truyền từ xa xưa đã phần nào khắc họa được cái danh giá, chiều sâu lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng trên mảnh đất Mậu Yên (xã Hà Lai) này. Trong đó, đình làng Mậu Yên là hiện diện như nét chấm phá đặc sắc trong bức tranh văn hóa truyền thống của làng.

Đình làng Mậu Yên được xây dựng trên một khu đất ở trung tâm làng. Không có tài liệu nào lưu lại chính xác đình được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, những dấu vết để lại trên ngôi đình cho thấy đình được xây dựng, tu sửa lại vào thời Vua Thành Thái.

Đình có bố cục theo kiểu hình chữ Đinh bao gồm: nhà tiền đường, hậu cung. Tiền đường thiết kế 5 gian, 2 chái; phía trước có sân đình rộng. Phần mái đình được lợp ngói mũi; trên bờ nóc, bờ dải được trang trí những đường gờ chỉ làm cho dáng vóc ngôi đình thêm phần mềm mại. Hai bên đầu hồi được đắp nổi hổ phù tinh xảo, đẹp mắt... Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng sự chung tay góp sức của bà con Nhân dân, mạnh thường quân phát tâm cung tiến, nhiều hạng mục của đình được trùng tu, tôn tạo.

Những ngôi đình trên vùng đất Hà Lai

Đình làng Mậu Yên - biểu tượng đẹp về truyền thống cách mạng của quê hương.

Hằng năm, đình làng mở hội tế lớn, kéo dài 3 ngày. Trước đây, vào ngày tế chính (10–2 âm lịch), trống dong cờ mở, chiêng trống nổi lên, làng cho trai tráng đem lọng đến các giáp rước cỗ ra đình. Quan viên, chức sắc, bô lão quần áo chỉnh tề, lần lượt vào chiếu tế theo lời người thống xướng. Ngoài sân, hai hàng trai tráng mặc quần áo theo nghi lễ đứng trước cửa đình, tay cầm binh khí, đồ thờ túc trực cho đến khi xong lễ. Tan lễ, các giáp được thưởng lộc. Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, phần hội diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi, trò diễn,... thu hút đông đảo người dân trong làng, xã và các vùng lân cận tham gia.

Không chỉ có nét đẹp văn hóa, kiến trúc, đình làng Mậu Yên ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sục sôi, khi nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Kỳ - chí sĩ cách mạng tiêu biểu của phủ lỵ Hà Trung lúc bấy giờ ra lệnh đánh 3 hồi trống cù tại đình làng Mậu Yên. Ngay lập tức, các đội cảm tử, thanh niên cứu quốc, dân quân, tự vệ và Nhân dân đã có mặt đông đủ tại sân đình làng Mậu Yên xếp thành đội ngũ chỉnh tề, mang theo vũ khí, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm với tinh thần, khí thế quyết tâm giành chính quyền, xóa bỏ xiềng xích nô lệ, giành lại độc lập cho dân tộc, cuộc sống tự do cho chính mình. Đình làng Mậu Yên cũng là nơi diễn ra sự kiện mít tinh biểu dương lực lượng, thành lập Ủy ban lâm thời tổng Phi Lai. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trạm quân y tiền phương được đặt tại đình làng Mậu Yên nhằm tiếp đón và cứu chữa thương binh từ mặt trận Hà Nam Ninh đưa về. Từ những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, năm 2002, đình làng Mậu Yên được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trải qua nhiều biến động, đến nay, xã Hà Lai là một trong số ít địa phương có 4 ngôi đình cùng hiện diện. Ngoài cụm di tích đình – đền (nghè) thờ Đô Thái giám Đại vương Hoàng Đức Toàn, đình làng Mậu Yên, xã Hà Lai còn có đình làng Kênh, đình làng Phú Thọ và một số di tích khác... Đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng, văn nghệ quần chúng, giáo dục truyền thống cách mạng của làng, xã. Hơn hết, theo dòng chảy thời gian, biến động lịch sử, những ngôi đình như nẻo về nguồn cội, như tiếng gọi mời tha thiết, thân thuộc níu lòng người xa quê ngóng vọng về nơi chôn nhau cắt rốn... Vì lẽ đó, các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương và Nhân dân cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, trong đó đình làng là nét chấm phá đặc sắc.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]