(Baothanhhoa.vn) - Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đình làng được hình thành từ thế kỷ 15, định hình vào thế kỷ 16 và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Đình làng là thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng sâu sắc, nơi thờ Thành hoàng làng, người có công lập làng, dựng ấp hoặc sáng lập ra một nghề hay có công với dân, với nước.

Những mái đình lưu dấu thời gian

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đình làng được hình thành từ thế kỷ 15, định hình vào thế kỷ 16 và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Đình làng là thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng sâu sắc, nơi thờ Thành hoàng làng, người có công lập làng, dựng ấp hoặc sáng lập ra một nghề hay có công với dân, với nước.

Những mái đình lưu dấu thời gianĐình làng Phú Khê, xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa).

Chẳng phải đợi đến lễ xuân thu, nhị kỳ, hay ngày rằm, mùng một hàng tháng, ông Hồ Sỹ Tập, làng Xa Lý, xã Thăng Bình (Nông Cống) mới ra đình làng. “Sinh ra tại làng. Từ nhỏ đã theo cha mẹ tham gia các lễ cúng, hoạt động ở đình và ông đã lớn lên cùng những nếp sinh hoạt văn hóa ấy”, ông Tập chia sẻ. Thế nên, từ khi tự nguyện tham gia ban quản lý đình đến nay, ông và các thành viên khác đều đã lớn tuổi nhưng không nề hà việc quét dọn, chia nhau coi giữ, luôn mở rộng cửa tất cả các ngày trong tuần, để phục vụ người dân địa phương và du khách đến cầu bình an, may mắn, tham quan, vãn cảnh.

Tọa lạc ngay vị trí “đắc địa” nhất của làng, đình làng Xa Lý từ xưa đến nay không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Dựa theo lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí trên các mảng chạm khắc và thượng lương còn lại cho thấy, đình được xây dựng cuối thế kỷ 19, có tên gọi ban đầu là đình Phúc. Đình có mái đao cong vuốt mềm mại và uyển chuyển, kiến trúc 5 gian, gỗ được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Năm 1854 đời vua Tự Đức, dân làng tiến hành tôn tạo lần thứ nhất, mở rộng thêm hai chái Đông và Tây, thay mái kè bằng mái ngói. Năm 1934 dân làng đã đóng góp tiền của tôn tạo lần thứ 2, xây dựng thêm một nhà ngang; một nhà bộc (nhà kho), làm nơi cất giữ đồ thờ. Lúc này đình được trang trí ngoại thất hoàn chỉnh hơn, hai cột cổng đình có kích thước 600x600m tây; trên hai đỉnh đầu cột có ông Nghê chầu, mặt trước cột được đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán. Năm 1997 ngôi đình được công nhận là di tích cấp tỉnh. Trải qua thời gian, đến nay đình vẫn giữ được lối kiến trúc gỗ tương đối nguyên vẹn cùng những đường nét chạm khắc độc đáo, có thể phục vụ cho nghiên cứu và tham quan du lịch.

Nhắc đến làng Phú Khê, xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa) người ta thường nhớ ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nhất của xứ Thanh thế kỷ 19. Tìm về làng Phú Khê, chúng tôi ghé thăm ngôi đình nơi hai anh em họ Chu (Chu Minh – Chu Tuấn) - hai vị Đại Vương hiển linh trong giấc mơ đã có công giúp vua nhà Lý đánh tan quân giặc Ai Lao từ hơn ngàn năm trước, vẫn luôn được Nhân dân nơi đây suy tôn Thành hoàng làng, thờ phụng thành kính. Thắp nén hương thơm rồi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng di tích, ông Lê Văn Chiến, trưởng ban quản lý di tích đình làng, chia sẻ: Đình làng Phú Khê được thiết kế theo kiểu chữ nhị gồm 2 tòa là đại bái và hậu cung. Trải qua những biến động của lịch sử và những lần trùng tu, sửa chữa nhưng về cơ bản, đình vẫn giữ được kiểu kiến trúc, nghệ thuật và vật liệu truyền thống, với những mảng chạm khắc độc đáo như: rồng, phượng, hoa lá... Hình ảnh con rồng với nhiều tư thế, dáng vẻ khác nhau cùng những nét đao mác mạnh mẽ, phóng khoáng nhưng hết sức mềm mại, tinh tế... đã được các nghệ nhân xưa thể hiện khá công phu, sống động, biểu tượng cho ước vọng về một cuộc sống thanh bình, no đủ, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đình làng cũng là nơi còn lưu giữ được hệ thống di vật khá đầy đủ như: Kiệu bát cống, kiệu long đình, long ngai, bài vị, bát bửu, hoành phi câu đối, sắc phong. Với người làng Phú Khê, sự tồn tại của di tích này được ví như mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống văn hóa - tinh thần của cả cộng đồng.

Xây dựng từ đời vua Gia Long thứ 10 (1812), là một trong những ngôi đình thời Nguyễn, chiếm một vị trí quan trọng trong nền kiến trúc cổ xứ Thanh, đình Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung) là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây. Theo các cụ cao niên trong làng, đình được xây dựng theo kiểu mái cong, gồm 4 mái. Bốn góc đao của đình uốn cong duyên dáng như một bông hoa tươi tắn. Đóa nào cũng lớn, cánh mềm mại màu sắc rực tươi. Hình tượng con rồng trên các đầu đao cong vút, gợi cảm giác như đang bay lên, rất phù hợp với kiến trúc. Lớp ngói mũi hài có hình trang trí ở cả hai mặt xếp chồng lên hài hòa đẹp mắt. Trang trí diềm mái được chạm khắc hình chiếc lá ba chẽ, mô típ lá nho. Trên bờ nóc, bờ dải, đầu kìm của mái cong được trang trí các linh vật như hình con sấu, hình đầu rồng... Trải qua thời gian, chiến tranh ngôi đình vẫn đứng “sừng sững” và là “điểm tựa” về mặt văn hóa, tâm linh của bà con trong làng.

Đình làng xứ Thanh không chỉ là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng cho văn hóa truyền thống và ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử; mà còn là những “chứng nhân” của nhiều giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu trong đó phải kể đến đình làng Đông Cao (Nông Cống); đình làng Yên Lược (Thọ Xuân); đình làng Hồ Nam (Vĩnh Lộc); đình làng Phú Điền (Hậu Lộc); đình làng Hồ (Thường Xuân); đình làng Thượng Phú (Hà Trung)... Gắn liền với đình còn có sân đình, ao hồ, giếng nước, cây cổ thụ... Đặc biệt là các hiện vật quý giá, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, như: Hoành phi, câu đối, nhang án, lư hương, bát bảo, chuông, khánh, sắc phong của các triều đại phong kiến.

Có thể nói từ xa xưa đến hiện tại, đình làng luôn là “ngôi nhà chung” kết nối những người cùng tộc họ, quê quán và góp phần tăng thêm tính bền chặt cho các mối quan hệ cộng đồng. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống từ đình làng và lễ hội là việc làm cần thiết. Qua đó, vừa phát huy được tiềm năng, vừa góp phần bảo tồn giá trị vật chất và tinh thần của mỗi làng quê.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]