(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi và bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Ngày nay, những giá trị ấy vẫn hiện hữu và được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử. Đó cũng chính là những minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Thanh Hóa, góp phần cùng quân dân cả nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những hiện vật gợi nhớ một thời lịch sử hào hùng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi và bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Ngày nay, những giá trị ấy vẫn hiện hữu và được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh qua những hình ảnh, hiện vật lịch sử. Đó cũng chính là những minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Thanh Hóa, góp phần cùng quân dân cả nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Trống lệnh - dùng làm hiệu lệnh trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Hoằng Hóa.

Trong hàng trăm hình ảnh, hiện vật trưng bày tại phòng trưng bày “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa” (giai đoạn 1858 - 1945) ở Bảo tàng tỉnh, phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám khá phong phú, đa dạng, từ văn bản, nghị quyết đến kỷ vật, hiện vật chiến tranh, đã khái quát, nêu bật giá trị thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện lịch sử đã mở ra bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng Thanh Hóa nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung. Cụ thể là: Sưu tập báo chí cách mạng bao gồm: Đuổi giặc nước, Gái ra trận, Tiến lên, Hồn lao động, Tia sáng, Tự do, Cờ giải phóng... Sưu tập truyền đơn cách mạng: Truyền đơn kỷ niệm ngày 1-5, Kỷ niệm Ba lê công xã, khẩu hiệu của thợ thuyền, của phụ nữ, của lính, của học sinh, của các nhà trí thức Việt Nam... cùng các ấn phẩm: Vấn đề dân cày, Con đường sống, Nguyệt san Hồn lao động, Điều lệ Nông hội làng,... là chứng cứ của quá trình tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh theo Đảng làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Đồng thời, cũng chính là một phần hiện vật quý, phản ánh báo chí cách mạng giai đoạn này góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước; tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Qua các tờ báo được lưu giữ tại bảo tàng đã cho thấy, ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng, các tổ chức đoàn thể ở hầu hết các địa phương thời kỳ đó đều bí mật xuất bản báo. Các tờ báo này đã trở thành một mặt trận đấu tranh sắc bén, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cán bộ, đảng viên và các hội viên cứu quốc trong cao trào đấu tranh cách mạng. Có thể kể đến như tờ báo Đuổi giặc nước, Gái ra trận. Đây là 2 tờ báo ra đời vào năm 1942, thời kỳ thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng Nhật nhưng lại thẳng tay đàn áp, bóc lột nhân dân lao động, tiến hành khủng bố trắng nhằm vào các chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng. Nhằm kêu gọi đông đảo quần chúng tham gia phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng tổ chức và lãnh đạo, tháng 7-1942, Tỉnh ủy lâm thời sau khi được thành lập do đồng chí Lê Tất Đắc làm bí thư đã quyết định ra 2 tờ báo. Và, tháng 8-1942, báo Đuổi Giặc nước ra số đầu tiên tại làng Thổ Phụ (thuộc xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc).

Cùng với sưu tập báo chí cách mạng, nhiều hiện vật quý, văn bản gốc của sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh như những kỷ vật của các vị tiền bối cách mạng như: Nguyễn Doãn Chấp, Lê Thế Long, Ngô Đức Mậu, Lê Chủ... liên quan tới hoạt động vận động cho sự ra đời của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Chiếc “Mâm xà” dùng làm bàn in báo “Tiến lên” năm 1930; sưu tập Hồ sơ án các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Lê Tất Đắc, Nguyễn Kim Thanh, Mai Thị Hằng, Đặng Văn Hỷ... bị bắt thời kỳ 1930 - 1945 lưu tại Sở mật thám Pháp cùng những sưu tập sách, tài liệu tuyên truyền cách mạng thời kỳ 1930 – 1945; những hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), đồng chí Tố Hữu đã về Thanh Hóa chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh cùng với những ấn phẩm: Các điều lệ tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, những điều cần biết của người cộng sản... Con dao găm, kiếm dùng để bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đặng Châu Tuệ; hình ảnh ngôi nhà mẹ Tơm (Hậu Lộc), cơ sở hoạt động bí mật của Đảng đồng thời là cơ sở in báo “Đuổi Giặc nước” (sau khi chuyển từ Vĩnh Lộc về Hậu Lộc), tráp cắt tóc của con trai mẹ Tơm dùng để cất giấu tài liệu và cắt tóc lấy tiền nuôi đồng chí Tố Hữu và các chiến sĩ cách mạng...

Trong phần hiện vật về Cách mạng Tháng Tám được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, như mõ, tù và, súng tự tạo... cũng là những hiện vật vô cùng giá trị gắn với sự ra đời và phát triển của đội du kích Ngọc Trạo (ngày 19-9-1941) - lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên của Thanh Hóa, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh. Cùng với sưu tập vũ khí tự tạo, trưng bày tại bảo tàng có thêm hiện vật là chiếc trống được dùng làm trống lệnh trong khởi nghĩa ở Hoằng Hóa ngày 24-7-1945, mở đầu cho tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra ở Hoằng Hóa đã thắng lợi trọn vẹn, thúc đẩy các địa phương trong tỉnh đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào thành công của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước.

Trong hàng trăm hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, có một số hiện vật về Cách mạng Tháng Tám lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng như: Kính ngắm của chiến sĩ du kích Ngọc Trạo; hồi ký của chiến sĩ du kích Đường Văn Tuân về chiến khu Ngọc Trạo; nồi đồng của hội mẹ chiến sĩ làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) dùng nấu cơm phục vụ các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo năm 1941; hũ sành dùng cất giấu sách báo cách mạng của thôn Trung Lập (Thọ Xuân) thời kỳ 1937-1941; lọ sành dùng để tẩm mũi tên, mũi nỏ và lưỡi giáo mác của trung đội tự vệ thôn Nam Thượng, xã Tây Hồ (Thọ Xuân) thời kỳ 1940-1941...

Đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh, được tận mắt ngắm nhìn những hiện vật lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh gian khổ, hào hùng của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, góp phần cùng toàn thể quân và dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, các em Lê Thị Quỳnh Anh, Lê Phương Hà, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, xúc động cho biết: Được xem và nghe giới thiệu về những hiện vật lịch sử quý giá gắn với một thời lịch sử hào hùng của lớp lớp cha anh đã chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, luôn vang vọng trong mỗi chúng em. Tự đáy lòng mình, chúng em nguyện ra sức gìn giữ, thi đua học tập tốt, lao động tốt để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ.

73 năm đã qua nhưng những chứng tích của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn vang mãi. Trong những ngày mùa thu lịch sử, những tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Thanh Hóa, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]