(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở. Mùa xuân cũng là mùa của thang âm, điệu thức cất lên từ những nhạc cụ truyền thống rất đỗi quen thuộc trong lao động và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh. 

Nhạc điệu mùa xuân

Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở. Mùa xuân cũng là mùa của thang âm, điệu thức cất lên từ những nhạc cụ truyền thống rất đỗi quen thuộc trong lao động và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh.

Nhạc điệu mùa xuânNhạc cụ dân tộc được sử dụng nhiều trong các lễ hội miền Tây xứ Thanh.

Với người Thái (Quan Sơn), trống và chiêng là hai loại nhạc cụ không thể thiếu trong hầu hết các sự kiện, nhất là vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong đó trống được dùng nhiều trong lễ hội, cưới xin và tang ma.

Trong các sự kiện quan trọng của người Thái, trống và chiêng trở thành “linh hồn” của buổi lễ. Khi tiếng trống, chiêng vang lên báo hiệu cho người dân trong bản làng tất cả chuyện vui, buồn. Trong các cuộc vui, tiếng trống, chiêng thường gắn liền với các lễ hội mùa xuân, qua đó như thôi thúc lòng người, tạo ra tâm lý hồ hởi, phấn chấn, nhất là đối với các chàng trai, cô gái trẻ. Với lối đánh chậm rãi, lúc trầm, lúc bổng, nghệ nhân vừa đánh vừa nhảy và uốn người theo nhịp trống, chiêng. Thường thì một trai, một gái cùng thể hiện, trai đánh trống, gái đánh chiêng. Tiếng trống, chiêng khiến cho người nghe cảm thấy xao xuyến, thổn thức không thôi. Âm thanh ấy hòa cùng những câu khặp tạo ra bản nhạc rất đặc biệt, mang hương sắc vùng cao của núi rừng Tây Bắc tỉnh Thanh.

Bên cạnh, trống, chiêng, người Thái còn hay sử dụng nhạc điệu cóng dàm kết hợp với khua luống. Hai loại nhạc cụ này hòa quện sẽ tạo ra thứ âm thanh liên hồi, người nghe cảm giác có lúc thúc giục, có lúc sâu lắng không muốn cất bước dời đi. Khua luống vốn dĩ ban đầu không phải là một nhạc cụ, mà chỉ dùng để giã gạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đời sống, với niềm tin yêu lạc quan, yêu đời, yêu văn hóa, văn nghệ, người Thái nơi đây đã sử dụng nó như một nhạc cụ để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình.

Các nhạc cụ trống, chiêng, luống thể hiện rất rõ nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái huyện Quan Sơn. Trống, chiêng, luống nếu đủ bộ sẽ bao gồm 1 trống, 4 chiêng, 1 luống. Trong đó, theo quan niệm của người Thái, trống tượng trưng cho núi rừng; chiêng tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; luống là tượng trưng cho sông nước. Khi nhạc trống, chiêng, khua luống cùng vang lên quện với nhau chính là biểu trưng cho linh hồn sông núi thôi thúc lòng người phấn khởi vươn lên trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là tạo cho con người khí thế tươi vui, thoải mái để bước vào một năm mới với bao điều mong ước may mắn, hạnh phúc, ấm no, đủ đầy sẽ đến.

Khèn bè là nhạc cụ rất quý của người Thái (Quan Hóa), luôn được chủ nhân chăm sóc cẩn thận và mang bên mình. Họ coi chiếc khèn bè như một người bạn thân thiết nhất, bởi những lúc vui buồn, tiếng khèn cất lên như lời thủ thỉ, tâm tình. Ngoài thổi đệm cho người khặp, các nghệ nhân còn thổi các làn điệu trữ tình. Bất kể ngày hay đêm, khi nghe tiếng khèn bè ai đó cất lên, mọi người đều thổn thức, bồi hồi và rạo rực bởi những âm thanh bay bổng diệu kỳ. Người Thái ở đây có thể thổi được nhiều làn điệu, tùy vào tâm trạng mà có nhiều giai điệu khác nhau, khi mạnh mẽ, sôi nổi; khi êm ả, trầm lắng; khi lãng mạn, thanh khiết; khi man mác buồn...

Khèn bè thường có cấu tạo ống theo số chẵn. Tùy theo dân tộc mà nó có 6, 8 hoặc 10 ống nứa tép (páo). Những ống này xếp thành hai hàng cạnh nhau. Bầu khèn làm bằng gỗ nhẹ dẻo. Ở đầu bầu khèn có một lỗ gọi là lỗ thổi, những ống páo xuyên qua bầu và được trét sáp ong ruồi để làm kín các khe hở. Thông thường nghệ nhân xếp hai ống trong một hàng có chiều dài bằng nhau để tạo dáng cân đối. Có thể nói, đây là cách quy định về làm chiếc khèn bè, các ống ngắn thì tiếng thanh, ống dài thì tiếng trầm hơn. Người chơi chỉnh âm ở phía trong cây páo. Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và hơi rè. Mỗi ống phát ra một âm nhất định, bên trong ống páo có lưỡi gà bằng đồng hay bạc. Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng, có đủ 7 nốt nhạc. Theo truyền thống, nam giới sử dụng nhạc cụ này để đệm hát, khặp, ngoài ra còn sử dụng với một số nhạc cụ khác để hòa tấu.

Ngay từ khi còn bé, người Mường (Như Thanh) đã được nghe tiếng sáo du dương, tiếng trống, tiếng chiêng khua rộn ràng... Vì thế, văn hóa truyền thống đã nghiễm nhiên thấm sâu vào trong tâm thức đồng bào Mường lúc nào không hay. Những khi tiếng nhạc cụ này phát ra thứ âm thanh quen thuộc, ấy cũng là lúc gọi nắng lên, gọi cây rừng xanh tốt, gọi cành lá đâm chồi nảy lộc, gọi nước nguồn mát trong, gọi con chim rừng làm duyên, làm dáng...

Để văn hóa Mường không có nguy cơ bị mai một, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Phú Nhuận, xã Phú Nhuận (Như Thanh) đã được thành lập. Hiện nay, CLB đang thu hút gần 50 hội viên tham gia, sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Nội dung sinh hoạt là xây dựng kế hoạch hoạt động, tập luyện các tiết mục văn hóa, văn nghệ sưu tầm được hoặc sáng tác mới gắn với nhiệm vụ chính trị của thôn. Các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc xứ Thanh cũng như truyền thống văn hóa, nét sinh hoạt đặc sắc của dân tộc Mường. Thời gian qua, CLB đã tích cực sưu tầm, bảo tồn những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, trong đó có các loại nhạc cụ như: trống, chiêng, sáo trúc... Các thành viên cao tuổi trong CLB thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho lớp trẻ, nhằm tạo nguồn kế cận. Bên cạnh đó, bằng nguồn đóng góp của hội viên CLB và nguồn xã hội hóa đã đầu tư một bộ nhạc cụ cồng chiêng, trống, sáo trúc đảm bảo cho các hội viên tập luyện, biểu diễn thường xuyên. Thông qua hình thức sinh hoạt CLB, các hạt nhân văn nghệ có cơ hội tiếp cận bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống kết hợp với xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Nhạc cụ dân tộc của đồng bào miền núi xứ Thanh rất phong phú, được chia thành hai loại là bộ hơi và bộ gõ. Bộ hơi có các loại nhạc cụ: sáo ôi, khèn, khèn bè, khèn môi... Bộ gõ có các loại nhạc cụ: trống, chiêng, cồng, khua luống, gõ ống... Song, dù là loại nhạc cụ nào, của dân tộc nào cũng biểu đạt ý nghĩa nét đẹp văn hóa và đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của mỗi đồng bào. Vì vậy, về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách bảo tồn đối với các loại nhạc cụ truyền thống này. Bởi, mỗi thang âm, điệu thức của đồng bào khi bắt đầu cất lên là cả một miền văn hóa thức dậy, là cả một mùa xuân đang về...

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]