(Baothanhhoa.vn) - “Hồi sinh” - đó là tựa đề hay, ý nghĩa mà nhà thơ Lữ Mai dùng để “định danh” cho tập trường ca vừa ra mắt bạn đọc của mình. Không chỉ khắc họa hiện thực đời sống bộn bề với bộn bề những khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát, tập trường ca “Hồi sinh” của Lữ Mai mong muốn lan tỏa tinh thần sẻ chia, nhân ái, nghị lực sống và hy vọng đến toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Lữ Mai với trường ca “Hồi sinh”: Lan tỏa tinh thần sẻ chia, nghị lực sống và hy vọng giữa đại dịch COVID-19

“Hồi sinh” - đó là tựa đề hay, ý nghĩa mà nhà thơ Lữ Mai dùng để “định danh” cho tập trường ca vừa ra mắt bạn đọc của mình. Không chỉ khắc họa hiện thực đời sống bộn bề với bộn bề những khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát, tập trường ca “Hồi sinh” của Lữ Mai mong muốn lan tỏa tinh thần sẻ chia, nhân ái, nghị lực sống và hy vọng đến toàn xã hội.

Nhà thơ Lữ Mai sinh ra ở vùng Bắc sông Lèn Thanh Hóa - nơi được xem là “cái nôi” của nhiều cây viết trẻ xứ Thanh triển vọng như: An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền... Tôi và nhà thơ Lữ Thị Mai là đồng hương, là “đồng môn” dưới ngôi trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội). Nhưng từ trước khi gặp gỡ, thân quen, tôi đã yêu thích thơ của chị. “Em chỉ là hạt mầm cô đơn/ Khóc trước sự thành tâm của cỏ” - chỉ vỏn vẹn hai dòng thơ mà cứ thế in đậm trong tâm trí tôi hình dung về một tâm hồn nữ sĩ mong manh, tinh tế, vương chút đa sầu, đa cảm.

Bởi vậy, khi chứng kiến từng bước trưởng thành của Lữ Mai trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, tôi càng thêm yêu mến, cảm phục chị nhiều hơn. Có thể nói, hiện nay, Lữ Mai là một trong những cây viết trẻ nổi bật, xông xáo, bút lực dồi dào, bước đầu ghi được dấu ấn trên thi đàn Việt với nhiều tác phẩm chất lượng như: “Linh Hồ” (tập truyện ngắn), “Ngang qua mây trắng” (trường ca), “Ngang qua bình minh” (trường ca), “Chư Tan Kra mây trắng” (trường ca), “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”... Không “đáng nể” sao được khi chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Lữ Mai liên tiếp cho ra mắt bạn đọc 3 tác phẩm thuộc thể loại trường ca. Và những tác phẩm ấy đều ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, được giới chuyên môn đánh giá cao. “Hồi sinh” là tập trường ca tiếp nối thành công của nhà thơ Lữ Mai với thể loại văn học vốn không dễ dàng chinh phục.

Trường ca “Hồi sinh” (NXB Hội Nhà văn) là tác phẩm viết về đại dịch COVID-19 với dung lượng gồm 156 trang, chia thành 8 chương, lần lượt là: Những đứa trẻ; Khoảng trống; Giai điệu đêm tháng bảy; Ký ức phố; Hồi hương; Bàn thờ vọng; Đi hay ở; Gọi. Nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác trường ca này chính là hiện thực đời sống bộn bề với đầy những khó khăn, thách thức khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tác giả đã tích lũy sự quan sát, suy ngẫm và sáng tạo trong khoảng hơn một năm để hoàn thành bản thảo, in ấn tập sách đúng vào dịp mùa xuân năm 2022, đánh dấu bước khởi đầu cho một năm tràn đầy hy vọng.

Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc mãnh liệt trong bối cảnh, thời điểm toàn xã hội đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.

Trong chương mở đầu trường ca, tác giả tập trung xây dựng hình ảnh, không gian và tâm lý, tình cảm của những đứa trẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Mỗi ngày chúng chỉ biết làm bạn với màn hình máy tính, điện thoại, đồ chơi... giữa “sáu bức tường hộp diêm bức bối”. Những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư vui đùa cùng thiên nhiên, tíu tít theo chân cha mẹ đến trường, thoải mái bên bạn bè thì nay lại ngơ ngác, sợ hãi lên xe cấp cứu còi hú vang inh ỏi, bước vào khu cách ly sặc mùi khử khuẩn.

Ở những câu thơ đầu tiên ấy, bạn đọc không chỉ xúc động bởi vẻ đẹp trong sáng của thế giới trẻ thơ mà không khỏi xót xa, thương cảm trước nỗi niềm, sự thiệt thòi, mong manh của các em trước bóng ma đại dịch:

“Sáu bức tường lành lạnh

ấm dần lên nhờ đứa trẻ ngoan

không kêu than

không khóc lóc

im lặng xếp hàng

cùng đàn thú bông

- này em gấu, đây bao lì xì đỏ

Tết năm này ông bà gửi cho anh

anh phần nhỏ, nhường em phần lớn

mình đi mua thóc gạo để dành

- em khỉ ơi, bánh kẹo và quả ngọt

bày ra chúng mình cùng ăn

nói gì đi sao các em im lặng

nhà đã vắng những bức tường câm, vắng”.

Những “khoảng trống” ở chương 2 khắc họa những hình ảnh chân thực, đầy xúc động của lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cùng người bệnh giành giật từng hơi thở, sự sống:

“Áo blouse ướt đẫm

mồ hôi hòa nước mắt trộn sữa non

cô y tá ôm em bé vào lòng

như ôm chính con mình đang ở nhà vào ra ngóng mẹ

cô vừa cắt đi mái tóc dài

mênh mang trên đầu khoảng trống

như bão gió ngày mai lồng lộng

vừa cứu chữa bệnh nhân vừa cúi đầu khâm liệm

nước mắt khô

nghẹn tắc nỗi đau...”.

Nếu “Giai điệu đêm tháng bảy” (chương thứ 3) cất lên từ khoảng sân bệnh viện tựa như vắc-xin tinh thần, là đôi cánh chắp nối niềm tin, hy vọng, xoa dịu mỗi người khỏi sự bức bối, khủng hoảng trong cuộc chiến với COVID-19 bên trong những bệnh viện, khu cách ly... thì “Ký ức phố”, “Hồi hương”, “Bàn thờ vọng” gợi lên nhiều đau thương, mất mát, xoáy sâu vào hiện thực:

“Những đứa con mất mẹ, mất cha

cháu mất ông bà, anh em lìa đôi ngả

khói hương nghi ngút

mặt người hun hút

gạt đau thương ai biết ngày về

bàn thờ vọng không khiến người thanh thản

khóm cúc tàn sang đêm tháng bảy

mùi hương thay người nói chuyện khổ đau

trái bưởi trái cam sót lại vườn sau cơn bão

bồng bế chiêm bao gửi bước mưa rào...”.

(trích đoạn trong “Bàn thờ vọng” - chương 6)

Tự sự, băn khoăn, dằn vặt của con người trước những cuộc chuyển dời ngoài suy nghĩ. Đi cùng với đổi thay là mất mát, đau đớn, hy sinh. Điều quan trọng nhất, trong chính giai đoạn khó khăn, bi kịch nhất, con người đã chọn cách trở về cũng như sự hy sinh, để những gì đẹp đẽ, nhân văn nhất được ở lại, lan tỏa thành giá trị tốt đẹp của cuộc sống:

“Nắng vẫn vàng sáp ong

hoa vẫn nở

trên những nấm mồ

tiếng trẻ thơ thay kinh cầu tịnh độ

hoa hồng đỏ tặng người ở lại

góc phố rộng dài trong tiếng xôn xao

bình yên tỏa vào cánh hoa đang ngủ

vào em bé đang mơ

vào người đàn bà đi chợ

những mắt nhìn đã hết thờ ơ...”.

(trích đoạn trong “Đi hay ở” - chương 7)

Một âm vọng thiết tha khởi nguồn từ nỗi niềm, bi kịch, số phận, đau đớn... vọng về đời sống thường nhật bằng tin yêu, hy vọng, sức sống bền bỉ của con người, vạn vật. Chương 8 khép lại trường ca căng tràn vẻ đẹp mới của cuộc sống, con người sau chuỗi tháng ngày đầy ảm đạm. Giá trị nhân văn được thể hiện đậm nét trong chương này làm nên vẻ đẹp tươi sáng, lấp lánh, vững bền. Đó cũng là giá trị của văn hóa, con người Việt Nam được thể hiện qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, xã hội.

“Hương nến đã thơm mùi của gió

bước chân quen ấm tràn chân cỏ

tươi thắm vô hình vương bông huệ không tên

nhịp tim trẻ lại

vết sẹo ửng hồng

xuân này thược dược tỏa bừng xác pháo

ai hát lý qua cầu

cù lao xanh từ câu hát

cơn gió nồm đẫm rặng tóc tiên

ánh mắt êm êm mùa quả chín

hương đất hương trầm ngọt lịm

vòm trời lấp lánh tươi trong...”.

(trích đoạn trong “Gọi” - chương 8)

Điểm đặc biệt trong cách kết cấu của “Hồi sinh” đó là mỗi chương trong trường ca được kết nối bằng những khổ thơ viết dạng đồng dao có tên chung là: “Đồng dao của giấc mơ” nhằm gợi lên hình dung về hình ảnh, thanh âm của trẻ con đang vui đùa, nhảy nhót, hồn nhiên bước qua những biến động của cuộc sống. Sức hấp dẫn của Lữ Mai chính nằm ở sự khéo léo, tinh tế, chu đáo, chân thành như vậy, dẫu là ở trong không gian sáng tạo nghệ thuật hay cuộc sống đời thường.

Đọc trường ca “Hồi sinh”, người đọc có thể cảm nhận được những run rẩy, rưng rưng của cảm xúc, sự chân thành, ấm áp của tình yêu thương. Có yêu, có thương thì mới thấm thía những đau đớn, xót xa trong nghịch cảnh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Nhưng đúng như tên gọi, “Hồi sinh” của Lữ Mai không chìm đắm trong u uất, bi lụy. Vượt thoát lên trên tất cả, chị gửi đi thông điệp về lòng nhân ái, sẻ chia, cống hiến thái độ sống tích cực, khát vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Nhà thơ Lữ Mai bộc bạch: “Tôi thực sự xúc động khi đúng vào mùa xuân này được chào đón đứa con tinh thần, tập trường ca thứ ba sau hơn 1 năm thai nghén. Ngoài cảm xúc, ám ảnh về những tác động to lớn mà dịch COVID-19 gây ra, tập sách được ấp ủ, ra đời bằng chính niềm thương xót và trăn trở của tôi trước thực tế ấy”.

“Điều khiến tôi cảm thấy dằn vặt nhất đó là bản thân mình chưa làm được điều gì đáng kể để sẻ chia nhiều hơn với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, với mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ” – chị Mai bộc bạch. Bắt nguồn từ niềm trăn trở ấy, nhà thơ Lữ Mai quyết định trích một phần doanh thu phát hành tập trường ca “Hồi sinh” để ủng hộ một số trường hợp trẻ em khó khăn, trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 thông qua Tổ chức Vicaris.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Thế giới sẽ thế nào nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ, tương thân tương ái? Cuộc đời sẽ tẻ nhạt ra sao nếu mỗi người không biết giá trị của việc cho đi... Vượt thoát ra khỏi nghịch cảnh, “Hồi sinh” là khúc ca về lòng nhân ái, sẻ chia, lan tỏa thông điệp sống tích cực, lạc quan và sự tri ân sâu sắc đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]