(Baothanhhoa.vn) - Đối với người Mường ở huyện Ngọc Lặc, lễ hội Pồn Pôông hay tiếng chiêng, điệu hát Xường đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và phản ánh đặc trưng văn hóa của người Mường. Do đó, với mong muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, nhiều nghệ nhân ở huyện Ngọc Lặc vẫn hăng say luyện tập và miệt mài truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Người lưu giữ văn hóa Mường ở huyện Ngọc Lặc

Đối với người Mường ở huyện Ngọc Lặc, lễ hội Pồn Pôông hay tiếng chiêng, điệu hát Xường đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và phản ánh đặc trưng văn hóa của người Mường. Do đó, với mong muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, nhiều nghệ nhân ở huyện Ngọc Lặc vẫn hăng say luyện tập và miệt mài truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Người lưu giữ văn hóa Mường ở huyện Ngọc LặcNghệ nhân Phạm Thị Tắng (người cầm micro) trong vai trò bà Máy của lễ hội Pồn Pôông. Ảnh: T.L của nguyễn thùy

Cùng cán bộ văn hóa xã Minh Sơn về thôn Minh Nguyên, chúng tôi có dịp trò chuyện và nghe chị Lê Thị Hương (sinh năm 1976) hát Xường. Chị Hương là người đi đầu trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của điệu hát Xường ra khắp các bản Mường ở Ngọc Lặc. Xường – làn điệu dân ca tiêu biểu của người Mường - đã trở thành một phần trong cuộc sống của chị. Thể hiện xong bài Xường giao duyên, chị Lê Thị Hương chia sẻ: Các bài hát Xường đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi trước khi đi ngủ từ lúc còn bé. Tối nào tôi cũng chờ mẹ hoặc bà hát Xường cho nghe. Cứ thế các bài hát Xường đã ngấm vào máu, vào tâm hồn của tôi.

Không chỉ được tiếp xúc với các bài Xường từ bé, chị Hương được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ai cũng biết hát Xường. Năm lên 10 tuổi, chị Hương đã được ông nội và bà cô hướng dẫn cho cách hát Xường. Đến năm 15 tuổi, chị Hương được ông chú dạy và hướng dẫn cách dẫn giọng, dẫn điệu, luyến, lơi theo từng cung bậc của Xường. Mỗi người truyền dạy một ít cùng với sự đam mê, hăng say luyện tập, chị Hương đã hát thành thục các bài hát Xường ở tuổi đôi mươi. Cùng với đó, chị Hương luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương cũng như các hoạt động thực hành văn hóa của người Mường; tham gia liên hoan văn hóa các dân tộc... Không chỉ say mê hát Xường, chị Hương còn tham gia truyền dạy cho người dân thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa của địa phương, các đoàn thể, các câu lạc bộ, các chương trình biểu diễn. Em Lê Thị Ly (2004), thôn Minh Nguyên, chia sẻ: “Em rất thích giai điệu Xường của đồng bào em. Được cô Hương dạy Xường, em không chỉ hát được các làn điệu Xường, mà còn hiểu thêm nhiều từ ngữ, văn hóa của dân tộc Mường”.

Chia sẻ thêm về niềm đam mê với Xường, chị Hương cho biết, thông qua hát Xường những suy nghĩ, cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được thể hiện tinh tế và sâu sắc. Lan tỏa Xường, một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường ra khỏi đất Mường, tôi cảm thấy như đang lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của người Mường ra cộng đồng. Qua đó, người dân hiểu hơn về người Mường và lịch sử - văn hóa của người Mường. Với những đóng góp của mình, chị Hương đã được đề nghị công nhận Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, năm 2021.

Nặng lòng với văn hóa dân tộc, bà Phạm Thị Tắng (thôn Lỏ, xã Cao Ngọc) luôn đau đáu việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Bà đã được truyền dạy những điệu múa, lời hát Xường của người Mường cũng như các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng, nghi lễ trong lễ hội Pồn Pôông. Bà luôn hăng say luyện tập, sáng tạo và tìm hiểu về văn hóa dân tộc; tích cực tham gia các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc; đem bản sắc của dân tộc Mường đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Với những tri thức, kỹ năng của mình, bà Tắng trở thành Ậu Máy (còn gọi là bà Máy) - chủ của lễ hội Pồn Pôông. Dân làng thường gọi bà với tên quen thuộc Máy Tắng hay bà Máy. Đến nay, dù đã 77 tuổi, nhưng bà Tắng vẫn nhớ đầy đủ từng chi tiết, từng nội dung của lễ hội Pồn Pôông.

Không chỉ tích cực tham gia thực hành văn hóa dân tộc, Máy Tắng luôn hăng say truyền dạy cho thế hệ sau. Tính đến nay, Máy Tắng đã truyền dạy cho hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi ở trong và ngoài xã. Nhiều em bé mới 5, 6 tuổi trong xã Cao Ngọc đã được dạy hát, múa Pồn Pôông. Đặc biệt, từ việc theo học Máy Tắng nhiều người đã yêu thích Pồn Pôông, hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Từ đó, mong muốn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được truyền lại và phát huy giá trị. Chị Phạm Thị Nhuần, xã Cao Ngọc, chia sẻ, được Máy Tắng truyền dạy Pồn Pôông và tham gia cùng Máy trong các hoạt động văn hóa dân tộc, tôi càng hiểu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên. Với cương vị một giáo viên, tôi đã lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy đến với các em học sinh, hy vọng các em sẽ yêu thích và thực hành được Pồn Pôông.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trình diễn dân gian, Pồn Pôông, mo Mường, Xường giao duyên, cồng chiêng... Có 3 Nghệ nhân Ưu tú là bà Phạm Thị Tắng, ông Phạm Văn Bảo và ông Phạm Vũ Vượng; trong đó Bà Phạm Thị Tắng, ông Phạm Văn Bảo đã được Hội đồng cấp tỉnh xét tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Những nghệ nhân ấy là những nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc cần có sự quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân cống hiến và trao truyền, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau.

Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]