(Baothanhhoa.vn) - Khi nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang loay hoay với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, thì vẫn có những nghệ sĩ âm thầm "thắp lửa" đam mê di sản văn hóa. Thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa là một trong số đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người góp phần "thắp lửa" cho nghệ thuật truyền thống xứ Thanh

Khi nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang loay hoay với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, thì vẫn có những nghệ sĩ âm thầm "thắp lửa" đam mê di sản văn hóa. Thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa là một trong số đó.

Người góp phần “thắp lửa” cho nghệ thuật truyền thống xứ Thanh

Biên đạo múa Hoàng Thanh Hải (bên phải) hướng dẫn động tác múa cho học viên

Văn hóa xứ Thanh vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa có sắc thái riêng biệt của vùng đất địa linh nhân kiệt. Thế nhưng, trước việc xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, với cả mặt tích cực lẫn không ít mặt tiêu cực, khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị lãng quên, thậm chí bị hủy hoại.

Lo ngại về thực trạng ấy, với vị trí công tác của mình, thạc sỹ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải đã xây dựng và triển khai nhiều lớp tập huấn nhằm phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống xứ Thanh. Điển hình là việc phục dựng các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh…

Chị đã có nhiều ngày cùng ăn, cùng ở, cùng trao đổi, truyền đạt kiến thức văn hóa cho bà con dân tộc Mông xã Pù Nhi, huyện Mường Lát.

Khi đã có vốn ban đầu ấy, chị tiếp tục dày công nghiên cứu để phát triển các loại hình văn hóa này bằng cách sáng tạo những tác phẩm cụ thể dựa trên chất liệu truyền thống.

Cụ thể là từ những động tác dân vũ truyền thống của Thanh Hóa, chị đã thổi hơi thở thời đại vào, để hình thành nên những “Nhịp điệu khua luống”, “Hoa sen dâng Bác”, “Vũ điệu Xuân Phả” hay “Yếm thắm tình em”…

Đây là những điệu múa mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt động tác nguyên cổ của múa Cá sa (dân vũ dân tộc Thái huyện Thường Xuân), động tác Cuộn đèn trong tổ hợp múa đèn Đông Anh (huyện Đông Sơn), tổ hợp múa cổ của Xuân Phả (huyện Thọ Xuân), hay bài hát Đi cấy - Đi gặt (dân ca Đông Anh, huyện Đông Sơn)…

Đặc biệt, chị còn có nhiều sáng kiến chất lượng, được Hội đồng nghiệm thu, Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và xếp loại A như: “Sự biến đổi của múa Xuân Phả từ trò diễn dân gian lên sân khấu biểu diễn hiện đại”; “Nghệ thuật múa trong phong trào nghệ thuật quần chúng ở Thanh Hóa”; “Một số giải pháp ứng dụng ngôn ngữ múa hiện đại trong sáng tác múa dân gian ở Thanh Hóa”.

Với những sáng tạo tuyệt vời, nhiều tác phẩm múa do thạc sỹ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải dàn dựng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao và đoạt nhiều giải A, Huy chương vàng tại các hội diễn toàn quốc.

Thông qua những việc làm thiết thực, đầy tâm huyết của chị, đã góp phần tìm lại “diện mạo” và tạo được “sức sống mới” cho các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Không dừng lại ở việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, với chị, “địa hạt” của nghệ thuật múa mới thực sự là sân khấu để chị tỏa sáng tài năng.

Là biên đạo múa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản trong suốt 9 năm, Hoàng Thanh Hải không chỉ tích lũy được vốn nghề dày dạn, mà bằng sự nỗ lực không ngơi nghỉ, chị đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về thể lực, ý chí và năng lực chuyên môn của loại hình nghệ thuật này. Để rồi trải qua hàng chục năm làm nghề, chị vẫn không ngừng trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các bậc cha anh để sáng tạo cái mới với mong muốn góp phần vào sự phát triển văn hóa xứ Thanh.

Nhờ tài năng, duyên nghề và khát khao cống hiến, chị đã ghi dấu ấn quan trọng trong nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ của tỉnh. Điển hình phải kể đến chương trình nghệ thuật “Thanh Hóa - Hủa Phăn nghĩa nặng tình sâu”; Chương trình nghệ thuật “Kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa” (20/02/1947 - 20/02/2017); “Tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam” (12/3/1960 - 12/3/2020)…

Đặc biệt, tên tuổi thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải còn gắn với không ít chương trình nghệ thuật do chị đạo diễn và biên đạo múa, đã đạt nhiều thành tích cao tại các hội diễn, như: “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2015” (trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen - 2015 tại tỉnh Nghệ An) Đoàn Thanh Hóa đoạt 1 Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 1 giải A Lễ hội Pôồn Pôông (Dân tộc Mường), 3 giải A trang phục dân tộc Dao quần Chẹt, 2 giải B trang phục dân tộc Mông, 1 giải B trang phục dân tộc Mường và 1 giải cho nghệ nhân; “Liên hoan, đàn và hát dân ca 3 miền tại Kiên Giang năm 2016”, Đoàn Thanh Hóa giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc; “Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2017” tại tỉnh Quảng Nam, tiết mục múa Pồn Pôông của Thanh Hóa đoạt giải A...

Luôn suy nghĩ và trăn trở về đường đi cũng như tương lai của các loại hình nghệ thuật truyền thống xứ Thanh trong thời kỳ hội nhập, là điều mà thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải luôn nhắc nhở bản thân trong quá trình công tác.

Chị cho rằng, muốn bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, trước hết tỉnh cần xây dựng được các đề án, kế hoạch dài hơi nhằm đưa văn hóa truyền thống thấm sâu hơn vào đời sống và tình cảm con người, nhất là giới trẻ. Đồng thời, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của Thanh Hóa vào các giờ sinh hoạt, thể dục, âm nhạc, kỹ năng sống ở các bậc học mầm non và tiểu học.

Cùng với đó tỉnh cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các nghệ nhân, những người đang nắm giữ giá trị văn hóa truyền thống, nhằm khích lệ, động viên họ truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong mỗi việc làm hàng ngày, thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải vẫn không ngừng nỗ lực để vượt qua “cái bóng” của chính mình, để có thêm nhiều "hoa thơm, trái ngọt" góp hương vào “khu vườn” văn hóa truyền thống xứ Thanh.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]