(Baothanhhoa.vn) - Thuyền trôi trên sông Mã một ngày trời chớm lạnh và hanh hao nắng vàng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Ngược xuôi sông Mã”

Thuyền trôi trên sông Mã một ngày trời chớm lạnh và hanh hao nắng vàng...

Tàu du lịch Hoàng Long đưa du khách trải nghiệm cảnh quan sông nước.

Nhìn cảnh vật đôi bờ, chợt nhớ đến một nhà văn tài hoa từng dùng thứ ngôn ngữ tiếng Việt đầy kỳ diệu mà vẽ nên cái vẻ đẹp mông lung, mơ màng và kỳ ảo của dòng sông: “Bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nhìn cảnh sắc bình yên đôi bờ, ít ai nghĩ, dòng sông này lại có một bản “sơ yếu lịch sử” khá thú vị. Khởi nguồn từ mạch núi cao trên 1.000m vùng Tây Bắc, sông Mã “vắt mình” gần 120 km qua nước bạn Lào rồi lại đổ về Việt Nam, qua địa phận huyện Mường Lát. Trước khi hòa mình vào biển, dòng nước đã góp phần vun đắp nên một vùng đồng bằng xứ Thanh phì nhiêu. Có lẽ do chảy qua nhiều dạng địa hình, nên sông Mã mang hai mặt “tính cách” đối lập, vừa hung bạo, dữ tợn vừa đằm thắm, trữ tình. Sông Mã ở khúc thượng nguồn độ dốc lòng sông lớn, lắm thác ghềnh, lại chảy len lỏi quấn lấy chân núi trước khi trườn về thung lũng với mãnh lực của con ngựa bất kham mùa nước lũ. Ở đó, sông Mã đẹp vẻ đẹp dữ dằn và khắc nghiệt khi quăng mình qua ghềnh đá hiểm trở, nơi nước tung xối xả và cái mũi khoan nước bén nhọn cứ hung hăng khoan vào bờ đá, ăn mòn hai bờ nó tràn qua.

Thế nhưng, khi xuôi về hạ lưu, những vây nước sắc nhọn đã được mài mòn hết chỉ còn lại con nước yên ả và bình thản đến kỳ lạ. Tưởng chừng như đó vốn dĩ là bản tính từ bao đời nay của sông vậy. Dòng nước mênh mang ôm ấp lấy và bồi tụ nên đôi bờ sự sống. Lau trắng, cúc vàng điểm xuyến vào cái sắc xanh mướt mát bạt ngàn của bãi mía, nương dâu. Mặt trời treo mình trên đỉnh núi, trải lên xóm làng sắc vàng tươi hanh hao ngày chớm lạnh. Trước khung cảnh thiên nhiên đầy thơ và họa ấy, có mấy người không muốn thả mình bay bổng theo bản tình ca của gió, của nước, của mây trời, của nắng ấm. Theo thuyền trôi trên sông, bỗng nhớ lại khoảng trời tuổi thơ sinh ra từ làng, cái làng nằm cạnh bờ sông từ cái thuở “khúc sông bên lở bên bồi/ bên lở thì đói, bên bồi thì no”. Vật vã trong cuộc mưu sinh, những đứa trẻ rồi cũng lớn lên, có kẻ đi ra và thành đạt, có người ở lại với mảnh ruộng và cuộc sống lặng lẽ như nhịp chảy trôi của con nước mùa cạn. Sông Mã, con sông của những ẩn ức quá khứ, những câu chuyện thấm đẫm chất sống dung dị của hồn lúa, hồn khoai và hồn văn hóa mộc mạc trải ra từ sự sống ven bờ “Nhà tranh thôn nhỏ lặng lờ/ Chuông chùa văng vẳng đâu bờ bên kia/ Chông chênh bãi nổi trâu quỳ/Tựa ghềnh ngư phủ chiều về ngóng mây”. Cuộc sống tự tại và thoát tục biết nhường nào...

Sông Mã là món quà của thiên nhiên, cũng đồng thời là chứng nhân cho những đổi thay, cho vận mệnh của vùng đất này trong chiều dài lịch sử dân tộc. Với chiều dài 242 km chảy qua địa phận Thanh Hóa, sông Mã đã tạo nên một lưu vực rộng lớn gần 9.000 km2 và nhiều phụ lưu chính như sông Luồng (102 km), sông Lò (74,5km), sông Bưởi (130km), sông Chu (325km)... có thể nói, hệ thống sông Mã đóng vai trò quan trọng, trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp và thủy điện. Đồng thời, con sông này giữ một vị thế đặc biệt đối với sự hình thành và phát triển của mảnh đất Thanh Hóa, khi nó gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất của những cư dân đầu tiên thời tiền, sơ sử. Nằm cạnh dòng nước, từ nghìn đời nay là các nền văn hóa với nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian; với hàng trăm di tích, danh thắng từ dòng sông bồi thành và cả sức lao động con người đổ xuống mà gây dựng nên. Nhờ vậy mà sông Mã, dẫu không thơ mộng như sông Hương, không náo nhiệt như sông Hàn, nhưng vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó. Đó là vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và một mạch nguồn văn hóa đã lắng đọng từ chiều sâu quá khứ lịch sử vùng đất.

Cũng chính vì lẽ đó, việc khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn từ dòng sông này phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có du lịch là vấn đề đã và đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Năm 2015, gắn với sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa, tỉnh đã công bố tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Từ đó đến nay, việc đánh thức tiềm năng du lịch từ sông Mã, nhằm mang đến một luồng gió mới cho du lịch Thanh Hóa, đang từng bước mang lại kết quả khả quan. Dọc tuyến sông này, hiện đang đưa vào khai thác nhiều đoạn tuyến, gồm đoạn tuyến từ Cửa Hới tới thắng cảnh động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc). Đoạn tuyến có chiều dài khoảng 42 km, đi qua và kết nối các điểm du lịch chính gồm Cửa Hới (Sầm Sơn) - nghè Nguyệt Viên - Khu Văn hóa lịch sử Hàm Rồng - Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng - làng cổ Dương Xá (TP Thanh Hóa) - thắng cảnh Hàn Sơn, đền cô Bơ (huyện Hà Trung) - động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc)... Đoạn tuyến từ đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) đến Bến Ngự (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 7 km, đi qua các điểm đền Đồng Cổ - đền Bà chúa Bồn Trang (huyện Yên Định) - Bến Đá - chùa Nhân Lộ - chùa Linh Giang - Bến Ngự (huyện Vĩnh Lộc). Đoạn tuyến từ thị trấn Cẩm Thủy đến Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, có chiều dài tuyến khoảng 16 km, đi qua động Cửa Hà - tuyến sông Mã có cảnh quan hữu tình đến suối cá Cẩm Lương.

“Ngược xuôi sông Mã” là sản phẩm du lịch kết hợp cả đường thủy và đường bộ, cũng như có sự tích hợp nhiều loại hình, bao gồm du lịch tâm linh tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa; du lịch tham quan ngắm cảnh, vui chơi giải trí; du lịch tìm hiểu làng nghề; du lịch tìm hiểu di tích khảo cổ. Qua đó, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và mới mẻ. Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm thu hút du khách, thời gian qua, tỉnh ta đã từng bước đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, như cầu tàu, bến tàu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại tất cả các bến du lịch dọc hai bờ sông Mã. Đồng thời, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, các di sản văn hóa phi vật thể, nhằm làm tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm. Cùng với đó, ngành chức năng cũng chú trọng công tác tuyên truyền cho sản phẩm du lịch mới, mang nhiều nét đặc trưng và độc đáo của Thanh Hóa, thông qua nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, giao lưu hợp tác về du lịch; các chương trình Famtrip của doanh nghiệp du lịch và cơ quan truyền thông; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet (website, facebook, twitter...)... Nhờ đó, “Ngược xuôi sông Mã” đang mang đến cho du khách thêm một sự lựa chọn không thể bỏ qua, nếu muốn trải nghiệm vẻ đẹp sông nước, cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng đất xứ Thanh.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]