(Baothanhhoa.vn) - Anh đi cùng với mấy vị chức sắc của địa phương đến trường tôi vào một buổi sáng mùa thu trong giờ chào cờ đầu tuần. Cái dáng phong trần lãng tử của anh lạ lẫm giữa nơi sơn dã này bỗng dưng làm tôi ngây ngất hâm mộ.

Ngọn cỏ sau trận mưa rào

Anh đi cùng với mấy vị chức sắc của địa phương đến trường tôi vào một buổi sáng mùa thu trong giờ chào cờ đầu tuần. Cái dáng phong trần lãng tử của anh lạ lẫm giữa nơi sơn dã này bỗng dưng làm tôi ngây ngất hâm mộ.

Ngọn cỏ sau trận mưa rào

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi run run khi ông trưởng phòng văn hóa huyện giới thiệu anh với toàn trường: Rằng trong thời gian nhạc sĩ đi sáng tác ở đây, nhạc sĩ sẽ có những buổi dạy ngoại khóa về âm nhạc cho học sinh của trường. Thời gian thì không định trước, bởi còn tùy thuộc vào sự hợp tác của giáo viên và học sinh, nếu nhạc sĩ có nhiều cảm xúc thì nhạc sĩ sẽ ở lại lâu hơn, sáng tác được nhiều hơn. Tôi lia mắt lại phía anh và bắt gặp anh đang găm ánh nhìn vào tôi. Chẳng lạ gì khi anh chọn lớp tôi để mở đầu cho chương trình dạy nhạc. Thực ra trường tôi chỉ có hai lớp cho hệ phổ thông trung học và cơ sở. Ngay hôm đầu tiên trao đổi với nhau về chương trình làm việc, anh đã nói nhỏ với tôi: “Em sẽ là đề tài sáng tác của tôi, cô giáo ạ”. Tôi giỏi văn nhưng mù về âm nhạc, nên tôi cũng trở thành học trò của anh. Ngoài những giờ dạy trên lớp, anh vác cây đàn ghi ta đi về các bản, đi vào những cánh rừng, để thu thập các âm thanh. Lúc về bao giờ anh cũng mang cái máy ghi âm khoe với tôi về những âm thanh kỳ lạ của núi rừng mà anh đã sưu tầm được. Rồi anh mơ đến một bản giao hưởng có đủ mọi âm thanh của đại ngàn, đó sẽ là lời thỉnh cầu của thiên nhiên đối với con người. Anh nói nhiều lắm, tôi không nhớ hết, chỉ nhớ cái giọng trầm ấm, ngọt ngào của anh phát ra từ khuôn miệng duyên dáng. Tất cả cứ nhẹ nhàng trôi vào trái tim tôi, như một dòng nước ngầm. Học sinh của tôi bỏ cả học thuộc lòng những bài thơ mùi mẫn mà túm nhau lại để ê a xướng âm, đồ ồ ồ, rê ê ê, mi i i... cùng tiếng đàn rộn rã trong khu chòi nứa. Tôi cũng thấy vui vui. Giàng Thao Mi, cô học sinh người Mông của tôi một bận bỗng kêu lên: “Cô giáo ơi, dạo này cô đẹp lắm à”.

Chiều đến anh lại rủ tôi đi dạo. Chúng tôi đi quanh thị trấn, nhưng cái thị trấn miền rừng chỉ đi một loáng là hết, nên cuối cùng chúng tôi lại leo lên ngọn đồi gần nhất ngồi ngắm cảnh cho mát. Anh vác theo cây đàn, còn tôi cầm cái ô, phòng xa mưa bất chợt. Lần nào cũng vậy, mấy đứa học sinh đều nhìn theo trêu: “Cô ơi, cô đem thêm cái áo mưa nữa chứ”. Tôi đỏ mặt, còn anh cười tủm. Sở dĩ ngọn đồi chúng tôi leo lên dễ dàng, vì nó đã trơ trụi do người dân đã đốt rẫy để làm nương, trông nham nhở như mái tóc bị cắt dở. Nhưng đứng trên đó có thể nhìn thấy toàn bộ thị trấn lọt thỏm trong thung lũng, một thị trấn mới mẻ đang trên đà xây dựng. Đất cát, gạch ngói ngổn ngang, trông chả khác gì một vết thương giữa chốn rừng xanh. Trên đỉnh đồi mênh mông gió, nhìn quanh chỉ thấy rừng xanh và mây trắng, tâm hồn tôi bỗng chốc như được bay bổng. Tôi quên tất cả, quên cả nỗi cô đơn bấy lâu nay giữa nơi thâm sơn cùng cốc. Tôi chỉ thấy mình đang hạnh phúc quá, hạnh phúc ngọt ngào bên người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ. Mỗi ngày anh lại tặng tôi một khúc tình ca, đúng như anh đã nói, tôi là tâm điểm, là đề tài để anh sáng tác. Tôi là bông hoa thơm mọc giữa núi rừng, là con chim lạ lạc giữa ngàn xanh, là nàng công chúa ngủ quên trong rừng... anh đã hát về tôi như vậy. Tôi ngây ngất vì những lời có cánh, đắm say bởi những nốt nhạc diệu kỳ của anh. Trong không gian chỉ có mây và gió, tiếng đàn và lời hát của anh dành cho tôi, khiến tôi cứ ngỡ như mình đang ở trên thiên đàng. Thiên đàng ngay trên mặt đất, nó hiện hữu khi đôi môi ẩm ướt của anh phủ lên môi tôi, rồi cái thân thể đẹp như lực sĩ của anh cũng phủ lên tôi, ấm nóng ngọt ngào. Trong cái không gian hăng hắc mùi cỏ mục, ngai ngái mùi nhựa cây bị cháy dở, ở đó tôi cảm nhận được cả sự quyến rũ của cái hoang sơ lẫn cái tuyệt mỹ. Tôi dâng hiến hết mình, như kẻ thèm ăn, như người đang khát. Tôi đi theo anh lang thang trong những cánh rừng, mặc những đôi mắt âu lo của học sinh, mặc sự khó chịu của các đồng nghiệp. Tôi biện minh rằng mình cũng cần phải tìm cảm hứng cho những bài giảng văn. Tôi thích nghe những âm thanh của núi rừng mà đến giờ tôi mới hiểu hết, anh bảo đó là tiếng thở của rừng. Đôi khi tôi không muốn nghe tiếng thở của rừng nữa mà chỉ muốn nghe tiếng thở của anh, gấp gáp nồng nàn trong một góc khuất nào đó của khu rừng.

Thao Mi nhìn tôi đăm đăm rồi bảo: “Cô giáo à, cô có con trong bụng rồi đấy, có muốn bỏ đi không, em hái lá cho”. “Không”, “Thế còn người yêu của cô ở dưới thành phố thì sao?”. Tôi im lặng.

***

Anh thường kể cho tôi nghe về những miền rừng mà anh từng đi qua, từ miền cực Bắc của Tổ quốc đến những vùng rừng đước lầy lội ở phương Nam. Anh bảo có nghiên cứu cả đời cũng chưa hết được những bí ẩn của rừng xanh. Tự lúc nào, tôi bỗng yêu rừng, yêu ngôi trường có những căn chòi nứa bao bọc xung quanh. Tối đến, tôi không còn thấy cô quạnh trong dãy nhà xây lạnh lẽo cùng bác bảo vệ già nữa. Anh đi dạo cùng tôi, rồi trở về nhà khách ngủ. Tôi cũng trở về căn phòng cũ, nhưng trong giấc mơ, tôi mỉm cười chứ không đầm đìa nước mắt như trước kia. Học sinh của tôi cũng mến yêu anh. Tôi nghe chúng ríu rít hỏi anh. “Thầy giáo nhạc sĩ à, thầy ở lại đây với chúng em mãi nhé”, “Thầy có thấy cô giáo chúng em xinh không?”. Tôi cũng hỏi anh “Anh có ở đây với em mãi được không?”. Anh hôn tôi nồng nàn rồi nói: “Anh là con chim rừng, cô bé ạ, con chim rừng phải bay đi khắp nơi tìm mồi, nhưng bao giờ nó cũng trở về cái tổ của mình”.

Sáng chủ nhật tôi dậy muộn hơn mọi hôm, bác bảo vệ như chực sẵn ngoài cửa chờ tôi, khi tôi vừa mở cửa ra đã thấy bác chìa một mảnh giấy gấp tư. Linh tính không lành đã làm tôi run bắn lên, tôi mở ngay mảnh giấy, đúng là thư của anh: “Anh phải về thành phố gấp để làm một chương trình ca nhạc cho ngày lễ kỷ niệm lớn của tỉnh, anh sẽ lên với em ngay sau khi xong việc, em yên tâm chờ anh nhé”. Tôi dán mắt vào mảnh giấy có vài chữ mà mãi vẫn như chưa đọc xong. Bác bảo vệ nhìn tôi, rồi rụt rè nói: “Chú ấy đến đây sớm lắm, bảo phải về chuyến xe đầu tiên trong ngày, nên không thể đợi cô giáo dậy được”.

Tôi đã chờ anh một tháng, hai tháng, rồi ba tháng và cuối cùng bây giờ là năm năm. Cô giáo dạy văn non nớt ngày nào giờ đã thành cô hiệu trưởng uy tín, vì năm nào trường tôi cũng có học sinh đỗ đại học, điều đó là một kỳ tích đối với một huyện miền núi xa xăm này. Đứa con trai của tôi đã biết trèo lên đỉnh đồi cùng mẹ bằng đôi chân cứng cáp của một đứa bé vùng cao. Mỗi lần vậy tôi vẫn thường chỉ về một cánh rừng xa, bảo với con rằng bố đang ở đó, bố sẽ trở về với cái tổ của mẹ con mình. Con tôi ngước đôi mắt đen láy nhìn về dãy núi xa mờ với một niềm tin trong trẻo.

Thao Mi đang học một trường đại học ở Tây Nguyên. Một lần gửi thư cho tôi nó bảo: “Thầy Nam về trường em nói chuyện và biểu diễn âm nhạc nhưng sau biểu diễn thầy đi ngay nên không gặp, nhưng em biết thầy Nam đang ở đâu”. Tôi thừa biết có thể tìm anh ở đâu, vì anh là một nhạc sĩ nổi tiếng. Trước kia tôi đã không dám về thành phố tìm anh chỉ vì cái bụng. Còn bây giờ tôi phải đi tìm bố cho con trai tôi. Con trai tôi không thể không có bố.

Đang kỳ nghỉ hè, tôi gửi con cho bà ngoại rồi khăn gói vào Tây Nguyên. Với bức thư của bí thư huyện ủy nơi tôi đang công tác, tôi dễ dàng được địa phương nơi tôi đến tạo điều kiện để tôi tìm được nơi anh đang làm việc. Anh không ở thành phố mà đang công tác ở một huyện của một tỉnh Tây Nguyên với vai trò là một chuyên gia sưu tầm âm nhạc dân gian. Tôi lại xách túi lên đường. Trong căn nhà dài được coi là nhà văn hóa của bản người Ê Đê, tôi gặp cô gái mới 19 tuổi, có cái tên Hơ Bia, xinh như một đóa hoa rừng mới nở. Cô cho tôi biết anh đã không còn ở đó nữa mà đã đi sang một cánh rừng khác. Tôi ở lại một đêm với Hơ Bia, Hơ Bia là ca sĩ, đã giúp anh thể hiện rất nhiều ca khúc. Hơ Bia hỏi tôi: “Chị là vợ của nhạc sĩ à?”, tôi trả lời “ừ, nhưng đã ly hôn rồi, bây giờ tìm anh chỉ để báo cho anh ấy biết, con trai anh sắp bước vào lớp một, anh cần phải về để đưa con đi học buổi đầu tiên”. Hơ Bia xị mặt xuống: “Nhưng con anh ấy cũng đang trong bụng em đây thì sao?”. Khi chia tay với Hơ Bia, tôi đã muốn nói sự thật cho cô ấy biết, nhưng lại thôi, để làm gì khi cô ấy cũng như tôi ngày xưa, đang tràn đầy niềm tin và ngưỡng vọng.

Vừa bước chân vào đến nhà, con trai tôi đã chạy ra đón mẹ, mặt nó rạng ngời. “Mẹ ơi, mẹ đi lâu thế, bố về rồi, bố đợi mẹ mãi”, tôi đang ngớ người ra, nó đã ríu rít khoe: “Bố mua cho con cái ô tô đây này, đẹp không?, bố còn bảo sắp tới rằm trung thu, bố còn đưa con đi mua đồ chơi nữa”. Tôi đưa mắt sang mẹ, mẹ quay mặt lảng tránh. “Minh nó đến đây con ạ. Nó bảo không biết con mang thai với nó. Nó tỏ ra hối hận lắm và muốn xin lỗi con. Thời gian qua, nó bận nhiều công trình, biết con không chịu về xuôi, nó cũng buồn lắm, nhưng không biết là con lại có với nó một đứa con. Bây giờ nó muốn...”, “Ơ kìa mẹ, mẹ thừa biết cu Sóc không phải là con của anh Minh rồi mà, sao mẹ lại nhận thế...”, “Mẹ cũng đâu có nhận, nhưng nhìn cu Sóc gặp bố hớn hở thế mẹ không đành lòng... Hai bố con nó cứ ríu rít với nhau suốt buổi chiều trông thật là tình cảm”. “Nhưng như vậy là lừa dối anh ấy, con không thể”, “Đâu phải lừa dối, mà chỉ chưa nói thật thôi, vả lại ở đời có những điều nói thật chỉ tổ làm người khác đau lòng thì nói thật để làm gì”.

Nằm bên tôi, cu Sóc vẫn líu lo kể chuyện về bố. “Bố bảo sẽ đưa con về chơi với ông bà nội, nhưng phải đợi mẹ về cái đã. Bây giờ mẹ về rồi thì mai mẹ cho con về chơi với ông bà nội nhé”, “Ừ, để mẹ xem, vì mai mẹ phải lên trường rồi, con cũng phải lên trường để vào lớp một chứ”. “Ứ ừ, con muốn ở đây với bố cơ”. “Được rồi, con sẽ có bố, con sẽ được ở với bố, thôi ngủ đi con”. Thằng bé ngoan ngoãn nhắm mắt mà miệng nó vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Nhìn con ngủ với gương mặt thanh thản, lòng tôi dày vò tan nát...

Tôi nhớ tối đó, là buổi chia tay sau kỳ nghỉ hè của tôi, mai tôi phải trở lại trường, Minh ngồi rất khuya và... cái lần đầu ấy khiến tôi rất ngượng ngùng. Thực ra tôi cũng không sợ có thai, vì nếu có, chúng tôi sẽ cưới nhau biết đâu tôi sẽ được chuyển về xuôi sớm hơn. Nhưng tôi đã thất vọng.

Hôm sau, tôi vội vàng trở về trường như trốn chạy, mẹ gói ghém đồ đạc cho tôi, mà cứ thở dài thườn thượt. Cu Sóc thì mếu máo túm lấy bà như cầu cứu. Tôi an ủi: “Mẹ phải lên trường để chuẩn bị cho khai giảng, thể nào bố cũng lên với mẹ con mình mà”.

Cu Sóc đã bước vào lớp một, trông khá chững chạc. Chiều đến nó vẫn không quên cùng tôi leo lên ngọn đồi trước mặt thị trấn, lắm hôm tôi bận, nó còn tự đi một mình. Tôi biết nó đã có mục đích rõ ràng, nó ngóng bố.

Bây giờ ngọn đồi đã xanh mướt những cây chàm, cây keo và vô số loài cây gỗ quý khác, tuy nó mới chỉ như những ngọn cỏ non vươn lên sau một trận mưa rào.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương


Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]