(Baothanhhoa.vn) - Một ngôi chùa có lịch sử từ thế kỷ XVI tại huyện Nông Cống trở thành nơi che giấu các cán bộ cốt cán của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Tố Hữu... hoạt động cách mạng giai đoạn 1930–1945. Vừa là công trình văn hóa, lại được công nhận di tích lịch sử cách mạng nên chùa Vĩnh Thái ở xã Hoàng Giang có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục tinh thần yêu nước cho hậu thế cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong vùng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngôi chùa cổ là di tích cách mạng

Một ngôi chùa có lịch sử từ thế kỷ XVI tại huyện Nông Cống trở thành nơi che giấu các cán bộ cốt cán của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Tố Hữu... hoạt động cách mạng giai đoạn 1930–1945. Vừa là công trình văn hóa, lại được công nhận di tích lịch sử cách mạng nên chùa Vĩnh Thái ở xã Hoàng Giang có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục tinh thần yêu nước cho hậu thế cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong vùng...

Ngôi chùa cổ là di tích cách mạng

Công trình chính chùa Vĩnh Thái ở xã Hoàng Giang (Nông Cống) tọa lạc tại không gian sơn thủy hữu tình.

Men theo chân núi Hoàng Nghiêu hùng vĩ, một vùng đất sơn kỳ thủy tú mở ra trước mắt. Nơi ấy, những công trình thuộc di tích chùa Vĩnh Thái thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ um tùm. Tọa lạc trên triền dốc, chùa chính lưng tựa non cao, cửa hướng về phía Đông giữa hai cánh núi lồng lộng gió ngàn. Xa xa, dòng sông Hoàng lững lờ uốn lượn, như tấm gương soi bóng quanh năm cho di tích cách mạng. Tọa lạc trên vùng đất rộng đã trở thành lợi thế để các thế hệ trụ trì, tăng ni phật tử chung tay xây dựng thêm nhiều hạng mục phụ như ngôi đại hùng bảo điện, cổng tam quan, nhà thờ mẫu, hồ sen... hướng tới xây dựng khu di tích tâm linh đón du khách thập phương theo chương trình phát triển du lịch của huyện Nông Cống.

Với chất giọng Bắc nhẹ nhàng và cởi mở, Đại đức Thích Nguyên Hối, trụ trì chùa nhiệt tình giới thiệu về di tích cùng những thông tin về lịch sử lâu đời với chúng tôi. Dạo quanh khuôn viên chùa, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên cùng sự trầm mặc của di tích hàng trăm năm tuổi, một ấn tượng khác là những luống hoa, hàng cây cảnh rất đẹp mang dấu ấn của bàn tay con người. Những công trình nhân tạo cùng núi non và thiên nhiên hòa quyện, tạo nên một khung cảnh thơ mộng trong lành giữa chốn tôn nghiêm. Những năm gần đây, nhiều du khách xa gần đã tìm về chốn thiền tịnh này để chiêm bái và du lãm.

Lời kể của sư trụ trì Thích Nguyên Hối dẫn dắt chúng tôi ngược dòng thời gian hơn 400 năm về trước. Một thân vương nhà Mạc là Mạc Đăng Khuê di cư vào lánh nạn, đến đây thấy vùng đất có đồng bằng, có núi sông bao quanh, ông đã ở lại khai hoang lập ấp, thay tên đổi họ thành Hoàng Phúc Khuê. Cùng với đó, ông đã bỏ của cải ra xây dựng chùa và đặt tên là chùa Vĩnh Thái với ước muốn cầu cho quốc thái dân an, vĩnh viễn không còn cảnh chiến tranh loạn lạc tương tàn, “nồi da nấu thịt” trên đất nước. Nhiều đời nay, chốn cửa thiền thanh tịnh là nơi gửi gắm buồn vui và nâng đỡ bao tâm hồn người dân địa phương. Điều thú vị là, tại ngôi chùa này đã che giấu các chiến sĩ hoạt động cách mạng như đồng chí Đào Duy Kỳ - Quyền Xứ ủy Trung kỳ; đặc biệt giai đoạn 1939 – 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), đồng chí Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) đã từng hoạt động cách mạng dưới mái chùa Vĩnh Thái.

Xác minh thêm các thông tin nói trên, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nông Cống cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu lịch sử liên quan. Theo đó, giai đoạn 1930-1945, chùa Vĩnh Thái là cơ sở cách mạng của 2 huyện Nông Cống và Thọ Xuân, là nơi liên lạc của Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1939, thời kỳ Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), được phân công về miền Trung xây dựng lại Xứ ủy Trung kỳ. Cuốn sách “Chùa Xứ Thanh” tập 1 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, được Nhà Xuất bản Thanh Hóa in năm 2016, tại trang 274 cũng đề cập: “Trong khoảng thời gian 1939-1941 đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) và đồng chí Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) thường xuyên đến chùa Vĩnh Thái hoạt động, gặp gỡ và làm việc với các chiến sĩ cách mạng ở Thanh Hóa cho đến khi bị bắt và đày đi Côn Đảo”.

Hiện nay, cả phía UBND huyện Nông Cống và nhà chùa vẫn còn giữ một cuốn sách, trong đó chụp lại một văn bản do đích thân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) viết và ký tên để trả lời ông Hoàng Lê, đề: “TP Hồ Chí Minh, ngày 14-11-1997”, xin được trích nguyên văn như sau: “Kính gửi: Ông Hoàng Lê. Tôi đã nhận được thư ông đề ngày 25-10-1997 hỏi về chùa Vĩnh Thái: “có phải là nơi liên lạc của các ông cách mạng trong những năm 1940-1944 không? Và có phải tại đây tôi có đến gặp mặt các ông hoạt động cách mạng ở địa phương không?”.

Xin trả lời để ông rõ: Năm 1939, tôi được ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phân công về miền Trung xây dựng lại Xứ ủy Trung kỳ. Trong thời gian này từ 1939 đến 1941, tôi hoạt động ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, gặp gỡ các ông cách mạng tại địa phương và có đến chùa Vĩnh Thái gặp gỡ và làm việc với các ông ở Thanh Hóa. Chùa Vĩnh Thái đúng là nơi liên lạc của các ông cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ. Đến năm 1941 thì tôi lại bị bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Xin gửi kèm theo đây 1 ảnh của tôi theo đề nghị của ông. Chúc ông và gia đình khỏe. Nhờ ông chuyển lời chúc sức khỏe của tôi đến các ông cách mạng lão thành và các gia đình cơ sở cách mạng địa phương”.

Được biết, trong những năm chiến tranh ác liệt, chùa lại tọa lạc gần cầu Vạy và ga Yên Thái - những công trình giao thông huyết mạch nên bị ảnh hưởng bởi bom Mỹ nhiều năm cày xới. Chùa Vĩnh Thái bị hư hỏng nhiều hạng mục, thậm chí có thời gian gần như thành phế tích. Những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, lòng thiện niệm công đức của tín khách thập phương, chùa Vĩnh Thái từng bước được tôn tạo khang trang. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn, năm 1999, chùa Vĩnh Thái được công nhận khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]