(Baothanhhoa.vn) - Là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và độc đáo, chèo có đời sống riêng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiện nay, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật chèo gặp không ít truân chuyên. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc thu hút và “giữ chân” lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ. Đây cũng là bài toán nan giải mà những người đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống đang đau đáu từng ngày.

Nghệ thuật chèo vẫn thiếu vắng những tài năng trẻ

Là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và độc đáo, chèo có đời sống riêng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiện nay, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật chèo gặp không ít truân chuyên. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc thu hút và “giữ chân” lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ. Đây cũng là bài toán nan giải mà những người đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống đang đau đáu từng ngày.

Nghệ thuật chèo vẫn thiếu vắng những tài năng trẻViệc thu hút lực lượng trẻ vào hoạt động trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhất là chèo, đang là vấn đề khó đối với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Đạt

Khó thu hút và “giữ chân” lực lượng kế cận

Nếu như thời hoàng kim, các loại hình nghệ thuật truyền thống, điển hình như nghệ thuật chèo có rất nhiều các câu lạc bộ (CLB) được thành lập và hoạt động sôi nổi, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Thì đến nay, không chỉ số lượng các CLB dần bị thu hẹp, mà số thành viên tham gia cũng giảm đi rất nhiều. Là người tham gia sinh hoạt ở CLB văn nghệ dân gian thôn Giá Mai, xã Tế Thắng (Nông Cống), mấy chục năm nay, ông Lê Mạnh Đoài, Phó chủ nhiệm CLB, cũng có không ít trăn trở khi các thành viên tham gia ngày càng giảm sút. Ông cho biết: CLB văn nghệ dân gian thôn Giá Mai được thành lập năm 2006, trên cơ sở đội chèo truyền thống của thôn. Ngày mới thành lập, CLB thu hút được 25 thành viên tham gia. Thế nhưng, đến nay chỉ còn lại 13 người. Thế hệ những người đang hoạt động nghệ thuật chèo hiện nay là “thế hệ vàng”, họ rất yêu nghề, tự nguyện và hầu như hoạt động đều tự chủ về tài chính. Điều lo lắng nhất của CLB là các diễn viên lên sân khấu nhiều tuổi nhất đã ngoài 70, trẻ nhất cũng ngoài 50 tuổi, mà hiện vẫn chưa thu hút thêm được các thành viên nhất là lớp trẻ tham gia. Bởi thế, chúng tôi rất băn khoăn làm sao tìm được lực lượng kế cận để trao truyền lại nghệ thuật chèo, vốn đã tồn tại rất lâu đời ở địa phương.

Nếu như các địa phương gìn giữ nghệ thuật chèo bằng cách thành lập các CLB, hay tái hiện nó trong các lễ hội, thì đối với các nhà hát chèo chuyên nghiệp, thúc đẩy sự tương tác với khán giả lại là một yếu tố vô cùng quan trọng để chèo không bị mai một. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là nhà hát, hay các đoàn chèo cũng chưa thật sự thu hút được khán giả, nhất là lớp trẻ, bởi thế có không ít nghệ sĩ không bám trụ được với nghề, thậm chí là bỏ nghề...

Có lẽ, đến bây giờ khi nhắc về nghệ sĩ trẻ Thu Hà, của Đoàn Chèo Thanh Hóa (đã sáp nhập vào Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), người ta vẫn nhớ đến vai diễn để đời của cô đó là Thị Màu. Với vai diễn này, cô đã đoạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi “Tài năng trẻ nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo 2017”. Những tưởng sau thành công từ vai diễn đó cô sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê với những vai diễn khác và “bám trụ” với nghề. Thế nhưng, với lý do đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống nên Hà đành “bỏ nghề” và tìm kiếm một công việc khác. Hay như, trường hợp của diễn viên chèo Phạm Văn Hóa, vốn tham gia hoạt động ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa hơn 10 năm. Trong chặng đường gắn bó với chèo của mình, Hóa đã giành không ít giải thưởng, huy chương. Gần đây nhất, anh giành Huy chương Vàng của Cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020” khi đảm nhận vai diễn Lưu Bình trong vở chèo “Lưu Bình - Dương Lễ”. Nhưng khi được hỏi về công việc và nghệ thuật chèo - đam mê theo đuổi suốt nhiều năm qua, chàng diễn viên cũng không khỏi chạnh lòng. “Để trụ lại được với nghề, giữ được ngọn lửa đam mê nghệ thuật chèo và đủ chi phí trang trải cuộc sống tôi đã phải làm nhiều nghề phụ khác, từ dẫn chương trình, làm MC đám cưới, hội nghị, cho đến bán hàng online”...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, cho biết: Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và nghệ thuật chèo không nằm ngoài sức ảnh hưởng đó. Khó khăn thêm chồng chất nhiều hơn khi phải đối mặt với mọi vấn đề, đặc biệt là về kinh phí và thu hút lực lượng trẻ kế cận. Nhà hát hiện có 102 người, trên tổng số 86 định biên. Tuy nhiên, trong số đó, lại chiếm đa số là những người đã có tuổi. Những năm qua, nhà hát cũng đã tìm mọi cách để thu hút lớp trẻ. Chẳng hạn, như năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đổi mới hình thức đào tạo theo kiểu “đặt hàng”, phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và cơ sở giáo dục. Khi đó, Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa (đã sáp nhập vào Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) có gửi 15 em theo học. Qua các khâu tuyển chọn rất khắt khe, 15 em đều là những người “hứa hẹn” sẽ là các “cây” diễn tài năng và là lực lượng xung kích kế cận. Song, từ khi các em ra trường đến nay, chỉ còn lại 3 em ở lại gắn bó, hoạt động với đoàn. Từ năm 2016 đến nay Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa không được đào tạo hệ trung cấp, khoa Sân khấu cũng giải thể, do đó nhà hát cũng không tuyển thêm được lực lượng trẻ.

Cần sớm có giải pháp

Theo chia sẻ của nhiều nghệ nhân, thành viên đang hoạt động tại các CLB, hay các đoàn chèo về việc giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống nhất là nghệ thuật chèo, thì: các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa, đặc biệt ngành văn hóa cần khảo sát để đánh giá một cách khách quan thực trạng hoạt động sân khấu truyền thống hiện nay. Từ đó tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ về kinh phí, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ như mở các lớp tập huấn, sáng tác cho các CLB, hay các đoàn chèo... Cùng với đó, tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, nhằm phát triển, động viên phong trào và định hướng hoạt động sân khấu ở cơ sở tạo nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và là sân chơi cổ vũ những người làm nghệ thuật quần chúng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: cần có sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc mở các lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt cơ sở, để công tác quản lý, tổ chức các hoạt động sân khấu truyền thống tại địa phương có hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để các CLB, các đoàn chèo có đất hoạt động biểu diễn nhân các sự kiện chính trị, xã hội, cộng đồng như hội nghị, đại hội, lễ hội... Ngoài ra, một việc làm hết sức quan trọng là đưa nghệ thuật chèo vào trường học. Đối với bậc tiểu học, nên hướng sự tập trung vào các vở chèo mang tính vui nhộn, huyền thoại để phù hợp với lứa tuổi học sinh; còn với các cấp học khác sẽ là các vở chèo mang thông điệp nhân văn, ý nghĩa đến gần hơn với tâm tư, suy nghĩ của các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu xoay quanh nghệ thuật chèo, khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu giúp các em học sinh yêu thích, gắn bó hơn với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Để làm “sống lại” một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhất là nghệ thuật chèo, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Có như thế mới thu hút được lớp trẻ tham gia và hơn hết là đào tạo được “đội ngũ kế cận”.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]