(Baothanhhoa.vn) - Hoàng hôn rũ bóng, con đường làng năm nao dẫn tôi về với cái nôi xưa bên những tiếng ầu ơ của mẹ. Dọc hai bên đường, lúa đã chín vàng ruộm. Một mùa gặt mới lại bắt đầu. Chao ôi! Mùa gặt... cái mùa sao mà da diết nhớ! Từ mùi hương của lúa mới, đến những tiếng sáo, tiếng diều vi vu, bình dị thân thương.

Mùa gặt quê xưa!

Hoàng hôn rũ bóng, con đường làng năm nao dẫn tôi về với cái nôi xưa bên những tiếng ầu ơ của mẹ. Dọc hai bên đường, lúa đã chín vàng ruộm. Một mùa gặt mới lại bắt đầu. Chao ôi! Mùa gặt... cái mùa sao mà da diết nhớ! Từ mùi hương của lúa mới, đến những tiếng sáo, tiếng diều vi vu, bình dị thân thương.

Mùa gặt quê xưa!

Ảnh minh họa.

Quê tôi là vựa lúa của xứ Thanh. Nhà tôi, bố mẹ làm gần 3 mẫu ruộng, con số không nhỏ so với diện tích ở nhiều nơi, nhưng lại là con số ít so với những hộ khác trong làng.

Mùa gặt trong ký ức tuổi thơ tôi thuở ấy là những tháng ngày vất vả, lam lũ. Tôi nhớ, để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè, từ 2 giờ sáng, khi mặt người chưa tỏ, con gà chưa gáy, bố đã lục đục đồ đoàn, dắt trâu ra ngõ, tôi với mẹ quang gánh theo sau.

Từ trong làng, những âm thanh cộng hưởng báo hiệu ngày mới của một mùa gặt bắt đầu. Tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng xe trâu, xe bò, tiếng hịch hịch, tắc tắc, tiếng chị, tiếng mẹ... í ới râm ran, rộn rã làng quê.

Sinh ra và lớn lên sớm gắn với đồng ruộng, nên những công việc gặt hái đã không còn là điều gì xa lạ với lũ trẻ chúng tôi. Từ những đon lúa to, nhỏ còn vụng về chưa buộc chặt, mẹ xoa đầu vỗ về động viên “con mẹ giỏi lắm!” cho đến những chàng trai, cô gái gắn với việc đồng áng chính hiệu.

Nhỏ thì lăm xăm theo sau bố mẹ, lớn lên phụ bố, mẹ gặt lúa, xếp xe. Đi từ 2 giờ sáng nhưng phải về để tránh cái nắng nóng từ khi mặt trời chưa đứng bóng. Chiều, thì muộn hơn, 3 hoặc 4 giờ chiều mới ra đồng, gặt cho tới khi trời tối, bố mẹ lại treo chiếc đèn cầy lên cây sào nhỏ gặt cho tới 9, 10 giờ đêm.

Bữa ăn chiều muộn trên cánh đồng gió lộng khi ấy gợi lên sao mà sục sôi vị giác. Chiếc chiếu cói nhỏ trải vội đủ để bầy biện vài ba cái nồi, cái bát. Cơm ăn cũng chẳng có gì nhiều. Nồi chạch đồng kho nghệ, bát canh rau muống luộc để nguyên trong nồi... nhưng ăn ngon và được cơm.

Cuối tuần mùa gặt, chị gái học đại học ở thành phố lại trở về phụ gia đình. Có lúc chị về một mình, khi thì một vài ba người bạn. Tôi vui lắm, vì có chị tôi có thêm người để chơi, để vi vu chạy theo những cánh diều nơi đồng ruộng đã được gặt, còn trơ những gốc rạ. Với bố mẹ thì có thêm nhân lực, không phải đổi công, đổi bữa.

Niềm vui mùa gặt khi lúa được mùa nhưng cũng buồn lắm những ngày mùa lũ nhấn chìm bao nước mắt mẹ cha. Khi đó, việc dự báo thời tiết phần nhiều dựa vào kinh nghiệm. Hệ thống tiêu thoát nước cũng chưa được đầu tư như bây giờ, nên mùa mưa lũ, lúa không kịp gặt hôm nay, ngày mai đã bị nhấn chìm.

Đi qua những mùa gặt, tôi lớn lên lập gia đình và định cư ở một nơi xa, không còn gắn với đồng ruộng. Nhưng mỗi lần về quê, trước mùa gặt, bố mẹ vẫn bảo: “Làm nông bây giờ không vất vả như xưa. Từ cấy hái, cày bừa... đều đã có máy nông nghiệp thay thế cho sức người. Lúa thì được lai nhiều loại giống cho năng suất cao gấp đôi, gấp ba ngày trước”...

Vui biết bao khi quê mình từng ngày đổi mới, đồng ruộng ngày càng bội thu.

Tản văn của Sơn Đình


Tản văn của Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]