(Baothanhhoa.vn) - Mo là di sản văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào Mường cả nước nói chung và đồng bào Mường Thanh Hóa nói riêng. Mo hình thành từ lâu đời và đến nay vẫn được người Mường truyền dạy qua rất nhiều thế hệ, đồng thời được gìn giữ, bồi đắp, sáng tạo và không ngừng phát huy giá trị.

Mo trong đời sống của đồng bào Mường Thanh Hóa

Mo là di sản văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào Mường cả nước nói chung và đồng bào Mường Thanh Hóa nói riêng. Mo hình thành từ lâu đời và đến nay vẫn được người Mường truyền dạy qua rất nhiều thế hệ, đồng thời được gìn giữ, bồi đắp, sáng tạo và không ngừng phát huy giá trị.

Mo trong đời sống của đồng bào Mường Thanh Hóa

Trong tang lễ của người Mường, vai trò của ông mo rất quan trọng.

Trong tang ma của người Mường không thể thiếu được mo và ông mo, bởi người Mường quan niệm rằng, chết không mo thì “đống không yên ma, nhà không lành người”, “chết không mo như làm trò không có người xem”... Mo có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định trong thờ cúng, rằng mo kể lại các nghi lễ phục vụ đời sống tinh thần của dân tộc Mường. Mo chính là tấm gương phản chiếu, là bức tranh rộng lớn bao trùm về lịch sử - xã hội, quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người, trời đất, về thế giới tâm linh. Nói đến mo Mường là bao gồm cả mo sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” (hay còn gọi là mo Tlrêu) và “Mo lên trời” (hay còn gọi là mo dẫn đường). Người Mường đã sáng tạo ra mo để kể lại cho con cháu nghe về quá trình “đẻ đất - đẻ nước”, sự hình thành loài người với hàng chục ngàn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, áng mo, roóng mo. Nội dung các áng mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của dân tộc.

Theo quan niệm của dân tộc Mường, vai trò của ông mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành khi đau yếu, mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Vai trò của ông mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Đến tuổi già sức cạn, mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn sống lâu cho con cháu được nhờ. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, ông mo đóng vai trò “cầu nối giữa người sống với người chết”, là người đưa hồn ma về với tổ tiên an lành, mát mẻ.

Ông mo là trung tâm của thực hành nghi lễ tang ma và diễn xướng mo. Là người được truyền dạy mo và thuộc những áng mo, hiểu biết về phong tục, tập quán và các lễ tục trong tang ma, có năng lực diễn xướng mo và được cộng đồng tin tưởng. Ông mo phải biết vận dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình có tang, với thời gian cho phép để tổ chức diễn xướng một cách hợp lý, không được để cho gia đình có tang phàn trách về sự thiếu chu đáo, thiếu hiểu biết hoặc làm khó khăn cho tang chủ. Nghề mo là nghề làm phúc, không lấy nghề mo để làm giàu. Chính vì vậy, những ông mo có uy tín là những người có tâm, có đức và đem lại sự bình an cho tang chủ sau khi lo việc tang.

Nghệ thuật diễn xướng mo Mường thể hiện đầy đủ từ lời mo, giọng điệu mo, cử chỉ hành động của ông mo kết hợp với âm nhạc, múa, khóc tạo thành nghi lễ tang ma mang đậm tính nhân văn của dân tộc Mường. Quá trình diễn xướng mo của người Mường là phương tiện giao tiếp, bày tỏ lòng tôn kính đối với các lực lượng siêu nhiên và tổ tiên con người, là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ của người Mường về tri thức và tập quán xã hội. Chính vì vậy, mo Mường góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường qua suốt nhiều thế hệ.

Trong mo Mường, ngâm lời mo là nghệ thuật diễn xướng quan trọng không thể thiếu của ông mo. Đây là một làn điệu đặc trưng không giống với bất cứ một thể loại dân ca nào, bởi khi cất lên lời ta nhận biết đây là mo, từ âm tiết, thanh điệu cho đến tiết tấu. Ngâm lời mo còn thể hiện đặc trưng riêng của mỗi người truyền nghề, các vùng mường. Tất cả các cử chỉ, hành động của ông mo làm cho tang chủ cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào việc tiễn đưa “hồn” về yên nghỉ bên thế giới mường ma “chín tốt mười lành” để cho “đống yên ma, nhà lành người”.

Âm nhạc cũng là một bộ phận không thể thiếu trong đám ma, bởi nó gắn kết các sự kiện trong nghi lễ, từ mở đầu đến kết thúc, ta vẫn thường nói “sống dầu đèn, chết kèn trống”. Múa trong diễn xướng mo của dân tộc Mường để “hồn” được mát mẻ, siêu thoát và cũng là cách thể hiện đạo hiếu với bố mẹ trước khi về với tổ tiên.

Tiếng khóc, bài khóc trong đám ma của người Mường vừa thể hiện sự thương tiếc, xót xa với người mất vừa là lời chia sẻ, cảm ơn đối với cộng đồng. Do vậy, đám ma của người Mường không có “khóc thuê, khóc mướn”, mà tiếng khóc phải thể hiện từ tấm lòng của người khóc. Người Mường có câu “thà gánh nặng đi đằng xa, chứ không đi khóc ma một mình”. Như vậy, tiếng khóc trong đám ma còn chứa đựng giá trị giáo dục đạo đức, lẽ sống và tính nhân văn cao cả của người Mường.

Có thể nói, mo trong nghi lễ tang ma của dân tộc Mường vô cùng phong phú. Mo là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường để đoàn kết những người sống trước một người vĩnh viễn ra đi trong cộng đồng. Sự có mặt của những người còn sống trong giờ phút thiêng liêng này như là một sợi dây tình cảm gắn bó chặt chẽ họ lại với nhau. Bằng những đêm mo, người ta nhắc lại lịch sử nguồn gốc của người Mường, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm, những tri thức của cuộc sống, những phong tục, tập quán. Truyền dạy cho nhau cách tổ chức đám tang khi có người chết, cách ăn mặc tang phục, cách làm lễ vật dâng cúng cho hồn ma, cách sắp xếp thứ bậc trong lúc có đám, qua đó mà ghi nhớ và truyền lại cho các thế hệ sau.

Mo còn là cả một hệ thống giáo dục đạo lý làm người qua những lời răn dạy, và nó đã được chuyển tải qua nghệ thuật diễn xướng của ông mo, để khuyên răn con người phải ứng xử tốt với con người, với thiên nhiên và với chính bản thân mình. Mo là lời “nhắn gửi” giữa người sống với người chết, giữa người sống với người sống, được thực hiện bởi các ngôn từ, nhạc điệu, đạo cụ và các vũ điệu đặc biệt. Mo nói với họ về những điều họ nghĩ, những điều họ tưởng tượng, những điều họ cảm xúc. Nghe mo, những người đang sống cần phải soi mình vào đấy để sống tốt hơn, cố gắng làm điều thiện cho mình, vì tổ tiên, con cháu, vì làng xóm và cộng đồng.

Với những ý nghĩa tốt đẹp ấy, để bảo tồn và phát huy giá trị của mo Mường, vừa qua, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học "Mo trong đời sống người Mường xưa và nay”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình xây dựng hồ sơ quốc gia về di sản mo Mường đệ trình UNESCO công nhận vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước (Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La và Hà Nội) tham gia xây dựng hồ sơ quốc gia mo Mường. Hy vọng, với sức sống trường tồn, vượt qua mọi thời gian và không gian, mo Mường Thanh Hóa sẽ trở thành di sản văn hóa đặc biệt của cộng đồng người Mường cả nước, góp mặt xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]