(Baothanhhoa.vn) - Quan sát Việt Nam, hiểu Việt Nam – nhìn từ núi, đó là cảm hứng, góc nhìn mới mẻ của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến khi thực hiện công trình – tác phẩm biên khảo độc đáo, hấp dẫn mang tên “Khai nguyên rồng tiên” (2021). Trong đó, Nguyễn Mạnh Tiến đã dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, đi vào nhiều khía cạnh của lịch sử - văn hóa – dân tộc học miền núi xứ Thanh.

Miền núi xứ Thanh tự thuở “khai nguyên rồng tiên” dưới cái nhìn của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến

Quan sát Việt Nam, hiểu Việt Nam – nhìn từ núi, đó là cảm hứng, góc nhìn mới mẻ của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến khi thực hiện công trình – tác phẩm biên khảo độc đáo, hấp dẫn mang tên “Khai nguyên rồng tiên” (2021). Trong đó, Nguyễn Mạnh Tiến đã dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, đi vào nhiều khía cạnh của lịch sử - văn hóa – dân tộc học miền núi xứ Thanh.

Miền núi xứ Thanh tự thuở “khai nguyên rồng tiên” dưới cái nhìn của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh TiếnNhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến và cuốn sách “Khai nguyên rồng tiên” của tác giả.

Sau thành công của “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H,Mông”, “Sống đời của chợ”, nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Khai nguyên rồng tiên”. Trong cuốn sách mới nhất của mình, Nguyễn Mạnh Tiến thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình với các vấn đề lịch sử - văn hóa – dân tộc học ở khu vực miền núi xứ Thanh. Anh đã dành hơn một nửa dung lượng tác phẩm để nói về điều đó một cách say sưa, tâm huyết, thuyết phục, đáng tin cậy.

Vì sao lại có sự quan tâm, ưu ái ấy? Không đơn thuần bởi cái cội nguồn, quê quán Quan Lan Sào, núi Bàn A, tỉnh Thanh trong căn cước, mà bởi thực sự, miền núi xứ Thanh là kho tàng lịch sử - văn hóa – dân tộc học tiêu biểu, độc đáo và có ảnh hưởng sâu sắc với tiến trình hình thành và phát triển của dân tộc: “Muốn hiểu sâu vào lịch sử Đại Việt thì phải biết rõ về lịch sử Thanh Hóa” (H. Le Breton). Mà lịch sử Thanh Hóa luôn ghi đậm dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của khu vực miền núi, đúng như Chales Robequain viết: [Vùng núi Thanh Hóa] Vùng hiểm trở này không phải luôn biệt lập với một đời sống khép kín và đặc biệt, nó vẫn tham gia vào những sự kiện lịch sử trọng đại của châu thổ và đế quốc An Nam; chính ở dưới bóng những quả đồi của vùng đất đã khai sinh những người sáng lập nên các triều đại lừng danh nhất của dân tộc và cũng từ trong cư dân nơi đây mà chủ nghĩa yêu nước An Nam vào những giờ phút nghiêm trọng nhất tìm được nơi ẩn náu hoàn hảo và từ đó tạo nên những thành công mới”. Một học giả người Pháp khác là H. Le Breton cũng đã nhận định: “Muốn hiểu sâu vào lịch sử Đại Việt thì phải biết rõ về lịch sử Thanh Hóa”.

Sức sống của huyền thoại dân tộc “con rồng cháu tiên” với vai trò của nghĩa quân Lam Sơn và vương triều Lê

Những dẫn liệu cụ thể về sự trôi nổi của huyền thoại “con rồng cháu tiên” mang tính cao quý, biểu đạt cho một sự tự tôn dân tộc phì đại của dân tộc Việt cùng những ràng buộc lịch sử Đại Việt đa tộc người thế kỷ XV nói chung, vùng Mường – Thái Thanh Hóa nói riêng, “Khai nguyên rồng tiên” mở ra quan sát về Đại Việt thế kỷ XV, khoảng từ khởi nghĩa Lam Sơn khai sinh nhà Lê đến hưng thịnh dưới thời Thánh tông trong cái nhìn từ núi.

Theo kiến giải của Nguyễn Mạnh Tiến, chính các Hoàng đế triều Lê mới là người tối cao phê chuẩn cho sự chính thống hóa của truyện kể huyền thoại khai sinh dân tộc. Và vai trò quan trọng nhất thuộc về vua Lê Thánh tông khi ông dường như đã làm tốt hơn cả sự điều hòa Việt/Kinh với chính trị gốc miền núi Mường - Thái, đó là chia sẻ trong niềm tin huyền thoại các nhóm tộc người quan trọng nhất, làm thành sức mạnh của quốc gia Đại Việt thời ấy, bao gồm, cơ bản các tập đoàn Việt ở đồng bằng với Mường và Tày – Thái ở miền núi.

Từ việc hệ thống, cung cấp các dẫn liệu dân tộc học lịch sử về sự trôi nổi của huyền thoại rồng tiên trong cộng đồng Việt – Mường – Thái... Đặc biệt, dẫn liệu sử Thái và lý giải chính trị địa phương cho các tập đoàn Mường và nhất là Thái làm nên tính sinh động đa tộc người Việt Nam trong quá khứ. Sự mở rộng các chú giải dân tộc học vào miền núi Thanh Hóa, nhất là các xứ Thái cung cấp cho độc giả một nền tri thức căn bản cội nguồn tiên khởi đa tạp về truyền thống chính trị tộc người Việt – Mường – Thái mà tổ tiên là đoàn quân Lam Sơn năm nào, những người được lịch sử khảm tên huy hoàng gắn với chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XV. Qua nhiều kiến giải, tác giả cho thấy: Vùng núi Thanh Hóa dường như là đất gốc, nơi sản sinh ra đội quân Lam Sơn trung thành. Trong đó, nhóm hay tập đoàn Thanh Hóa mang nguồn gốc Thái – Mường đã có một vai trò quyết định đối với số phận của đoàn quân Lam Sơn và vương triều Lê nhiều năm sau đấy.

Miền núi Thanh Hóa và những tiểu luận về người Thái – những chú giải mở rộng cho các vấn đề liên quan đến tộc người trong tỉnh Thanh Hóa

Vì sao lại có một phần biên khảo – hoàn toàn có thể tách ra độc lập (không lệ thuộc vào nội dung phần I của cuốn sách) về người Thái Thanh Hóa? Ngay từ những dẫn luận đầu tiên, Nguyễn Mạnh Tiến đã kiến giải: Một mặt, những tiểu luận ấy giúp “hiểu sâu hơn những gì đã bàn luận về huyền thoại rồng tiên gắn với đoàn quân Lam Sơn”; mặt khác, đó là một dụng ý vì nó liên quan trực tiếp đến việc xử lý huyền thoại rồng tiên trôi nổi trong các vệ Thiết đột (tên gọi những đội quân tinh nhuệ thời vua Lê Lợi khởi nghĩa – PV) của đoàn quân Lam Sơn, mà thành phần căn bản thuộc về 3 lực lượng: Mường, Thái, Việt. Sự trôi nổi của huyền thoại rồng tiên trong các cộng đồng Việt và Mường đã được biết đến, nên có đó một lịch – sử - vấn – đề, chỉ duy trong cộng đồng Thái, đặc biệt là Thái Thanh Hóa thì hầu như chưa được nhận thức. Trong khi đó, Thái Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng cho nghĩa quân Lam Sơn.

“Tiến vào miền núi Thanh Hóa”, là cả một nỗ lực, tâm huyết, công phu. Nguyễn Mạnh Tiến không đơn thuần tổng thuật từ các nguồn tài liệu mà còn là sự thu thập, góp nhặt tri thức, tư liệu từ các chuyến điền dã trên thực địa ở các vùng tộc người khác nhau trong tỉnh Thanh Hóa suốt 4, 5 năm miệt mài. Nguyễn Mạnh Tiến tự ví mình như một hậu duệ của đoàn quân Lam Sơn “đơn độc thử ngược bơi trên những dòng sông Chu, sông Mã để tiến vào các vùng rừng núi Thanh Hóa”. Theo Nguyễn Mạnh Tiến, miền núi tỉnh Thanh Hóa giống như một “nồi lẩu” dân cư khổng lồ đã trộn đều các dòng người vốn có gốc tích “thập cẩm” thành các khẩu vị là những tộc người khác nhau. Sự tổng hợp Việt – Mường – Thái là đặc điểm đáng chú ý nhất về mặt dân tộc học ở vùng miền núi Thanh Hóa. Nó đa dạng, phức tạp đến mức, nhiều khi, chính tác giả cũng phải “bất lực”, ngậm ngùi sử dụng cụm từ “có khi” trước những mơ hồ, nhập nhằng, khoảng trống tư liệu, hiểu biết khó lấp đầy. Nói như vậy để thấy, miền núi xứ Thanh vừa là một thử thách, vừa là sự kích thích, mời gọi, hấp dẫn với các nhà nghiên cứu, khoa học, nhất là ở lĩnh vực dân tộc học.

Chính sự dấn thân, tâm huyết, trách nhiệm, say mê, nghiêm túc của nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học thông qua việc kết hợp tư liệu tổng thuật với tư liệu điền dã, những phụ lục, hình ảnh, chú thích mở rộng... đã từng bước dệt nên “các xã hội tộc người” – “bức khảm tộc người miền núi Thanh Hóa” hiện diện sống động, đa sắc, đa thanh, độc đáo của các tộc người: Mường, Thái, Thổ, Khơ Mú, H,mông, Dao, các tộc người khác, Kinh...

Trong nghiên cứu các xã hội tộc người miền núi Thanh Hóa, Nguyễn Mạnh Tiến đặc biệt đi sâu vào cộng đồng người Thái, xem tộc người Thái là trung tâm. Với các tiểu luận công phu, hấp dẫn, đầy đặn tư liệu như: “Các xã hội tộc người miền núi Thanh Hóa”, “Danh xưng các nhóm Thái Thanh Hóa”, “Mường giữa hai ngã ba sông: Người Phủ Tày Mường Ca Da”, “Những khoảnh khắc của lịch sử: Phả hệ dựng lại của họ Tạo Lo Khăm/ Phạm Bá ở Mường Ca Da”, “Người Tày Dọ ở Nam Thanh Hóa và thiết chế đền thờ trời”... đã khắc họa nên bản sắc tộc người Thái dẫu qua bao thăng trầm, biến ảo của thời gian, lịch sử cũng luôn được các thế hệ người dân bảo tồn và phát huy. Hơn hết, những tiểu luận, nghiên cứu ấy góp phần khẳng định thêm vai trò, vị thế, đóng góp của cộng đồng người Thái đối với sự hình thành và phát triển của xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến từng chia sẻ: “Cái nhìn từ núi càng sáng rõ bao nhiêu thì càng khiến cho tính chất Đông Nam Á của Việt Nam được biểu hiện sinh động bấy nhiêu, nó cho phép giữ khoảng cách với chứng tự si Việt tâm luận, thích lấy người Kinh/Việt làm chủ thể quan sát Việt Nam. Cũng như tránh được lối quan sát đã thành nếp tư duy, khi chỉ xem văn minh Việt Nam như là một “sản phẩm” của Hán hóa”. Quả thực, khi viết “Khai nguyên rồng tiên”, Nguyễn Mạnh Tiến vẫn luôn đặt mình ở vị trí là “người lội ngược dòng” đơn độc, vừa bám vào các kiến thức nền, lịch sử vấn đề, tổng thuật từ những nguồn tư liệu chọn lọc vừa cố gắng vượt thoát, sắp xếp, hiệu đính lại những hiểu biết còn mơ hồ, chưa đúng, chưa hợp lí về huyền thoại “con rồng cháu tiên” và các nghiên cứu, biên khảo dân tộc học miền núi xứ Thanh đã có từ trước. “Khai nguyên tiên rồng” tựa như một cánh cửa vững chắc, rộng mở giúp bạn đọc “vượt qua sự lướt qua”, “sự san phẳng các dấu hiệu tộc người, kinh hóa các diện mạo thiểu số” vốn đang là định dạng mới ở miền núi để có thể “đi sâu hơn vào đời sống các cộng đồng dân cư nơi đây” và nhận ra “các giá trị tộc người vẫn còn đó”. Mục đích cuối cùng là chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị tộc người ấy như bảo vệ một phần lịch sử - văn hóa – linh hồn Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]