(Baothanhhoa.vn) - Được vun đắp, tích lũy và trao truyền qua dặm dài lịch sử, văn hóa đã trở thành bề dày, chiều sâu trong đời sống tinh thần dân tộc. Vậy nên, mới có nhận định rằng, “lịch sử văn hóa của một dân tộc là lịch sử tinh thần và tâm hồn của dân tộc đó”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mạch nguồn văn hóa xứ Thanh

Được vun đắp, tích lũy và trao truyền qua dặm dài lịch sử, văn hóa đã trở thành bề dày, chiều sâu trong đời sống tinh thần dân tộc. Vậy nên, mới có nhận định rằng, “lịch sử văn hóa của một dân tộc là lịch sử tinh thần và tâm hồn của dân tộc đó”!

Mạch nguồn văn hóa xứ Thanh

Tế nữ quan trong lễ hội Lê Hoàn.

Trên “bức khảm tinh thần” mang tên văn hóa Việt Nam, xứ Thanh góp vào nhiều nét chạm vừa tinh tế - thể hiện một trình độ sáng tạo và thụ hưởng văn hóa ở trình độ cao; vừa mộc mạc – như chính bản tính dung dị và chất phác của đất và người vậy. Nói đến văn hóa xứ Thanh là nói đến một kho tàng di sản hết sức phong phú và giàu giá trị. Bởi, dù xét ở góc độ nào, theo chiều sâu hay bề rộng, theo không gian hay thời gian, văn hóa xứ sở này đều tỏa rạng ánh sáng lấp lánh. Ở chiều sâu, đó là nhiều giá trị tinh hoa đã được khẳng định và đề cao, mà tiêu biểu hơn cả là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, đền Bà Triệu và hang Con Moong; hay nhiều bảo vật quốc gia quý và một nền nghệ thuật biểu diễn đặc sắc, độc đáo, riêng biệt, mà hai trong số nhiều cái tên điển hình phải kể đến là di sản phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả và Dân ca - dân vũ Đông Anh.

Trên bề rộng, văn hóa xứ Thanh cũng được thể hiện rõ trong cách thức con người ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội; hay thông qua văn hóa giao tiếp, văn hóa giao thương buôn bán... mà phần nào “bản tính” con người và vùng đất này được bộc lộ. Còn khi nhìn theo chiều kích không gian, thì văn hóa xứ Thanh là sự kết hợp hài hòa các đặc trưng văn hóa vùng miền (miền núi, miền biển, đồng bằng), hay dân tộc (văn hóa dân tộc Thái, Mường, Dao...). Và rồi, nếu “đo đếm” theo thời gian, Thanh Hóa không chỉ được biết đến như là “quê hương” của văn hóa Đông Sơn; mà trước văn hóa Đông Sơn, dọc đôi bờ sông Mã, nhiều nền văn hóa cổ có tên Hoa Lộc, Đa Bút... cũng đã từng xuất hiện, tồn tại và tỏa sáng, để làm đầy hơn kho tàng văn hóa xứ Thanh nói riêng và văn hóa dân tộc Việt nói chung.

Từ góc độ hành chính, có quan điểm cho rằng, Thanh Hóa cùng với Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc khu vực miền Trung. Tuy nhiên, với đặc điểm địa lý và xã hội mang tính “giao thoa”, thì “gương mặt văn hóa” xứ Thanh vừa có nét tương đồng, vừa có sự khác biệt khi đặt nó cạnh hai vùng văn hóa Bắc bộ và Trung bộ. Trong đó, “nét Bắc bộ” có nhiều phần đậm đà hơn, bởi như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, xứ Thanh vốn nằm trong không gian văn hóa Việt Cổ. Đặc biệt, đây là vùng đất mà những dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn – một khởi nguồn của văn hóa Đại Việt, văn hóa Việt Nam ngày nay – được đánh giá là đậm đặc và giàu giá trị bậc nhất. Không gian văn hóa Đông Sơn bao trùm lên vùng văn hóa Bắc bộ và theo tiến trình lịch sử, cùng bước chân đoàn quân Nam tiến, mà lan truyền và in dấu trên dải đất miền Trung. Có thể nói, với độ bao phủ rộng khắp của văn hóa Đông Sơn - chạy một vệt dài từ Hoàng Liên Sơn phía Bắc vào đến Bình - Trị - Thiên ở phía Nam - thì không một nền văn hóa khảo cổ nào thuộc thời đại đồ đá mới và thời đại kim khí có thể so sánh được.

Bắt vào cái mạch nguồn ăm ắp phù sa văn hóa ấy, trải hàng nghìn năm tồn tại, vừa hòa hợp vừa chống chọi với thiên nhiên, con người nơi đây đã chắt chiu mà vun đắp một nền móng di sản văn hóa – gồm cả vật chất và tinh thần – tương đối dày dặn. C. Robequain trong công trình nghiên cứu hết sức công phu “Tỉnh Thanh Hóa”, đã đưa ra một kết luận khá thú vị, dựa trên sự phân bố dân cư, ngôn ngữ và các mối liên hệ giữa 3 tộc người Việt, Mường, Thái trên đất Thanh Hóa. Rằng, sau cuộc xâm lấn gọi là Việt tiến tới Thanh Hóa từ thế kỷ III TCN, các bộ tộc chiếm lĩnh châu thổ sông Mã và rìa tiếp cạnh gộp lại từ đầu kỷ nguyên, cùng với cả những cư dân ở phía Nam xứ Bắc Kỳ, thành một tập hợp tương đối thuần nhất những người tiền – Việt. Châu thổ dần dần được khai phá và trở thành đồng ruộng bao la, khi nền văn minh chuyển biến dần dần tiến tới nền văn minh Việt ngày nay.

Nền văn hóa – văn minh được hình thành trên xứ sở này, có sự dung nạp và giao hòa vô cùng sinh động của “12 xứ Láng, 18 xứ Neo”, cùng những xứ Thượng, xứ Mường, xứ Mẹo, xứ Thái. Đặc biệt, Thanh Hóa được biết đến như một vùng đất hiếm, khi là nơi phát tích của “3 dòng vua, 2 dòng chúa”, mà mỗi một triều đại đều ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Vậy mới nói, Thanh Hóa là điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa “đàng ngoài” và “đàng trong”. Cũng nhờ vậy mà mảnh đất nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã và tỏa rạng bởi nền văn hóa Đông Sơn này đã cần mẫn góp một nhánh riêng vào dòng sông di sản dân tộc, mang theo một lượng “phù sa văn hóa” phong phú, giàu giá trị và đậm đà bản sắc.

Cái yếu tố mang tên “bản sắc” có khả năng cái gọi tên “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc” ấy, không chỉ là những di sản vật thể, phi vật thể phong phú, với hơn nghìn di tích, hàng trăm lễ hội, trò chơi trò diễn dân gian, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật, ẩm thực, ngôn ngữ... mà còn là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự cường bất khuất, đạo lý uống nước nhớ nguồn sâu sắc; là tinh thần khoan dung, nhân ái từ lối sống nghĩa tình, trọng hòa hiếu, yêu hòa bình... Vậy mới nói, nếu văn hóa là tấm gương phản ánh những biểu hiện của niềm tin và những tập tục cổ truyền của một quốc gia, dân tộc; thì chính nó cũng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa hiểu biết về dân tộc ấy.

Và rồi, suy cho cùng thì văn hóa xứ Thanh khởi phát trong mạch nguồn văn hóa dân tộc – một nền văn hóa giàu tính nhân văn – đã và đang gánh lấy “sứ mệnh” của nó là vun đắp nên cái nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển bền vững!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Cương - 21:27 06/02/19

 Trả lời

Văn từ khó hiểu...; nên viết đại chúng hơn !

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]