(Baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh, có không ít ví dụ nổi bật, có thể gọi tên bản sắc, nâng tầm giá trị và phản ánh chân thực chiều sâu văn hóa vùng đất này. Với vị thế của nhân vật thờ phụng được lịch sử ghi danh, hậu thế ngưỡng vọng và giá trị to lớn của quần thể kiến trúc – nghệ thuật khu di tích, lễ hội Bà Triệu xứng đáng là một nét bút đậm đà bản sắc trên nền bức tranh văn hóa xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Bà Triệu: Một nét bút đậm đà bản sắc trên nền bức tranh văn hóa xứ Thanh

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh, có không ít ví dụ nổi bật, có thể gọi tên bản sắc, nâng tầm giá trị và phản ánh chân thực chiều sâu văn hóa vùng đất này. Với vị thế của nhân vật thờ phụng được lịch sử ghi danh, hậu thế ngưỡng vọng và giá trị to lớn của quần thể kiến trúc – nghệ thuật khu di tích, lễ hội Bà Triệu xứng đáng là một nét bút đậm đà bản sắc trên nền bức tranh văn hóa xứ Thanh.

Lễ hội Bà Triệu: Một nét bút đậm đà bản sắc trên nền bức tranh văn hóa xứ Thanh

Đền thờ Bà Triệu.

Dưới ách thống trị của nhà Ngô (từ năm 220), dân tộc ta chìm trong đau thương, lầm than, nhân dân chịu cảnh sống trăm cay, ngàn đắng. Hàng ngàn trai tráng bị bọn thứ sử, thái thú xích trói, bắt đem sang Ngô bổ sung vào quân đội và trở thành “bia thịt” trong các cuộc hỗn chiến triền miên giữa 3 nước Ngụy, Thục, Ngô. Nhà Ngô còn bắt hàng vạn thợ thủ công Giao Châu đưa lên phía Bắc, để xây dựng kinh đô. Chưa hết, không chỉ ra sức bắt phu, bắt lính, chúng còn lùng sục, vơ vét cạn kiệt của cải, tài nguyên đưa lên phía Bắc. Hành động bạo ngược của kẻ thù đã dấy lên ngọn cửa căm hờn và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta. Các cuộc bạo động diễn ra khắp nơi khiến bọn quan cai trị đã phải thốt lên “Giao Châu đất rộng, người đông, hiểm trở, độc địa, dân xứ ấy hay sinh loạn, rất khó cai trị”. Trong nhiều phong trào nổi dậy thời bấy giờ, cuộc khởi nghĩa do Triệu Thị Trinh khởi xướng và lãnh đạo, đã gây tiếng vang lớn, khiến toàn “Giao Châu chấn động”.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra năm 248, bắt đầu từ Cửu Chân rồi nhanh chóng lan ra khắp cả nước. Khí thế mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa đã buộc nhà Ngô phải cử Lục Dận, một viên tướng kỳ cựu trận mạc, lắm mưu nhiều kế đem quân xuống đàn áp. Sau trận quyết chiến ác liệt tại vùng đất Bồ Điền (huyện Hậu Lộc), bà Triệu đã anh dũng hy sinh trên núi Tùng. Tuy không phá tan được xiềng xích nô lệ hà khắc của nhà Ngô, nhưng cuộc khởi nghĩa ví như tia chớp đã rạch một đường sáng chói lọi, lên nền trời tăm tối Bắc thuộc. Đồng thời, phản ánh ý chí và khát khao giành tự do, độc lập của toàn thể dân tộc. Đặc biệt hơn, cuộc khởi nghĩa ví như cơn sóng dữ ấy, lại được khởi xướng và lãnh đạo bởi người con gái trẻ trung, mang khí phách hào sảng “cưỡi gió mạnh”, “đạp sóng dữ”, “cởi ách nô lệ”, “giành lại giang sơn”. Có thể nói, sự nghiệp cao cả và khát vọng lớn lao của bà Triệu đã vượt ra ngoài khuôn khổ giới tính, thân phận, thời đại để ghi một dấu son đỏ vào tiến trình lịch sử dân tộc.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Nhụy Kiều tướng quân, làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) đã lập đền thờ bà tại chân núi Gai, xây lăng mộ trên đỉnh Na Lĩnh (núi Tùng), tôn bà là Thành hoàng làng và tổ chức chính hội nhằm ngày 22-2 âm lịch hàng năm. Đền thờ Bà Triệu có lịch sử lâu đời, lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp bằng tranh. Trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền thờ đã có được dáng dấp như hiện tại, với kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung bộ. Toàn bộ khu di tích tọa lạc trên diện tích gần 4ha, bao gồm các hạng mục cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Với công lao, sức ảnh hưởng to lớn của nhân vật lịch sử và giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích, năm 2015, toàn bộ khu đền thờ Bà Triệu (gồm đền, lăng và đình) đã được vinh danh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Bà Triệu là một trong những lễ hội lớn nhất của xứ Thanh. Lễ hội có sức lan tỏa và thu hút đông đảo khách thập phương, nhờ bởi sự linh thiêng của nhân vật được thờ phụng, vẻ đẹp hữu tình của phong cảnh thiên nhiên và hệ thống kiến trúc nghệ thuật trong khu di tích. Thường vào những năm chẵn, lễ hội sẽ được tổ chức long trọng, với đầy đủ các nghi thức đặc trưng nhất là đại tế và rước bóng. Trước đây, hội đồng tế do hội bô lão và hội đồng khánh tiết làng Phú Điền xét chọn và tiến cử cho làng. Trước khi tiến hành đại tế, người ta tổ chức lễ Mộc dục, một nghi thức quan trọng, diễn ra vào nửa đêm 18-2 âm lịch. Thủ từ lấy nước mưa hoặc nước sông lau rửa tượng và thần vị, sau đó dùng nước ngũ vị hương dội lên, thay áo mũ rồi tổ chức tế gia quan. Lễ tế chính thức diễn ra ở đền thờ và đình Phú Điền. Đội tế gồm chủ tế, 2 bồi tế, 1 đông xướng, 1 tây xướng, 2 nội tán và từ 10 - 12 chấp sự. Các nghi thức trong lễ tế vô cùng trang trọng, bày tỏ sự ngưỡng vọng, thành kính, biết ơn của hậu thế đối với công đức của tiền nhân. Đồng thời, gửi gắm khát vọng quốc thái dân an và đời sống ấm no an lạc của con người.

Bên cạnh nghi thức phần lễ, thì một điểm nhấn đặc trưng nhất của lễ hội Bà Triệu là nghi thức rước bóng (rước kiệu) linh thiêng. Người ta phải chọn giờ hoàng đạo để thực hiện nghi thức và thường chọn rước giờ Dần, về giờ Dậu. Đoàn rước gồm đội cờ đi trước với cờ tiết, cờ mạo, cờ ngũ hành, cờ tứ linh; tiếp đến là biển gỗ sơn son thếp vàng; ban chinh cổ (trống, chiêng); đội chấp kích và đồ bát bửu; theo sau là kiệu hương án và phường Đồng Văn; tiếp đó là kiệu bát cống rước Vua Bà, kiệu song loan, kiệu long đình, kiệu võng lần lượt theo sau kiệu bát cống. Đoàn rước bắt đầu từ đền Bà Triệu, tới đình Phú Điền rồi ra lăng mộ trên núi Tùng. Sau khi cử hành tất cả các nghi lễ, đoàn rước sẽ quay trở lại đền và làm lễ yên vị. Bên cạnh đó, phần hội trong lễ hội Bà Triệu trước đây, được xem là sân khấu trình diễn của nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của cư dân trong vùng. Điển hình là trò chơi, trò diễn dân gian như đánh bài điếm, nấu cơm thi, đánh đu dây, đánh cờ người... Đặc biệt làng Phú Điền dàn dựng nghi thức “Ngô Triệu giao quân”, nhằm khơi dậy hào khí xung trận chống kẻ thù của nghĩa quân theo Vua Bà.

Dù đã gần 18 thế kỷ trôi qua, kể từ cuộc khởi nghĩa được hậu thế ngợi ca “Na Sơn nhất phiến nhất hô thiên hạ biến” (một tiếng hô ở núi Nưa đã làm biến chuyển thiên hạ). Song ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của khởi nghĩa Bà Triệu, vẫn luôn là một chương chói lọi, trong cuốn biên niên sử chống giặc ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Để rồi, lễ hội Bà Triệu không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao của nhân vật lịch sử, vốn đã trở nên linh hóa, thần hóa trong tư tưởng và tâm thức dân gian. Mà hơn thế, sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng vốn là sự kết tinh và lan tỏa các giá trị tốt đẹp nhất thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, quả cảm, ý chí tự lực tự cường, lòng nhân ái... Tinh thần ấy được vun đắp, trao truyền và kế thừa suốt nhiều thế hệ, cho đến tận ngày nay. Để rồi, gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội, cũng là cách để hậu thế “kết nối” với quá khứ, để ngưỡng vọng tự hào. Đồng thời, cũng nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm kế tục người đi trước, để viết tiếp trang sử đổi mới cho quê hương.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]