(Baothanhhoa.vn) - Nổi danh cả nước về truyền thống hiếu học, Thanh Hóa là nơi có nhiều làng khoa bảng với bề dày truyền thống trong phong trào học hành, thi cử đỗ đạt. Từ bao giờ, sự học đã trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ, làng xã với biết bao nhân tài qua các triều đại. Và trong thời đại mới, lớp con cháu đời sau vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng của quê hương.

Làng khoa bảng, nét đẹp văn hóa xứ Thanh

Nổi danh cả nước về truyền thống hiếu học, Thanh Hóa là nơi có nhiều làng khoa bảng với bề dày truyền thống trong phong trào học hành, thi cử đỗ đạt. Từ bao giờ, sự học đã trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ, làng xã với biết bao nhân tài qua các triều đại. Và trong thời đại mới, lớp con cháu đời sau vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng của quê hương.

Làng khoa bảng, nét đẹp văn hóa xứ ThanhĐền thờ Nguyễn Văn Nghi, nơi tôn vinh tinh thần hiếu học của vùng đất Cổ Bôn.

Nói đến làng khoa bảng, không thể không nhắc đến làng Nguyệt Viên (TP Thanh Hóa), làng Phương Khê (Triệu Sơn), làng Cổ Bôn (Đông Sơn), làng Biện Thượng (Vĩnh Lộc)... Mỗi địa phương có những đặc trưng vùng miền khác nhau, điều kiện địa lý, kinh tế, dân cư cũng không đồng nhất nhưng điểm chung của các làng xã này đều là truyền thống hiếu học được lưu truyền và tiếp nối từ đời này qua đời khác.

Nằm yên bình bên dòng sông Mã hiền hòa, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) mang nhiều nét đẹp của sự giao thoa giữa nhịp sống phố phường hòa lẫn trong những không gian mộc mạc, giản dị đậm chất thôn quê. Ở đó có ngôi làng Nguyệt Viên, làng khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh đã sinh ra biết bao người con ưu tú, được nhiều người hết lòng ngưỡng mộ. Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến, xã Hoằng Quang có 21 người đỗ đại khoa, riêng làng Nguyệt Viên có đến 11 người. Và người đỗ đại khoa cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo, một người được sinh ra và lớn lên ở làng Nguyệt Viên. Ông cũng là người khởi đầu thắp lên ngọn lửa hiếu học của dòng họ Lê Viết tại quê hương và sau này được các thế hệ con cháu kế thừa, phát huy. Nhiều giáo sư, tiến sĩ của dòng tộc như: Lê Viết Lân, Lê Viết Ly, Lê Viết Bình, Lê Viết Khuyến... có những đóng góp nổi bật cho các ngành khoa học được vinh danh trong nước và trên thế giới. Hiện nhiều người vẫn đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy để truyền thụ lại kiến thức cho các sinh viên, nghiên cứu sinh ở khắp mọi nơi. Tại huyện Hoằng Hóa, Trường THPT Lê Viết Tạo và Trường Tiểu học Hoằng Quang là 2 đơn vị giáo dục được gia đình Giáo sư Lê Viết Ly, hậu duệ của cụ Lê Viết Tạo hỗ trợ xây dựng đang góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục và đào tạo huyện.

Như một mạch nguồn bồi đắp truyền thống đáng quý của làng Nguyệt Viên, các thế hệ con cháu nơi đây vẫn ngày ngày miệt mài bên sách vở để hướng tới một tương lai tươi sáng. Theo số liệu thống kê của xã Hoằng Quang, mỗi năm xã có hàng chục em học sinh thi đỗ đại học và cao đẳng, nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố, cấp tỉnh. Riêng trong năm học 2020-2021, toàn xã có 20 em thi đậu đại học, trong đó có một số em đạt điểm cao và đỗ vào các trường thuộc “top” trong cả nước.

Tự hào về quê hương “đất học” của mình, ông Nguyễn Văn Cư, một vị cao niên cho biết: “Để giữ được truyền thống hiếu học vững vàng, bản thân mỗi người con làng Nguyệt Viên từ thế hệ trước đến lớp về sau đều có sự nỗ lực không ngừng. Kinh tế thuần nông dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các bậc ông bà, cha mẹ luôn sát cánh, động viên, hỗ trợ con em mình cố gắng học tập thành tài. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài cũng được chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, sâu sát. Đây là những yếu tố then chốt làm nên một làng khoa bảng nhiều bề dày thành tích, vang danh suốt nhiều đời”.

Mảnh đất Phương Khê, xã Nông Trường (Triệu Sơn) - quê hương của người anh hùng Tô Vĩnh Diện là làng khoa bảng truyền thống vinh danh bởi nhiều hiền tài có tiếng trong các thời kỳ lịch sử Việt Nam. Cũng như làng Nguyệt Viên, truyền thống khoa bảng ở đất Phương Khê được xây đắp nên từ nhiều dòng họ, nhiều gia đình có người đỗ đạt nhưng nổi danh nhất vẫn là dòng họ Nguyễn Hà, trong đó tiêu biểu là vị Quốc sư, Tể tướng, Thái bảo Đại vương Nguyễn Hiệu.

Nguyễn Hiệu sinh năm 1674, đời Vua Lê Gia tông (1671 - 1675). Từ bé, Nguyễn Hiệu đã nổi tiếng là thần đồng và có lòng hiếu lễ với cha mẹ. Năm 21 tuổi, sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan với nhiều chức vụ quan trọng và giữ việc dạy học cho con chúa là tế tử Trịnh Giang. Truyền thống hiếu học của Nguyễn Hiệu đầu tiên được Nguyễn Hoàn, người con trai thông minh, đỗ đạt của mình kế thừa. Năm 1743, tại Thăng Long, Nguyễn Hoàn đã xuất sắc đỗ tiến sĩ, sau đó cũng được giữ nhiều chức vụ trong triều đình và là người thầy dạy học cho chúa Trịnh Sâm. Với vốn kiến thức uyên thâm, Nguyễn Hoàn đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị mà tiêu biểu là các cuốn: “Đại Việt lịch chiểu đăng khoa lục”, “Cổ lễ nhạc chương thi tập”, “Tiềm long thực lục”...

Kế tiếp những đời sau, trong dòng họ Nguyễn Hà còn có nhiều người thành danh khác. Chỉ tính riêng những người đỗ đạt dưới chế độ phong kiến cũng đã có tới 3 tiến sĩ, 29 cử nhân, 20 tú tài... Và các thế hệ con cháu về sau của dòng họ Nguyễn Hà cũng đã gặt hái được nhiều thành tích làm rạng danh tiên tổ với gần 120 người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sáng chế nổi tiếng đã và đang công tác tại các đơn vị trong và ngoài nước là minh chứng cho sự đỗ đạt, thành công trên con đường học vấn.

Trải qua bao thế hệ, những nét đẹp văn hóa ở các làng khoa bảng xứ Thanh vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Nhiều dòng họ đã biên soạn, xây dựng và thực hiện quy ước. Các cơ sở thờ tự, hệ thống từ đường, phần mộ danh nhân trong họ được bảo tồn, tôn tạo. Ban khuyến học, khuyến tài hoạt động quy củ nhằm khuyến khích, tuyên dương, hỗ trợ con em trong quá trình học tập và đạt thành tích cao trong thi cử... Một số địa phương có di tích thờ danh nhân văn hóa quê hương như: làng Biện Thượng, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) thờ Tiến sĩ Tống Duy Tân, làng Cổ Bôn, xã Đông Thanh (Đông Sơn) thờ Nguyễn Văn Nghi, người thầy dạy 2 vua... vào những ngày lễ lớn, dịp khai giảng, tổng kết năm học thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa. Qua đó, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất, ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận anh em họ hàng, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống.

Phát huy truyền thống hiếu học, các con cháu thế hệ hôm nay đã và đang nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác nhằm xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đây chính là nét đẹp văn hóa lâu bền, là dòng chảy lịch sử được các thế hệ rất mực gìn giữ.

Bài và ảnh:Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]