(Baothanhhoa.vn) - Không ít lần trong văn chương ta bị cuốn theo tâm trạng của các tác giả khi đất trời chuyển giao mùa. Với nhà thơ Trương Vạn Thành, thời khắc “mùa đông lại về” chính là cái cớ để lòng thi sĩ lắng lại gom hết về mình những rung cảm trước vạn vật, con người. Anh đã nghe lòng mình qua tiếng lá, tiếng sáo, tiếng gió, tiếng chim. Hơn thế còn nhập hồn vào hương sắc cuộc sống: màu rơm mới vàng ươm trải, ánh lửa hồng, hương gỗ thơm nồng... để hiểu hơn cái khắc khoải chia ly. Bài thơ chính là khúc ca giao mùa nhưng hơn hết là sự giao cảm của con người với con người . Một chút buồn xa vắng, hoài niệm không che giấu được những khát vọng dâng trào của tình yêu đôi lứa. Mùa đông trở nên ấm áp, nhân văn trong những câu thơ bình dị nhưng chân thành của nhà thơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khúc ngẫu cảm giao mùa

Không ít lần trong văn chương ta bị cuốn theo tâm trạng của các tác giả khi đất trời chuyển giao mùa. Với nhà thơ Trương Vạn Thành, thời khắc “mùa đông lại về” chính là cái cớ để lòng thi sĩ lắng lại gom hết về mình những rung cảm trước vạn vật, con người. Anh đã nghe lòng mình qua tiếng lá, tiếng sáo, tiếng gió, tiếng chim. Hơn thế còn nhập hồn vào hương sắc cuộc sống: màu rơm mới vàng ươm trải, ánh lửa hồng, hương gỗ thơm nồng... để hiểu hơn cái khắc khoải chia ly. Bài thơ chính là khúc ca giao mùa nhưng hơn hết là sự giao cảm của con người với con người . Một chút buồn xa vắng, hoài niệm không che giấu được những khát vọng dâng trào của tình yêu đôi lứa. Mùa đông trở nên ấm áp, nhân văn trong những câu thơ bình dị nhưng chân thành của nhà thơ.

Khúc ngẫu cảm giao mùaKhoảnh khắc, nét đẹp lúc giao mùa. Ảnh: Phạm Nam

Thu cứ thế một chiều lá đổ

Mở đầu bài thơ tác giả giống như một nhà quay phim cận cảnh để đặc tả cánh đồng quê cuối thu. Bài thơ mở đầu với một câu “trực quan sinh động”: Đồng làng giờ còn trơ gốc rạ. Đến câu thứ hai hiện thực đã được nhà thơ có sự kết hợp với “tư duy trìu tượng”: “gió bấc hú dài bãi sông”. “Hú dài” là âm thanh buồn đến nao lòng. Trong tiếng gió ta cảm nhận được sự dữ dội của thiên nhiên đến đâu, thì càng thấy cô liêu của con người đến đó. Bởi thế âm thanh này, không chỉ tác giả nghe thấy mà còn cảm thấy và nó đeo bám vào tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ. Có gì đó tiếc nuối, bâng khuâng, mênh mang nhưng rất rõ nét về sự tàn tạ, khác biệt. Chỉ một vài nét chấm phá ta hình dung ra bức tranh thu Việt Nam rất đặc trưng có rạ, có rơm, có hoa cúc, tiếng sáo, dây diều... Tâm trạng nhà thơ rõ hơn trong những câu thơ tiếp sau:

Những ngày thu bão giông

Hoa cúc rực rồi tàn trong nuối tiếc

Những lá không lời từ biệt

Ra đi trong mưa gió tơi bời.

Cái duyên của bài thơ này chính là tác giả đã cùng lúc tái hiện hai khoảnh khắc của mùa thu là “hoa cúc rực” và “tàn trong nuối tiếc”. Bởi thế đẹp và buồn cảm nhận chung về bài thơ. Cái buồn khắc khoải hơn khi chứng kiến những chiếc lá khô lìa cành. Nhất là rơi trong đêm giông gió càng não nuột. Rất ít khi có giông bão vào cuối thu. Phải chăng đó còn là gió giông của tâm trạng? Con người đang chất chứa trong lòng một nỗi lo âu, trống vắng. Ta đã từng nghe một tác giả thơ mới tả tiếng lá rơi: “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Đó là cái rơi nghiêng gợi cảm. Còn trong bài thơ này lá rơi như gãy quá phũ phàng. Đến mức lá lìa cành mà chưa kịp ngoái nhìn cành và còn bị mưa gió dập vùi “tơi bời”. Ta biết rằng hoa cúc nở rồi tàn theo quy luật. Không giông gió thì cũng không tránh khỏi “hoa nở, hoa tàn”. Nhưng nó tàn sớm hơn vì giông gió, bởi thế tâm trạng tiếc nuối được đẩy lên cao. Thi sĩ đã chấp nhận quy luật đời sống, tình yêu cũng giống như tự nhiên vậy:

Vẫn biết tình thu bay bổng tuyệt vời

Thì cũng lúc dây diều cuộn lại.

Hai câu thơ mộc mạc nhưng phản ánh được điệu yêu, cung bậc tình yêu với nhiều màu vẻ, vui buồn. Con người phải thích nghi và chấp nhận nó để không bị hững hụt, chênh vênh. Phải rất trải nghiệm và đầy lạc quan mới viết được câu thơ chạm được tâm tư nhiều người như thế này. Những câu thơ tiếp theo như một sự giãi bày:

Này tiếng sáo nỗi niềm chi ngân mãi

Ai ngóng chờ ai cuối sông Tương.

Âm thanh của tiếng sáo là âm thanh của tiếng lòng, nó hòa vào nhau thêm khắc khoải. Dư âm của tình yêu còn đó, người yêu đã ở phía bên kia sông. Con sông hiện thực hay con sông tâm trạng lúc này không còn quan trọng. Chỉ biết rằng nó đong đầy nỗi niềm và còn “ngân mãi” trong không gian xa xăm, dằng dặc, giông gió:

Em bên anh, hun hút con đường

Thu cứ thế, một chiều lá đổ

Tay em che ngọn đèn trước gió

Bài thơ nào anh viết giữa đêm giông?

“Thu cứ thế một chiều lá đổ”. Câu thơ có âm thanh, hình tượng. Một sự chuyển đổi của đất trời, cây cỏ? Hay lòng người đang rối bời trong tiếng lá? Đó là lúc lá chạm vào tâm hồn nhạy cảm của thi nhân. Nhưng chỉ tiếng lá không chưa đủ. Bài thơ sẽ đứt mạch nếu không có “tay em che ngọn đèn trước gió”. Một câu thơ đặt trong bối cảnh này như là ngọn lửa, hơi ấm của tình người tình yêu lúc nào cũng hiện hữu trên đời. Câu thơ sưởi ấm tâm hồn của thi sĩ, đưa anh về thực tại vào đúng khoảnh khắc giao mùa.

Mùa đông bên bếp lửa hồng - khúc ngẫu cảm giao mùa

Nếu phần đầu tác giả hướng cái nhìn về mùa thu nhiều kỷ niệm buồn, thì phần sau tác giả đưa ta vào không gian của mùa đông ấm áp, hạnh phúc. “Ngôi nhà cửa khép” đang đón mùa đông về, cảm nhận mùa đông qua cái rét mướt và “bóng người đi quấn quýt áo khăn”. “Ngôi nhà cửa khép rất gợi”, nó cho ta cảm nhận về một cuộc sống sinh động mà con người là chủ thể vừa muốn tận hưởng mùa đông lại vừa muốn sẻ chia với mọi người. Bởi thế vẫn nhìn thấy người đi ngoài đường kia. Nhưng kỳ thực tâm trạng chính là chờ “anh” về. Ngôi nhà cửa khép là không gian đầy ước vọng, nó chứa chan tình cảm, tình người, khát khao giao cảm, khát khao hạnh phúc, đầm ấm sum vầy. Cái nhân hậu của người phụ nữ hiện hữu trong những câu thơ sau:

Em như chim khuyên xây tổ ấm

Lòng lo âu mỗi bận gió lùa

Đăm đắm đợi anh bên bậu cửa

Cánh chim về ríu rít hoàng hôn.

“Em” được nhà thơ phác họa qua con mắt của người chồng đang hạnh phúc bên “tổ ấm” của mình nên câu thơ trẻ trung. Hơn thế còn nhí nhảnh, rộn ràng, ríu rít như chim khuyên về tổ lúc hoàng hôn. Cùng với đó là hai trạng thái “lo âu mỗi bận gió lùa” và “đăm đắm đợi anh bên bậu cửa” thì nhân vật “anh” đã mãn nguyện với hạnh phúc mà người vợ hiền mang lại. Bởi vậy ta nhận ra cái khoảng trống vắng, mộng mơ của mùa thu chỉ là thoảng qua, nó được lấp đầy khi anh về bên tổ ấm. Dường như anh lại càng có sự trân trọng hơn gấp bội khi hiểu được tình yêu của vợ dành cho mình mới thật chân thành ấm áp biết bao. Tâm hồn anh xốn xao khi nghĩ về những ngày gian khổ nhưng đẹp lãng mạn và đáng yêu vô cùng:

Anh chợt nhớ về những ngày ổ rơm

Rơm mới thơm, vàng ươm trải

Lòng như rơm vàng ấy

Từng cọng gầy thao thức ngóng trông.

“Những ngày ổ rơm” phải chăng đã xa lâu lắm, nhưng họ không thể quên khi nó gắn với tình yêu, với sự “đồng cam, cộng khổ” để có được hạnh phúc như hôm nay. Mùi rơm mới còn thoang thoảng đâu đây nhắc nhớ về kỷ niệm tươi nguyên thời trẻ. Tình yêu được gửi vào từng cọng rơm vàng là tư duy rất hồn hậu, thuần Việt mà Trương Vạn Thành đã chia sẻ cùng bạn đọc.

Ôi mùa đông, mùa đông

Bên bếp lửa hồng

Hương gỗ thơm nồng

Tí tách tình yêu thầm nói

Thì em hỡi cho thêm lửa củi

Ta hát bài ca mùa đông lại về.

Bài thơ kết đẹp trong không gian tuyệt vời, ấm áp. Mùa đông bên bếp lửa hồng, đó là không gian của đồng quê nhưng hơn thế đó là không gian của tình yêu. Bởi thế bài thơ cho ta cảm nhận cái sâu thẳm của con người dù lúc trẻ, lúc già muôn đời vẫn thế là khát khao hạnh phúc. Bài thơ chắp cánh cho niềm tin yêu cuộc sống. Nhất là nó mang thông điệp rất nhân văn trong hai câu thơ cuối: con người phải chủ động để tìm kiếm, gìn giữ hạnh phúc như sự tiếp lửa tình yêu. Mùa đông mang cái lạnh tự nhiên nhưng trở thành duyên cớ để siết chặt nhau hơn trong tình thân, tình nhà, tình chồng vợ... “Ôi mùa đông, mùa đông”, tiếng gọi ấy thân thương, gần gũi, quen thuộc, bởi con người ngóng đợi nó. Sự khát khao giao cảm với quá khứ, hiện tại và tương lai chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ lôi cuốn chúng ta vào một thế giới rất riêng tư nhưng lại có được sự đồng cảm của nhiều người.

“Mùa đông lại về” là bài thơ viết theo thể tự do nên không gò bó về niêm luật. Bài thơ lại là sự giao thoa của mùa thu và mùa đông, của quá khứ và hiện tại, tương lai. Bài thơ kết thúc ta vẫn hình dung tiếng lá đổ, cánh diều, tiếng sáo, bóng người chờ chồng bên bậu cửa, tiếng củi tí tách trong bếp lửa hồng thì thầm lời yêu... Bài thơ chưa thật cô đúc nhưng đã thành công vì xây dựng được những hình tượng bình dị mà gợi cảm như thế.

Nhà thơ Trương Vạn Thành chia sẻ: Có những lúc anh viết say sưa như trời định anh phải thế. Hiện thực va đập vào tâm hồn anh khiến anh có nhu cầu bày tỏ cảm nhận về thế giới xung quanh như sự thúc bách từ bên trong con người anh vậy. Bởi thế không ngạc nhiên khi chỉ trong vòng vài ba năm nay anh đã cho ra đời nhiều tập thơ. Từ “Chim họa mi sổ lồng” đến “Thơ viết trong đêm tình yêu” là sự chuyển đổi về cách tiếp cận hiện thực và ngôn ngữ thể hiện. Anh có sự chỉn chu hơn, rèn dũa hơn và đam mê hơn. Anh là doanh nhân, nhưng ta thấy ở anh có một tâm hồn nghệ sĩ và mong góp sức cho đời một tiếng thơ là rất quý. Mong anh tiếp tục có những bài thơ mới và hay, đáp lại sự yêu quý của bạn đọc.

Thy Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]