(Baothanhhoa.vn) - Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X - XIX là một sản phẩm của xã hội hoàng quyền, phụ quyền, nam quyền, là “mẫu hình nhân cách” được xã hội Đại Việt sử dụng nhằm “xây dựng căn cước văn hóa” thể hiện sự Nho giáo hóa nhìn từ phương diện ứng dụng, thực hành Nho giáo. “Tự sự của trinh tiết - nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX” của tác giả Phạm Văn Hưng là cuốn chuyên khảo dành nhiều tâm huyết, công phu, trân trọng khi nghiên cứu về vấn đề này.

“Tự sự của trinh tiết – nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX”:

Khi nam nhân bàn về vấn đề trinh tiết gắn với hình tượng nhân vật liệt nữ xưa

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X - XIX là một sản phẩm của xã hội hoàng quyền, phụ quyền, nam quyền, là “mẫu hình nhân cách” được xã hội Đại Việt sử dụng nhằm “xây dựng căn cước văn hóa” thể hiện sự Nho giáo hóa nhìn từ phương diện ứng dụng, thực hành Nho giáo. “Tự sự của trinh tiết - nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX” của tác giả Phạm Văn Hưng là cuốn chuyên khảo dành nhiều tâm huyết, công phu, trân trọng khi nghiên cứu về vấn đề này.

Khi nam nhân bàn về vấn đề trinh tiết gắn với hình tượng nhân vật liệt nữ xưaCuốn sách chuyên khảo “Tự sự của trinh tiết – nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) của tác giả Phạm Văn Hưng.

Hán Việt tự điển (Thiều Chửu), Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) và nhiều nhận định khác đều có chung cách hiểu về “liệt nữ” là: Chỉ người phụ nữ trọng nghĩa khinh sinh. Xã hội phong kiến cũng gọi người phụ nữ không chịu cải giá, hoặc không chịu bị làm nhục mà tuẫn thân là liệt nữ. Xã hội phong kiến xưa, với ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo, Tống Nho, đặc biệt coi trọng vấn đề trinh tiết, đề cao hình tượng liệt nữ. Trinh tiết đã được “thiêng hóa”, không đơn thuần là vấn đề sinh học, giới tính mà được đề cao thành đạo đức, nhân cách, thước đo chuẩn mực của người phụ nữ.

Từ những dẫn nhập ấy, tác giả Phạm Văn Hưng đã mở ra cánh cửa giúp bạn đọc có hình dung khái quát, nhận diện về nhân vật liệt nữ và những lát cắt cụ thể, chi tiết xoay quanh nhân vật này: “Một số vấn đề về phụ nữ dưới ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam” (chương 1), “Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XV” (chương 2), “Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XVI – XVIII” (chương 3), “Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XIX” (chương 4)...

Ở chương 1 - “Một số vấn đề về phụ nữ dưới ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam” cho thấy: Tư tưởng, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến thân phận người phụ nữ và “mối quan hệ giữa trung, hiếu, trinh là một mối quan tâm kéo dài qua nhiều thời đại”.

Trong quá trình hòa nhập khá gian truân của Nho giáo để trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam, vấn đề phụ nữ cũng vì thế mà có những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, dù ở Trung Quốc – cội nguồn Nho giáo hay khi được du nhập vào Việt Nam, vấn đề phụ nữ thường có mối quan hệ, gắn kết với mục đích chính trị, đạo đức, tôn giáo: “Trong mạch khẳng định truyền thống văn hiến của triều đại và quốc gia, nhà Nguyễn còn muốn mượn nhân vật liệt nữ như một đối trọng để so sánh mình với các triều đại trước cũng như so sánh với nhà Thanh (Trung Quốc). “Các triều đại quân chủ chuyên chế Việt Nam đã tiếp thu gần như trọn vẹn hình mẫu này với những ưu khuyết của nó để phục vụ mục đích xây dựng một xã hội nam quyền lấy vua, cha, chồng làm trung tâm mà ở đó địa vị của vua là tối thượng”. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc đời người phụ nữ xưa “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, “sau khi được nâng lên vị trí cao nhất với sự suy tôn của nhà Nguyễn, mẫu hình nhân cách này dần mất đi hào quang để rút khỏi hệ giá trị mà xã hội Việt Nam trong ngót một nghìn năm từng theo đuổi, dẫu những hệ lụy của nó cho tới tận thời hiện đại vẫn còn sâu đậm và dai dẳng”.

Sự khái quát ở chương 1 là bước đệm quan trọng, cung cấp kiến thức nền khá toàn diện và vững chắc để độc giả tiếp tục đi sâu vào nội dung các chương 2, 3, 4. Theo từng nhát cắt thời gian, từ nàng Mị Ê – liệt nữ “khai khoa” của văn chương Đại Việt (đầu thế kỷ XIV) đến nhân vật Lê thái hậu và Nguyễn thị, vợ Ngô Miễn trong “Nam ông mộng lục” (đầu thế kỷ XV), Thúy Kiều (Truyện Kiều, Nguyễn Du), nhân vật Đặng Thị Huệ trong “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô gia văn phái), hệ thống những truyện viết về người phụ nữ trinh liệt trong “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam liệt truyện”... đã cho thấy vấn đề phụ nữ, trinh tiết có lịch sử hình thành và phát triển xuyên suốt, gắn liền với tư tưởng, nhận thức của triều đại, thời đại.

Sự phát triển, biến đổi của hình tượng “liệt nữ” của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ X – XIX trong chuyên khảo của Phạm Văn Hưng cho thấy điều khá thú vị. Phần lớn các tác giả viết về nhân vật liệt nữ đều là các nhà nho nam giới. Trong xã hội phong kiến Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Tống Nho với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, vai trò, vị trí của người phụ nữ bị xem nhẹ, đối xử bất công. Tuy nhiên, vấn đề phụ nữ gắn với trinh tiết, nhất là sự hình thành và phát triển của hình tượng “liệt nữ” lại phục vụ cho mục đích chính trị, đạo đức, tôn giáo – rường cột của xã hội truyền thống xưa, thậm chí trở thành thước đo chuẩn mực, đánh giá sự thành công của vương triều về mặt quản lý xã hội, đề cao phong hóa.

Những nhân vật liệt nữ này tuy được tập trung đề cao về hành động “trọng nghĩa khinh sinh” nhưng lại không được chú ý xây dựng đời sống nội tâm, xa rời ngôn ngữ, cuộc sống đời thường. Bởi lẽ, các tác giả khi xây dựng hình tượng nhân vật này chú trọng việc “đề cao ý nghĩa việc làm của họ hơn là chờ đợi một sự chia sẻ về thân phận con người”. Trong khi đó, những nhân vật này “đủ mạnh mẽ khi dùng mạng sống để bảo toàn trinh tiết song lại quá yếu đuối trong việc đi ngược lại một tín điều đạo đức, đúng hơn là họ chưa bao giờ nghĩ đến việc phản biện lại những tín điều vững chãi đó”. Tác giả Phạm Văn Hưng đã sâu sắc nhận định rằng: “Đặt trong mối quan hệ liệt nữ - trung thần, người liệt nữ được lấy làm tiêu chuẩn tham chiếu để đánh giá nam giới và lý lịch chính trị của chồng không quan trọng bằng việc họ có thủ tiết với chồng hay không. Cũng vì thế mà trong lịch sử văn học, khi nào có nhu cầu giải phóng con người thì vấn đề đạo đức và thân phận người phụ nữ lại được đặt ra”.

Ngoài nội dung chính nằm ở các chương, tác giả xây dựng thêm phần phụ lục gồm một số tác phẩm và một số hình ảnh liên quan đến nội dung của chuyên khảo nhằm mở rộng thêm kênh tham khảo, phong phú thêm thực đơn vốn đã rất đa dạng.

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X - XIX là một sản phẩm của xã hội hoàng quyền, phụ quyền, nam quyền, là “mẫu hình nhân cách” được xã hội Đại Việt sử dụng nhằm “xây dựng căn cước văn hóa” thể hiện sự Nho giáo hóa nhìn từ phương diện ứng dụng, thực hành Nho giáo. Tuy có sự biến chuyển, không đồng đều qua các thời đại, giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng nó vẫn là “chủ đề bền vững” trong sáng tạo văn chương ở Việt Nam thế kỷ X – XIX với nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Với 41 tác phẩm được giới thiệu ở phần phụ lục, bạn đọc hiểu thêm cuộc đời, số phận của các nhân vật liệt nữ được xây dựng trong các tác phẩm ấy như: “Truyện bà phu nhân trinh liệt Mị Ê”, “Chuyện người con gái Nam Xương”, “Thiên Nam ngữ lục”, “Truyện Kiều”, “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Truyện Nhị độ mai”, “Lục Vân Tiên” , “Liệt nữ truyện”, “Đại Nam hạnh nghĩa liệt nữ truyện”, “Truyện Tống Trân – Cúc Hoa”, “Số đỏ”, “Bỉ vỏ”, “Tắt đèn”...

Thú vị hơn, trực quan hơn khi tác giả cung cấp cho bạn đọc một số hình ảnh liên quan đến nội dung chuyên khảo như: “Biển nêu khen Trinh tiết khả phong năm Minh Mạng thứ 11 (1830) trong Từ đường họ Nguyễn Huy (Can Lộc – Hà Tĩnh)”, “Biển nêu khen Tiết hạnh khả phong ban cho bà Tạ Thị Yến (Điện Bàn – Quảng Nam) năm Khải Định thứ 6 (1921) hay ảnh về “kẻ dâm ô tội đáng trói thả bè chuối đem trôi sông”... Những hình ảnh này như khẳng định sự tồn tại của hình tượng liệt nữ giữa cuộc sống đời thường để mỗi chúng ta càng thêm trân trọng, thấu hiểu người phụ nữ xưa.

Cùng với sự phát triển, thay đổi của thời đại luôn song hành với sự phát triển của văn học hay nói cách khác: Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực và thời đại. “Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, kiểu nhân vật liệt nữ có tiến trình vận động song hành với vận mệnh của văn học nhà Nho, thậm chí kéo dài thành vệt sang những năm đầu thế kỷ XX, ám ảnh cả trong văn học Việt Nam hiện đại những năm 1932 – 1945 khi công cuộc hiện đại hóa văn học đã diễn ra ồ ạt và mạnh mẽ. Ngay trong “giai đoạn văn học khẳng định con người” ở Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa trước thế kỷ XIX, nhân vật liệt nữ (một mô hình nhân cách tuân thủ những tín điều khắt khe nhất của đạo đức Nho giáo) lại xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết” – tác giả Phạm Văn Hưng viết. Do đó, “việc khép lại sự xuất hiện của kiểu nhân vật này trong văn học Việt Nam trung cận đại đánh dấu quá trình giải phóng nhân vật nữ khỏi chính họ, giải phóng văn học khỏi ảnh hưởng của Nho giáo để đi vào quỹ đạo hiện đại hóa”. Và chuyên khảo của tác giả Phạm Văn Hưng, thông qua việc đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu “nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X - XIX” đã cung cấp tài liệu, cái nhìn tổng quát giúp ta hiểu thêm về “tiến trình văn học Việt Nam trung đại và sự vận động của văn học Việt Nam hiện đại trong những ngày đầu tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của truyền thống văn học nhà nho, cũng như giúp người nghiên cứu có thêm tiêu chí đánh giá quá trình Nho giáo hóa bản thân đời sống văn học, cảm quan nhân đạo của các nhà văn, quá trình nhân đạo hóa – dân chủ hóa nền văn học Việt Nam”.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]