(Baothanhhoa.vn) - Chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mời nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa... là những cách làm mà huyện Như Thanh đang thực hiện để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cũng như nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Huyện Như Thanh: Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mời nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa... là những cách làm mà huyện Như Thanh đang thực hiện để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cũng như nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Huyện Như Thanh: Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu sốNhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Phúc được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Có dịp tham dự lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy ở làng Roộc Răm, xã Xuân Phúc, mới thấy được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là nét sinh hoạt văn hóa dân gian do cộng đồng người Thái sáng tạo từ lâu đời. Nguồn gốc của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy gắn với nghi thức thờ cúng thần linh và chữa bệnh cứu người của các ông mo, bà tày ở trong bản, mường. Trước kia, dân làng tổ chức vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại”, một năm làm “tiểu”. Những năm gần đây, dân làng còn kết hợp làm thêm tục lệ Lăm Chá Kin Chiêng Boọc Mạy vào dịp “Tết cơm mới” ngày 15 tháng 11 (âm lịch). Nét đặc sắc nhất trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy chính là việc hát múa dưới cây bông. Cây bông được làm bằng tre hoặc luồng gồm 9 tầng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Thông qua lễ hội này, toàn bộ đời sống của đồng bào dân tộc Thái được tái hiện, gồm: văn hóa sản xuất (các hoạt động kinh tế), văn hóa ứng xử (phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử) và các mối quan hệ về tự nhiên, xã hội, con người... Điều đáng nói là, lễ hội không chỉ có đồng bào dân tộc Thái mà còn thu hút đông bà con các dân tộc Mường, Kinh trên địa bàn đến tham dự. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” và hình thành nên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau tạo dựng cuộc sống của người dân làng Roộc Răm trong mấy trăm năm lịch sử.

Không chỉ ở làng Roộc Răm mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường trên địa bàn xã Xuân Phúc từ bao đời nay vẫn được người dân và chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, như: tiếng nói, chữ viết, lễ cưới hỏi, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới; cùng với các điệu múa, hát truyền thống, như: hát khặp, đánh cồng chiêng... Thời gian qua, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, xã luôn chú trọng xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân trên địa bàn. Ông Lê Đăng Tuyên, cán bộ văn hóa xã Xuân Phúc, chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã nói riêng và Nhân dân toàn xã nói chung càng tích cực hơn trong phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Bà con hưởng ứng và thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước thôn, làng; số người sinh con thứ ba giảm đáng kể; mâu thuẫn gia đình, làng xóm được giải quyết dứt điểm; nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số đã được loại bỏ. Hệ thống thiết chế văn hóa cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, 12/12 thôn trong xã đều có nhà văn hóa làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân”.

Như Thanh là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như: Thái, Mường, Thổ... Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng, cần được gìn giữ, phát huy. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Như Thanh, cho biết: Những năm qua, huyện chú trọng công tác tuyên truyền cho Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, khôi phục những lễ hội truyền thống như lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái; lễ hội cúng cơm mới của dân tộc Mường... Đầu năm 2021, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lớp tập huấn “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường” cho các xã Xuân Phúc, Xuân Thái, Hải Long, Xuân Khang, Phú Nhuận, Phượng Nghi, Cán Khê với gần 50 học viên, nghệ nhân và các hạt nhân văn hóa tiêu biểu ở cơ sở tham gia; tổ chức ra mắt câu lạc bộ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường tại Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh; tổ chức ra mắt câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng và hát ru Mường, tại thôn Phú Nhuận (xã Phú Nhuận); chỉ đạo các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Thái, Hải Long, Xuân Khang, Cán Khê thành lập câu lạc bộ khua luống, nhảy sạp, đánh cồng chiêng. Việc giữ gìn tiếng nói, trang phục, kiến trúc, ẩm thực, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm. Hiện nay, các thôn, bản đều thành lập các tổ, đội văn nghệ thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu với nhau và với các địa phương khác vào các dịp lễ, tết. Hàng năm, huyện cũng quan tâm hỗ trợ cho mỗi câu lạc bộ văn hóa dân tộc ở các địa phương với số tiền là 5 triệu đồng để mua sắm thêm nhạc cụ biểu diễn.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ hoạt động văn hóa. Toàn huyện hiện có 165/165 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao; có 4 sân vận động; 148 sân chơi, bãi tập... Cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Đến nay, toàn huyện có trên 80% gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Hầu hết các thôn, bản, khu phố đã xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước có hiệu quả; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó; những hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số dần bị bài trừ, xóa bỏ để hình thành nên nếp sống văn hóa, văn minh.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]