(Baothanhhoa.vn) - Đã từng có thời điểm, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở khu vực miền núi rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”. Thế nhưng, sau khi Chỉ thị số 03/CT-BĐVN của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ban hành ngày 8-3-2014 về Chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX, hoạt động tại các điểm BĐVHX vùng cao đã có nhiều thay đổi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi mới cho các điểm bưu điện văn hóa xã miền núi

Đã từng có thời điểm, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở khu vực miền núi rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”. Thế nhưng, sau khi Chỉ thị số 03/CT-BĐVN của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ban hành ngày 8-3-2014 về Chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX, hoạt động tại các điểm BĐVHX vùng cao đã có nhiều thay đổi.

Điểm bưu điện văn hóa xã Quang Hiến đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu bà con vùng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có 570 điểm BĐVHX, trong đó 11 huyện miền núi có 181 điểm. Sự ra đời và đi vào hoạt động của các điểm BĐVHX đã thể hiện được vai trò truyền tải thông tin, nhất là thông tin liên lạc, đưa người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận được với tri thức mới. Thông qua đó, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho mọi người dân vùng sâu, vùng xa. Những ngày đầu thành lập, các điểm BĐVHX tấp nập người qua lại, người dân xếp hàng chờ tới lượt gọi, nghe điện thoại của người thân từ phương xa. Cùng với đó là hình ảnh những cô bé, cậu bé háo hức trông chờ khi được xem những quyển truyện, những tờ báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi; những cô nhân viên BĐVHX tất bật bán tem thư, sách báo phục vụ người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các điểm giao dịch. Thế nhưng, những năm gần đây, trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, trong khi các dịch vụ, số sách báo tại các điểm bưu điện còn quá ít, nghèo nàn, lạc hậu khiến người dân không mặn mà với các điểm BĐVHX. Ở khu vực miền núi có lúc tưởng chừng các điểm BĐVHX không thể duy trì hoạt động.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03, diện mạo các điểm BĐVHX khu vực miền núi đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, bưu chính, các điểm BĐVHX đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại điện tử, chuyển phát hành chính công, cho vay tín dụng, chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện, bảo hiểm nhân thọ, chi trả lương hưu, chi trả bảo trợ xã hội, thu tiền điện... góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ, phổ cập mạng điện thoại di động. Chị Vi Thị Huyền, trưởng BĐVHX Quang Hiến (Lang Chánh) cho biết: Từ khi điểm BĐVHX hoạt động đa dịch vụ, không còn cảnh ngồi chờ khách hàng ghé thăm nữa, thay vào đó nhân viên bưu điện đến trực tiếp nhà dân, phát bưu phẩm, giúp linh hoạt trong công việc, lượng khách đến giao dịch ngày càng đông, do đó, nguồn thu của điểm BĐVHX tăng lên. Còn chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ BĐVHX Sơn Điện (huyện Quan Sơn) cho hay: Từ khi triển khai mô hình BĐVHX đa dịch vụ việc kinh doanh có nhiều khởi sắc hơn, doanh thu từ bán các mặt hàng tiêu dùng giúp chúng tôi tăng thêm nguồn thu nhập. Mỗi năm, Bưu điện tỉnh cũng mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, để chúng tôi nâng cao kiến thức giúp phục vụ bà con tốt hơn nên lượng khách đến giao dịch tại bưu điện tăng rõ rệt. Hơn nữa, cơ sở vật chất được cải thiện, nên thu hút được đông người dân đến giao dịch, truy cập internet, đọc sách báo, chuyển tiền, chuyển bưu phẩm...

Theo thống kê kết quả hoạt động kinh doanh của Bưu điện tỉnh, năm 2017, tổng doanh thu tại 181 điểm BĐVHX khu vực miền núi đạt 18,95 tỷ đồng, bằng 294% so với năm 2013 (thời điểm chưa triển khai Chỉ thị 03). Ông Trịnh Phương Nam, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: Phát triển điểm BĐVHX đa dịch vụ đối với các huyện miền núi khó khăn hơn huyện miền xuôi đó là về cơ sở hạ tầng phải đầu tư tương đối lớn, mặt bằng dân trí thấp nên rất khó trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, trong những năm qua, thực hiện chủ trương tái cấu trúc, thay đổi mô hình hoạt động, khắc phục tình trạng BĐVHX hoạt động kém hiệu quả, Bưu điện tỉnh đang phấn đấu xây dựng điểm BÐVHX ở các xã trên địa bàn các huyện miền núi trở thành thiết chế văn hóa gần gũi, thân thiện, hữu ích cho người dân. Ðể đạt được mục tiêu này, tất cả các điểm BÐVHX đều được đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, kết nối internet, trang bị nhiều đầu sách, ấn phẩm báo đa dạng, phát triển rộng khắp ở các xã, không những là điểm đến sinh hoạt văn hóa của nhân dân mà còn cung cấp nhiều dịch vụ công tiện ích trên địa bàn các huyện có địa hình rộng, giao thông còn nhiều khó khăn như các huyện vùng cao.

Có thể nhận thấy, chủ trương thực hiện đa dịch vụ ở điểm BĐVHX đã và đang mang lại nhiều khởi sắc trong hoạt động của điểm BĐVHX, làm thay đổi nhận thức về việc cung cấp sản phẩm dịch vụ bưu điện tại địa phương, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, các điểm BĐVHX không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mà còn là thiết chế văn hóa, là điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng cao.


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]