(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa trên địa bàn huyện Hậu Lộc đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống con người; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa luôn được huyện quan tâm thực hiện.

Hậu Lộc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa

Thời gian qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa trên địa bàn huyện Hậu Lộc đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống con người; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa luôn được huyện quan tâm thực hiện.

Hậu Lộc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóaNhà văn hóa thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc.

Xã Triệu Lộc hiện có 7/8 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Những năm qua, cùng với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, chất lượng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên. Nhất là sau khi thực hiện Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Hàng năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng xét tặng các danh hiệu văn hóa, đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công khai, công bằng, chính xác và thực hiện trên cơ sở tự nguyện; chỉ xét tặng khi các hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia và đảm bảo theo thang bảng điểm đúng quy định.

Cùng với đó, xã cũng phát huy tốt vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng trong các thôn. Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa cũng được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, tạo thành khối đại đoàn kết gắn bó giữa các hộ gia đình, tình làng nghĩa xóm được củng cố, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau được người dân chú trọng.

Trong năm qua, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn huyện Hậu Lộc tiếp tục phát triển, chất lượng các phong trào ngày càng được nâng lên. Để tạo hiệu ứng lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong mọi tầng lớp Nhân dân, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép phong trào trong các hội nghị, tích cực tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu và trong mọi hoạt động như: cùng nhau phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở; xây dựng gương người tốt và các điển hình tiên tiến; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ngoài ra, MTTQ và các ngành, đoàn thể đã có nhiều phong trào đem lại hiệu quả thiết thực; phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Dạy tốt học tốt”, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Xanh, sạch, đẹp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phụ nữ có các phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”...

Cùng với đó, huyện quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện nay, toàn huyện có 1 nhà văn hóa huyện, 23/23 nhà văn hóa xã, thị trấn. Nhiều nhà văn hóa đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, như bàn ghế, tăng âm, loa phát thanh, sách, ti vi, máy chiếu, máy tính... Trên địa bàn huyện còn có 279 công trình thể dục - thể thao cấp thôn, 262 sân thể thao chủ yếu phục vụ cho các môn, như bóng đá mini, bóng chuyền, cầu lông.

Để phong trào đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, trước hết, huyện xác định công tác bình xét các danh hiệu văn hóa cần đi vào thực chất, thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, căn cứ đúng tiêu chí đã được đưa ra, tạo động lực để người dân phấn đấu. Nhờ đó, chất lượng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa không ngừng được nâng lên. Trong năm 2021, toàn huyện có 42.905/46.128 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 93%. Có 145/153 thôn đăng ký xây dựng thôn văn hóa, đạt 94,7%.

Phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được phát huy, các làng, xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao trong dịp lễ, tết. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng chuyền hơi của người cao tuổi, câu lạc bộ cầu lông, quần vợt, xe đạp, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng... được thành lập và hoạt động thường xuyên, định kỳ tại nhà thi đấu, nhà văn hóa. Để nâng cao chất lượng phong trào và tạo điều kiện cho các thôn, làng có cơ hội gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết, các địa phương trong huyện đã tích cực tổ chức các cuộc thi đấu, giao lưu ý nghĩa, bổ ích.

Thông qua các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, xây dựng khu dân cư tiên tiến, xây dựng thôn, làng văn hóa, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư đã phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn bó, thắt chặt hơn. Môi trường, cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các đám cưới thực hiện theo nếp sống mới, bảo đảm trang trọng, gọn nhẹ và tiết kiệm. 100% đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh, không còn tình trạng ăn uống linh đình, phát nhạc tang, kèn trống quá giờ quy định.

Để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Toàn huyện hiện có 51 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều di tích đã và đang là điểm đến thu hút đông du khách như: chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Vích, đền Thánh Cả, nghinh môn thời Lý... Trên địa bàn huyện hiện có 13 lễ hội được tổ chức thường xuyên, trong đó có các lễ hội lớn như: Cầu Ngư, đền Bà Triệu, lễ hội chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, lễ hội đền Thánh Cả...

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện sẽ quyết liệt trong việc duy trì công nhận các danh hiệu văn hóa; tiếp tục giữ và nhân rộng các mô hình có hiệu quả về xây dựng đời sống văn hóa; chú trọng rà soát các chỉ tiêu gia đình văn hóa, làng văn hóa; xây dựng xã, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]