(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất Hậu Lộc là nơi phát tích nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, gắn với những sự kiện và nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để rồi, khi nhắc đến Hậu Lộc, người ta sẽ liên tưởng đến những tên đất, tên người đã trở thành tên của lịch sử, của văn hóa như Bà Triệu, Duy Tinh, Diêm Phố...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hậu Lộc - một vùng thắng tích

Vùng đất Hậu Lộc là nơi phát tích nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, gắn với những sự kiện và nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để rồi, khi nhắc đến Hậu Lộc, người ta sẽ liên tưởng đến những tên đất, tên người đã trở thành tên của lịch sử, của văn hóa như Bà Triệu, Duy Tinh, Diêm Phố...

Hậu Lộc - một vùng thắng tích

Tam quan trong quần thể di tích nghè – chùa – phủ – miếu xã Ngư Lộc. Ảnh: Khôi Nguyên

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lỵ sở của Thanh Hóa thời Lý được đặt ở vùng đất Duy Tinh (nay thuộc xã Thuần Lộc). Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, trấn thành Duy Tinh được xây dựng với nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế. Đặc biệt, vì là nơi hội tụ giao thương buôn bán nên Duy Tinh đã phát triển khá sầm uất: “Duy Tinh giáp bộ, giáp phường/ Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường liên thông/ Vui thay trên bến dưới sông/ Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây”. Đến thời Lê, khi trấn thành Thanh Hóa chuyển về đóng ở đất Dương Xá, thì vai trò trung tâm của Duy Tinh cũng mờ nhạt dần. Tuy nhiên, suốt nhiều thế kỷ giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của cả tỉnh, nên Duy Tinh vẫn còn lưu nhiều dấu ấn của một thời kỳ phát triển hưng thịnh. Đặc biệt, đây là mảnh đất của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu giá trị, mà một trong số đó phải kể đến là chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.

Chùa được xây dựng vào thời Lý, khoảng năm 1116 trên nền chùa cũ. Theo mô tả từ văn bia đặt tại chùa, thì đây là ngôi chùa bề thế, với “rường nhà cong cong như vảy rồng nhô ra sau mưa, ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe uốn lượn. Mái cong lấp lánh dưới mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió. Tường vách chạy xung quanh..., hành lang bao bọc 4 mùa hiên cửa thanh hư. Bên hữu có vườn thơm, phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi..., lại sắm đủ chiếu giường cho khách trọ nghỉ chân, lại xây đủ bếp núc cung cấp cho người thiền định...”. Dù trải qua trùng tu, song Sùng Nghiêm Diên Thánh vẫn được đánh giá là ngôi chùa thời Lý ở Thanh Hóa còn giữ được nhiều dấu tích và giá trị nguyên gốc về quy mô, cảnh quan, hiện vật kiến trúc (rồng, bia, chân tảng) và một số tượng pháp (bộ Tam Thế tọa trên tòa sen)... Ngôi chùa không chỉ là minh chứng sống động cho sự phát triển vùng đất Duy Tinh trong lịch sử; mà còn là di sản văn hóa vô giá, góp phần khẳng định về sự huy hoàng của nền văn hóa – văn minh Đại Việt ở Thanh Hóa dưới thời Lý.

Ai về Hậu Lộc mà chưa một lần ghé qua đền Bà Triệu, dâng một nén hương và lặng ngắm cảnh sắc tươi đẹp, thì thật phí hoài một chuyến hành trình. Vùng đất Bồ Điền (xã Triệu Lộc ngày nay) từng chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa một bên là nghĩa quân Bà Triệu - lực lượng còn mỏng, non kinh nghiệm chiến đấu, với một bên là đội quân xâm lược thiện chiến, đông đảo. Và dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa đã ảnh hưởng sâu rộng và có sức công phá mạnh mẽ để làm lung lay đến tận gốc rễ thành lũy đô hộ nhà Ngô thời bấy giờ. Ngày nay, nơi Bà Triệu yên nghỉ “sau có núi, trước có sông làm án, phong cảnh và giang san ấy làm nên công hầu, công tước”. Người làng Phú Điền tôn bà là Thành hoàng làng, lập đền thờ dưới chân núi Gai, xây lăng mộ trên đỉnh Na Lĩnh (thuộc núi Tùng) và tổ chức lễ hội nhằm ngày mất của bà (22-2 âm lịch). Đền Bà Triệu có lịch sử lâu đời, được người dân trong vùng xây dựng để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc họ Triệu. Lúc mới khởi dựng, đền chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời Lý, vua Lý Nam Đế đã cấp tiền cho dân làng sửa sang lại ngôi đền. Đến tận ngày nay, dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, song khu di tích đền Bà Triệu (gồm đền, lăng và đình làng Phú Điền), luôn khẳng định được giá trị to lớn và độc đáo về mặt lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Đây cũng là căn cứ để di tích này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc) từng được biết đến là làng có mật độ dân cư dày đặc bậc nhất huyện Hậu Lộc và tỉnh Thanh Hóa. Song ngày nay, Diêm Phố được nhắc nhiều bởi đây là nơi phát tích của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Cầu Ngư và nơi đây còn tồn tại một quần thể di tích nghè – chùa – phủ - miếu hết sức độc đáo. Sự độc đáo thể hiện ở sự “tích hợp” của các kiến trúc thờ thần và thờ phật ngay trong một không gian. Song, mỗi khối kiến trúc vẫn được cấu tạo riêng, theo đặc điểm và lễ nghi của từng dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Nghè (hay đền) là nơi thờ Đức Thánh Cả (Tứ Vị Thánh nương), có kiến trúc vững chãi, uyển chuyển và đối xứng giữa nghè chính – tam quan – hai dải vũ. Chùa Liên Hoa có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, nằm sát nghè và hơi chếch về phía Tây Nam. Tam Quan trước chùa có 3 tầng gác, gác giữa treo một chiếc chuông đồng lớn. Phủ thờ thần Cá Ông nằm sát chùa Liên Hoa, bên trong có thờ bộ xương cá voi từ năm 1739. Miếu nằm cạnh phủ thờ Cá Ông, có kiến trúc rất nhỏ và là nơi đặt bài vị của 344 ngư dân Diêm Phố bị bão cuốn khi đi biển năm 1931. Đây là không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng – tâm linh hết sức trang nghiêm và linh thiêng của rất nhiều thế hệ cư dân ngư nghiệp Ngư Lộc. Địa danh này đang ngày càng thu hút du khách, đặc biệt là khi làng mở hội Cầu Ngư để tạ ơn thần linh và cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống an lành, no đủ.

...

Bên cạnh những địa danh hay di tích nổi bật như đền Bà Triệu, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh hay cụm di tích Diêm Phố; Hậu Lộc còn có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đa dạng, tươi đẹp và giàu giá trị. Đó là di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc nức tiếng với người trong giới nghiên cứu; cửa biển Lạch Trường mênh mang sóng nước; hòn Nẹ đã đi vào bài thơ nổi tiếng “Mẹ Tơm” của Tố Hữu... Với nguồn tài nguyên nhân văn giàu có và phong phú đó, những năm qua, huyện Hậu Lộc đã và đang chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng các cấp. Đồng thời, quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích. Đây là cơ sở để địa phương từng bước khai thác giá trị các di sản và cảnh quan tươi đẹp, nhằm thu hút khách thập phương xa gần và tạo tiền đề cho du lịch phát triển.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]