(Baothanhhoa.vn) - Tôi còn nhớ buổi chiều khi đứng trên bờ công sự cảnh giới, Xuân “ba toác” đã hô toáng lên:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hai lần hy sinh

Tôi còn nhớ buổi chiều khi đứng trên bờ công sự cảnh giới, Xuân “ba toác” đã hô toáng lên:

- Tiểu đội trưởng kìa! Phú “nháy” lên phép.

- Đâu? Cậu chỉ ba toác thôi! – Tôi nạt Xuân.

- Không phải Phú “nháy” còn ai kia?

Tôi ngó xuống phía chân đồi, Phú đang liu xiu đeo ba lô lên dốc, thấy nói Phú trả phép, Thêu “kều” từ hầm chui ra hỏi dồn:

- Đâu nào? Ba toác? Rồi Thêu ào xuống đón Phú từ triền dốc.

Tiểu đội mười bốn li vác của tôi còn có bốn người, kể cả Phú. Biết rằng Phú về phép thì chúng tôi phải trực nhiều hơn, nhưng ai cũng thấy mừng cho đồng đội. Kể ra chiến tranh chuyện phép tắc đâu còn nữa. Nhưng với Phú lại là chuyện khác, anh nhận được điện báo liên tục: “Mẹ ốm nặng con về ngay”. Mà Phú chỉ còn có người mẹ, bố mất từ khi anh còn ẵm ngửa, mẹ ở vậy nuôi con, có tiêu chuẩn đi lính đâu, nhưng khi biết Phú giấu nhà xin đi bộ đội, mẹ biết chỉ còn cách khóc.

Đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng như đã xa nhau lâu lắm. Những giây phút tếu táo cùng đồng đội qua đi, Phú bỗng ngồi trầm ngâm hơn. Chiếc áo bạt sột soạt, chiếc mũ sắt va đập vào bệ pháo. Ánh lửa chiếu vào khuôn mặt Phú hốc hác. Một cái gì đó, không rõ rệt trào lên trong tôi. Tại sao Phú mới đi có nửa phép mà đã về đơn vị. Hay có chuyện gì trắc trở trong gia đình? - Tôi thầm nghĩ trong lòng.

Nói là đơn vị nhưng chúng tôi có một tiểu đội pháo 14,5 ly. Nhiệm vụ là bắn máy bay bay thấp ở thượng nguồn sông Mã vào đánh cầu Hàm Rồng. Tiểu đội có bảy người nhưng hy sinh mất ba, chưa kịp bổ sung. Tôi được lên thay tiểu đội trưởng đã hy sinh. Phú thay tôi làm tiểu đội phó. Tuy vậy, chúng tôi sàn sàn tuổi nhau. Phú được ba tuổi quân, tôi hơn vài tháng. Xuân lính “thu dung”, lúc mới về đơn vị, Phú nắm lấy cổ áo, nháy mắt dõng dạc tuyên bố:

- Choảng nhau chết thì bỏ, nếu chạy là tao chúc nòng pháo xuống xả đạn đấy. Thêu cười đệm thêm: - Máy bay còn bắn rơi nữa là cậu!

Cả bọn cùng cười bò ra khi Xuân cởi ngay cái áo ra, mặt đỏ phừng phừng cáu:

- Các anh đừng coi thường thằng binh nhất này nhé! Mười chín phẩy năm phần trăm thương tật đấy, khinh không thèm nhận loại một đâu. Cũng vì vậy Xuân có cái tên Xuân – Ba - Toác, cũng có khi thuận miệng, Thêu gọi là “ngài binh nhất ba toác”. Lần đầu tiên gặp Phú, Xuân đã hỏi một cách ngây thơ:

- Anh nháy như thế làm sao bắn được máy bay?

- Chà! Cậu thật là...Tôi nháy một cái đến cậu còn rụng nữa là máy bay! – Phú tự phụ nói cùng Xuân.

Trưa đó, Phú dội một điểm xạ dài vào chiếc A3j từ phía Lèn bay vào làm Xuân phục xanh mắt.

****

Nhìn điếu thuốc cháy tôi biết Phú có điều gì không được vui. Phú quay hẳn người sang phía tôi, cởi chiếc áo bạt đặt lên ghế, với giọng nói hổn hển rất lạ:

- Hết rồi cậu ạ!

- Sao bà cụ khỏe rồi kia mà! – Tôi lo lắng hỏi.

- Chuyện vợ kia – vợ mình ấy mà!

- Sao?

- Có gì đáng nói nữa hả cậu?

Tôi ngồi lặng đi không biết động viên Phú ra sao. Những vì sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch nhìn chúng tôi. Đâu đó từ xa xôi tiếng ì ầm của máy bay vọng lại.

***

Đêm ấy mình về đến đầu làng với biết bao hồi hộp, háo hức, mong chờ. Trong lòng cứ vẩn lên từng suy nghĩ miên man, không đầu không cuối, đan mắc vào nhau như tơ trời. Hồi hộp quá. Mẹ mình ra sao rồi đây? Người vợ trẻ sau ba năm cách xa, chắc nóng lòng chờ mình. Cậu bảo chúng mình lấy nhau trong nhịp điệu của chiến tranh. Tuy thời gian tìm hiểu không lâu, nhưng mình tin vào cô ấy. Cậu đã nhìn ảnh rồi chứ? Bên ngoài con người còn xinh hơn kia. Hàm răng vợ mình cười ấy à, chắc cậu cũng mê. Đôi mắt mà nhìn ai ư? Mình tưởng là tan biến ra cái lần ấy. Cô ấy bảo mình sao lại nháy ấy mà, nhưng mà thôi nói làm gì về cái đẹp ấy nữa...

Qua con sông của làng tớ bằng một chiếc cầu, Phú vẫn tiếp tục câu chuyện trong cái giọng đều đều, thủ thỉ đến tội nghiệp ấy. Chiếc cầu làm từ thời thằng Pháp kia mà, nhưng ngày chưa đi lính bọn thanh niên chúng mình thường vẫn rủ nhau ra ngồi hóng mát. Nó là niềm tự hào của tụi chúng mình. Chiếc cầu ấy là nơi nối những tình yêu. Nhớ lại, cái đêm ấy, mình cùng mấy đứa bạn đi xem phim về. Trăng sáng quá, thú thật với cậu mình đoảng hay sao ấy, những đêm trăng ấy sao mà khó ngủ quá. Mình bị cái gì đó day dứt trong người. Mình tiếc cái gì không rõ rệt. Rằng mai sau khi rời khỏi trái đất này, ai sẽ là người đi ngắm trăng thay mình. Ai ở trên đời này có thể hiểu giống mình, có thể cùng mình nói được nỗi niềm ấp ủ này. Lại còn người mẹ mình nữa, cả đời góa bụa nuôi con. Quyết chí ra đi rồi, nhưng nghĩ lại thương mẹ. Nếu mình có mệnh hệ gì thì chắc mẹ sẽ chết mất. Nhưng cuộc đời có lẽ ngán nhất là bị cái buồn làm cho nhụt chí, thấy mình hèn kém, phải không cậu? Phú nháy nháy con mắt như mỉm cười với ai đó từ ở chốn xa xôi – anh lại châm thêm một điếu thuốc, rít hơi dài. Mình đã tưởng lấy về một nàng dâu là trọn hiếu với mẹ. Mình cứ ngỡ rằng, tình yêu trên đời này sẽ không bao giờ thay đổi, sẽ gắn kết người đi và người ở, xóa nhòa khoảng cách giữa kẻ tiền tuyến và người hậu phương. Nhưng cuộc đời vẫn luôn khắc nghiệt, cậu nhỉ?

Chúng tôi ngồi tâm sự với nhau dưới bầu trời đầy sao. Những vì sao sáng như những con mắt tinh nghịch nhìn chúng tôi. Đâu đó từ xa xôi tiếng ì ầm của máy bay vọng lại. Ánh lửa chập chờn soi khuôn mặt của Phú. Lần đầu tiên từ khi sống với Phú tôi cảm nhận rõ rệt sự thâm trầm, nét buồn phảng phất trong nụ cười của anh. Không hiểu sao một cảm giác nuối tiếc len lỏi trong tôi. Nhỡ mai kia chúng tôi không còn trên đời này nữa, có ai nhớ đến mình không?

Câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng bom rền. Xuân và Thêu chạy từ hầm ngủ ra pháo, giọng ngái ngủ chửi đổng:

- Tiên sư lũ chúng nó!

- Về vị trí đi! – Giọng Phú khô lạnh nhắc.

Tiếng kẻng báo yên từ phía cầu Hàm Rồng rộ lên. Tôi nói với Xuân và Thêu về hầm ngủ, tôi và Phú trực nốt phần đêm còn lại. Hai đứa ngồi trên mâm pháo, tâm trạng trống trơn một cách kỳ lạ. Tôi không muốn giục Phú kể tiếp vì sợ Phú buồn. Nhưng tôi lờ mờ đoán ra được điều gì đó.

Phú ngập ngừng nói nhỏ với tôi trên mâm pháo: - Chuyện của tôi ông đừng nói với các cậu ấy làm gì nhé!

- Ờ! Ông lại phải dặn! – Tôi đáp lại một cách chua xót.

- Là mình nói vậy! Còn không việc gì mà phải lo cả.

Không hiểu sao tôi muốn quát thật to lên cùng Phú, thôi mày đừng kể nữa làm gì. Chắc vợ mày đã bỏ mày để đi với trai rồi chứ gì, nhưng tôi lại kịp kìm lại khi nhìn thấy Phú hăng hái trên mâm pháo. Đời lính ra trận, nghĩ làm gì nhiều những phũ phàng ấy...

***

Tôi nhìn Phú lầm lũi lau pháo, không biết nên nói lời an ủi, động viên như thế nào. Tôi nhớ lại lời Phú tâm sự: Chính cái đêm được về phép, Phú đã bắt gặp vợ mình cùng một gã trai làng “quấn lấy nhau” ngay trên “cây cầu tình yêu” trước đây Phú và vợ đã thề non hẹn biển. Vợ Phú thú nhận đã có thai cùng gã đàn ông kia, chừng cũng đã được mấy tháng rồi. Vợ Phú nghẹn ngào nước mắt, Phú chết lặng trong lòng. Vợ Phú nói đã nhiều lần nghĩ đến cái chết vì cảm thấy day dứt, tội lỗi, không còn xứng đáng với tình yêu của Phú. Tôi không biết lúc bấy giờ Phú đã nghĩ gì, đã lấy đâu ra sức chịu đựng, lòng vị tha để khuyên vợ đừng làm chuyện dại dột, thương lấy đứa con mà tiếp tục sống. Nén nỗi đau trong lòng, không muốn làm mẹ già buồn lòng, Phú nói vợ cùng mình về gặp mẹ. Hai mẹ con gặp nhau sau bao ngày xa cách, mẹ già nước mắt lưng tròng, run rẩy đưa đôi bàn tay gầy, gân guốc ve vuốt khuôn mặt con trai. Phú nói với mẹ giọng nghèn nghẹn:

- Con xin mẹ đừng nói cùng ai con về!

- Sao lại thế hả con?

- Ăn với mẹ bữa cơm rồi con lại lên đường trở về đơn vị mẹ ạ!

- Con không ở lại lâu hơn được ư?

- Không mẹ ạ! Con gặp mẹ, thấy mẹ khỏe hơn là con an lòng rồi!

Phú quay mặt lại nhìn vợ đang đứng nép vào cánh cửa. Phú nói vợ cố gắng chăm lo cho mẹ rồi cất bước vội đi. Mẹ chẳng nói gì chỉ kéo vạt áo lau nước mắt...

***

Thằng Xuân ba toác phì phèo điếu thuốc lá nói giọng lù khú:

- Thế nào cụ Phú “nháy”, chuyến này bà chị có “cứt gián” chưa?

- Mày chỉ bố láo bố lếu! – Tôi lia mắt nhìn Xuân.

- Biết gì mà vẽ chuyện! – Thêu kều biết Phú không vui nên phụ họa.

Mặt trời bò lên chậm chạp từ phía Lạch Trường, chiếu đỏ rực cả khúc sông. Tiếng hò đâu đó từ phía làng Yên Vực vẳng sang, hư thực. Nhưng tiếng kẻng báo động rộ lên làm vang cả một vùng.

Lại vẫn giọng Xuân “ba toác”:

- Choảng nhau à! Choảng đi nào sợ gì?

Thôi “ngài binh nhất” chú ý kẻo thiếu đạn đấy! – Thêu nạt Xuân.

Trận địa pháo 100 và 57 đã nổi lửa rồi, những ánh chớp sáng rực cuồn cuộn đang dâng cao. Tôi cho pháo quay về phía thượng nguồn sông Mã đón lỏng. Tiếng Phú khẽ khàng:

- Bắt tiêu núi “Quyết tâm”!

- Chuẩn bị! Tiêu! – Thêu đáp lại ngắn gọn.

- Chiếc đầu tiêu xạ dài! – Tôi quát lên, tưởng chừng mọi người không nghe rõ tiếng mình!

- Tiêu!

- Bắn!

Tiếng quát của ai đó từ trận địa 54 dội lên:

- Cường kích cao điểm 134!

- Cường kích! – Tôi hô lạc cả giọng.

Phú quay pháo ngoắt lại 180 độ, chân dậm mạnh vào bàn cò. Xuân “ba toác” réo lên thất thanh:

- Bom!

Tôi chưa kịp ngoái lại thì Phú đã lao xuống khỏi mâm pháo cầm quả bi quẳng ra ngoài. Nhưng quả bi chỉ kịp chạm vào thành công sự đã nổ tóc ra hàng trăm mũi tên lửa bắn vào chúng tôi. Phú quay lưng lại ôm choàng lấy tôi. Anh như chiếc áo giáp nhận lấy những viên bi vào lưng vào gáy. Tôi chỉ kịp gào tên Phú trong đau đớn, xót xa.

Tôi và Xuân kịp khiêng anh vào hầm pháo. Thêu lên bờ công sự phất cờ lia lịa, tín hiệu xin cấp cứu. Nhưng muộn mất rồi, Phú mở mắt trừng trừng không nháy. Tay anh nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cuối xuống áp vào mặt anh gọi trong nước mắt:

- Phú ơi! Phú!

- Anh Phú! – Xuân òa lên khóc.

- Phú mắt nhắm nghiền lắc đầu thều thào: - Mẹ ơi!

Tôi nắm chặt lấy tay Phú cố gọi tên anh. Phú mở mắt nhìn tôi, nói rành rọt: “Con của Ngân (tên vợ của Phú) sắp ra đời – anh khai là con của Phú... hộ nhé... Đằng nào thì em cũng yêu cô ấy...”.

Tiếng bom bi đì đùng tiễn Phú vào nơi yên nghỉ cuối cùng, bên dòng sông Mã trong xanh, bên cầu Hàm Rồng hiên ngang đứng vững.

Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh


Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]