(Baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều nơi, nhà sàn đang dần bị tháo dỡ, thay thế bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố thì có tới 92% số hộ dân của xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đang sinh sống ở nhà sàn. Đây là một trong những xã còn nhiều nhà sàn nhất của đồng bào Mường trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là, nếp sinh hoạt trong nhà sàn của người Mường nơi đây là cả một câu chuyện về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Mường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn, phát huy văn hóa nhà sàn của người Mường ở xã Thạch Lâm

Trong khi nhiều nơi, nhà sàn đang dần bị tháo dỡ, thay thế bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố thì có tới 92% số hộ dân của xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đang sinh sống ở nhà sàn. Đây là một trong những xã còn nhiều nhà sàn nhất của đồng bào Mường trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là, nếp sinh hoạt trong nhà sàn của người Mường nơi đây là cả một câu chuyện về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Mường.

Những ngôi nhà sàn của người Mường.

Đối với đồng bào Mường nơi đây, nhà sàn là nét đặc trưng văn hóa, như hơi thở, nguồn mạch của dân tộc mình. Những nếp nhà sàn san sát, tựa vào những vạt đồi nhìn ra khe suối tưởng chừng như bình thường lại mang đến sự lôi cuốn, hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người về một vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Một trong những người nắm rõ đặc trưng văn hóa nhà sàn người Mường ở xã Thạch Lâm là ông Bùi Quý Ly, phó chủ tịch HĐND xã. Vừa nhâm nhi chén chè từ lá cây rừng được hái về từ dãy núi ở thôn Đăng, ông Ly vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nguồn gốc ngôi nhà sàn của người Mường. Xưa kia, khi tổ tiên người Mường lập địa, chưa biết phải dựng nhà như thế nào thì giữa cánh rừng đầy muông thú, một chú rùa xuất hiện với dáng vóc mạnh khỏe, di chuyển và bảo vệ cơ thể bên trong chắc chắn bởi bộ phận mai rùa. Quan sát thế đứng, đi của chú rùa này, tổ tiên người Mường liền có ý tưởng dựng nhà cho đồng bào mình theo dáng của chú rùa. Từ đó, nhà sàn của người Mường được xây dựng theo hình dáng con rùa với bốn chân rùa là bốn cột cái, hai mai rùa là hai mái nhà, xương sống rùa là đòn nóc...

Ông Ly nói: “Theo tìm hiểu lịch sử của người Mường tại Thanh Hóa thì người Mường ở Thạch Thành chủ yếu là từ tỉnh Hòa Bình di cư vào. Nhà sàn người Mường ở Thạch Lâm thường cao hơn so với nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ở một số nơi. Trước đây, những cột cái (cột chính) của ngôi nhà là cột to, tròn. Do chưa có dụng cụ để chế biến gỗ hiện đại như ngày nay, việc dựng nhà sàn đều được đẽo bằng búa, rìu nên những nét hoa văn trang trí rất đơn giản”.

Do đặc trưng của vùng đất Thạch Lâm có độ dốc cao, nên hầu hết người dân của bản, làng đều dựng nhà sàn ở các vị trí an toàn, tựa đồi, tựa núi. Theo truyền thống của người Mường thì gầm nhà sàn dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi. Các loại gỗ trước đây thường được đồng bào sử dụng để dựng nhà sàn là những loại gỗ tốt như sến, lim, trai... Đây là những loại gỗ để dựng cột, kèo, mặt sàn, vách. Tùy theo việc lưu trữ gỗ của mỗi gia đình mà sàn, vách nhà sàn còn có thể làm từ tre, luồng. Mái nhà được lợp bằng tranh, hoặc lá cọ. Tuổi thọ của những ngôi nhà sàn thường khoảng 60 đến 70 năm tùy thuộc vào từng loại gỗ.

Một trong những ngôi nhà sàn lâu đời nhất hiện nay ở xã Thạch Lâm đó là nhà sàn của gia đình anh Quách Văn Phương ở thôn Nghéo. Ngôi nhà sàn được dựng vững chãi, thoáng mát bên sườn đồi. Màu gỗ đã bạc, nhiều vị trí chân cột đang bị mại, mái ngói (thay cho mái cọ) cũng nhuốm rêu phong tạo thêm giá trị về thời gian cho ngôi nhà. Ngôi nhà được làm bằng gỗ trai, loại gỗ có độ bền cao. Khi làm nhà, gỗ được lấy về rồi xẻ bằng rìu, bào bằng tay. Để làm được ngôi nhà sàn này, gia đình anh Phương phải mất nhiều năm bởi vừa làm vừa dự trữ gỗ. Việc làm nhà ngày ấy chủ yếu bằng thủ công, nên những cánh cửa nhà, cột nhà, đến những hoa văn trang trí trên cửa sổ cũng đơn giản, thô sơ.

Hiểu được giá trị văn hóa của nhà sàn đồng bào Mường nơi đây, nhiều năm nay, chính quyền xã Thạch Lâm đã có chủ trương động viên người dân không tháo dỡ, bán, chuyển nhượng những nếp nhà sàn ra khỏi địa bàn xã; 100% nhà văn hóa thôn đều được xây dựng kiểu dáng nhà sàn của người Mường.

Giá trị văn hóa nhà sàn ở Thạch Lâm không chỉ ở những hoa văn, cột kèo, kiểu dáng mà trong mỗi nếp nhà sàn ấy giá trị văn hóa chính là ở cách thức sinh hoạt, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, nếp ăn, ngủ, thờ cúng... của người Mường cổ xưa vẫn được duy trì. Đó cũng chính là giá trị mà chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng đang cố gắng phát huy, gìn giữ.

Theo bà Quách Thị Vinh cùng ở thôn Nghéo thì, nhà sàn luôn có 2 cầu thang ở 2 cửa lên, xuống gồm: Cửa chính và cửa phụ. Cửa chính dành cho người lớn tuổi, khách trong gia đình đi lại. Cửa phụ dành cho con dâu và những khi trong nhà có việc, đi lại, lo những việc cơm nước để tránh ảnh hưởng đến khách hoặc người lớn trong nhà. Bậc cầu thang phải là số lẻ, bởi người Mường quan niệm rằng số lẻ theo quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình sẽ luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt... Việc bố trí nhiều cửa sổ để có thể quan sát được tất cả mọi việc diễn ra xung quanh. Những cửa sổ đem gió, ánh sáng chiếu đến mọi góc nhà như mang sức sống, luồng khí trong lành cho các thành viên trong gia đình mỗi ngày. Theo quan niệm của người Mường, chỉ những người cao tuổi mới được ngồi vị trí gần cửa sổ như để bảo vệ và đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống của cả gia đình...

Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết: Tập quán sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn đã tồn tại qua bao thế hệ người Mường. Vì vậy, ngày nay, nhiều gia đình mặc dù có điều kiện làm nhà xây nhưng vẫn giữ lại nếp nhà sàn bên cạnh để lưu giữ lại nét văn hóa của cha, ông. Trong điều kiện nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, việc dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ như người Mường xưa gặp nhiều khó khăn. Một số gia đình đã làm nhà theo hướng vừa kết hợp sử dụng gỗ và xây tường. Vật liệu làm nhà thay đổi nhưng kiểu dáng thì vẫn giữ nguyên kiểu nhà sàn người Mường xưa. Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống của người Mường, kết hợp với các địa danh như thác Mây, thiên nhiên thơ mộng, chính quyền địa phương đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng. Đây có thể coi là hướng phát triển kinh tế chính của xã Thạch Lâm.

Tại thôn Thượng và thôn Đăng có 100% người dân sinh sống trên nhà sàn. Nơi đây có thác Mây, một trong những thác nước đẹp bậc nhất trong tỉnh với chín bậc thác đổ và thường gọi là “chín bậc tình yêu”. Những ngôi nhà sàn đơn sơ xen giữa rừng, núi hùng vĩ cùng tiếng nước chảy róc rách của thác nước hòa lẫn trong tiếng chim muông, tạo nên một bản nhạc rất riêng khiến nhiều du khách đến đây vô cùng thích thú. Tại thôn Thượng hiện có 7 hộ nhà sàn kết hợp làm du lịch cộng đồng. Vào mùa hè, lượng khách du lịch khá đông, đặc biệt vào cuối tuần, số nhà sàn trên không đủ phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Anh Nguyễn Văn Thỏa, thôn Thượng, là một trong những gia đình làm du lịch cộng đồng tại Khu du lịch thác Mây, chia sẻ: Các thế hệ gia đình anh đã sinh sống ở vùng đất này cả trăm năm nay. Ngôi nhà sàn của gia đình anh được dựng lại từ năm 2007 và được khai thác phục vụ du lịch được 7 năm nay với các dịch vụ ăn, nghỉ tại nhà sàn. Vài năm lại đây, lượng khách du lịch đến tham quan tại thác Mây ngày càng đông. Mỗi ngày có tới vài trăm khách trong nước và quốc tế. Hầu hết khách du lịch đến đây đều thích trải nghiệm ở nhà sàn và ăn những món ăn đặc trưng của người dân tộc Mường. Những món ăn mang đậm bản sắc vùng miền được du khách yêu thích như: Ốc đá, cua đá, thịt trâu, cá suối... Khi khách nghỉ lại nhà sàn, được chúng tôi giới thiệu những sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mường. Sự thân thiện, gần gũi của các thành viên trong gia đình người Mường khiến cho khách đến nhà cảm thấy ấm áp, bình yên.


Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]