(Baothanhhoa.vn) - Chùa Trần thuộc làng Trần, tổng Ngọ Xá (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung). Sở dĩ có tên gọi chùa Trần, vì theo cách giải thích của dân gian thì chính ở khu đất này, ngôi nhà cổ từ thời Trần đã được xây dựng. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu ở các thời sau đó, nhưng người dân địa phương vẫn cứ quen gọi là chùa Trần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gác chuông chùa Trần - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung

Chùa Trần thuộc làng Trần, tổng Ngọ Xá (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung). Sở dĩ có tên gọi chùa Trần, vì theo cách giải thích của dân gian thì chính ở khu đất này, ngôi nhà cổ từ thời Trần đã được xây dựng. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu ở các thời sau đó, nhưng người dân địa phương vẫn cứ quen gọi là chùa Trần.

Gác chuông chùa Trần - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung

Gác chuông chùa Trần, xã Hà Ngọc (Hà Trung).

Theo tấm bia đá dựng ở chân đế gác chuông chùa, vào năm Thành Thái thứ 13 (tức năm Tân Sửu 1902) thì ngôi chùa có tên chữ là “Phúc Linh tự”. Việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa được hoàn thiện quy mô lớn đã được tiến hành vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo đó, việc trùng tu đã biết “dựa vào kiến trúc cổ, sáng tạo tân tiến theo vẻ đẹp của đạo Phật để vạn đời sau cùng giang sơn không hề phai mờ”. Khu đất xưa của ngôi chùa là một gò đất cao rộng. Ngôi chùa ngoảnh mặt về phía sông Lèn, lưng dựa vào núi. Từ chùa Trần đi theo các hướng sẽ đến nhiều di tích nổi tiếng lân cận như: đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, đền Hàn, đền Cô Bơ, Ly Cung, rừng sến Tam Quy, đình Gia Miêu...

Tại chùa Trần và nơi gác chuông, vào trung tuần tháng 10-1930 đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, với sự có mặt của cán bộ Xứ ủy Trung kỳ, hội nghị thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung được tổ chức. Các đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Văn Huệ, Mai Tự Cường, Đào Xuân Tỵ, Đào Văn Nghinh là những đảng viên cộng sản đầu tiên đã vinh dự được tham gia trực tiếp hội nghị lịch sử này. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phương đã được bầu làm bí thư chi bộ.

Việc ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung là một tất yếu lịch sử khách quan, đánh dấu bước ngoặt và sự thay đổi về chất của phong trào cách mạng ở huyện Hà Trung. Chính thức từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Hà Trung cùng Nhân dân cả nước bước vào cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc vô cùng gian lao nhưng hiển hách. Do điều kiện lịch sử đặc biệt và yếu tố bí mật của Đảng, chi bộ đầu tiên của huyện Hà Trung là cơ sở đảng độc lập được liên hệ trực tiếp với đường dây của Xứ ủy Trung kỳ. Mặc dù chưa liên hệ được với các cơ sở đảng khác trong tỉnh để hòa nhập một mối, nhưng với sự liên hệ và sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung kỳ, phong trào cách mạng của huyện Hà Trung vẫn phát triển đúng hướng.

Sau khi ra đời, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung đã tích cực mở rộng hoạt động, xây dựng và phát triển cơ sở đảng trong toàn huyện; đồng thời tìm cách bắt mối với nhiều cơ sở cách mạng ở các địa phương trong tỉnh để thống nhất hành động. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phát động phong trào đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Chi bộ chủ trương tổ chức rải truyền đơn ở nhiều địa điểm trong huyện để kêu gọi Nhân dân đấu tranh. Truyền đơn đã gây được tiếng vang lớn, uy tín và ảnh hưởng của Đảng đã được nhân rộng trong quần chúng, khiến kẻ thù hoang mang, lo sợ. Tri phủ Hà Trung lúc bấy giờ một mặt trình báo tình hình lên tổng đốc Thanh Hóa xin kế hoạch đối phó, một mặt tập trung lực lượng bắt bớ cán bộ cách mạng. Hệ thống kìm kẹp từ phủ đường đến làng xã được tổ chức chặt chẽ, riết ráo. Nhiều mật thám có máu mặt cũng được đưa về Hà Trung để lùng sục các cán bộ cách mạng. Trên trục đường từ phủ và các tổng, địch cho dựng nhiều bốt dã chiến để kiểm soát người qua lại. Trước sự điên cuồng chống phá phong trào cách mạng, những chiến sĩ cộng sản kiên cường đầu tiên của Hà Trung cùng với lực lượng cách mạng do Đảng bồi dưỡng và dìu dắt đã kịp thời tìm cách đối phó, làm hạn chế sự tổn thất cho phong trào vừa được dấy lên.

Mặc dù kẻ thù lùng sục suốt ngày đêm, nhưng do đảm bảo được yếu tố bí mật, các cơ sở cách mạng vẫn được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, hai đồng chí Nguyễn Văn Huệ và Đào Xuân Tỵ bị sa vào tay địch và bị đưa về giam tại nhà lao tỉnh.

Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Huệ từ nhà lao tỉnh trở về đã cùng các đồng chí nhóm họp để bàn biện pháp đối phó và chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Do có sự phối hợp một cách khéo léo, sáng tạo, nên tổ chức cơ sở đảng, cơ sở quần chúng cách mạng ở Hà Trung cơ bản vẫn được an toàn. Nhờ vậy, đến các thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939) và thời kỳ vận động giải phóng dân tộc (1939-1945), huyện Hà Trung trở thành một huyện có phong trào cách mạng vững mạnh.

Có thể khẳng định, sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung dưới sự chỉ đạo của đại diện Xứ ủy Trung kỳ ở chùa Trần, là một sự kiện quan trọng. Chính nhờ có chi bộ đầu tiên - một tổ chức cộng sản chân chính mà phong trào cách mạng Hà Trung từng bước đi lên từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ đấu tranh cục bộ, lẻ tẻ đến đấu tranh có tổ chức và có quy mô lớn. Những chiến sĩ cộng sản đầu tiên ấy đã đào tạo hàng loạt cán bộ và quần chúng cách mạng trung kiên. Trải qua 15 năm tranh đấu vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc (1930-1945), chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung đã tỏ rõ là lực lượng nòng cốt góp phần quyết định thúc đẩy phong trào cách mạng. Và trong suốt các thời kỳ đấu tranh cách mạng về sau này, tổ chức cơ sở đảng, tổ chức quần chúng và phong trào cách mạng của Hà Trung vẫn luôn phát triển vững mạnh.

Chùa Trần, do thời gian và chiến tranh nên đã thành phế tích. Những công trình kiến trúc như: Chùa, nhà tổ, phật tượng, hồ, giếng nước, cây cổ thụ, khuôn viên sân vườn đến tam quan đều không còn nữa. Rất may, trên khu đất chùa xưa vẫn còn một tầng của gác chuông và tấm bia đá thời Nguyễn ẩn giấu trong lùm cây. Riêng phần còn lại của gác chuông, khi đến tận nơi chúng ta mới có thể nhìn rõ đây là gác chuông hai tầng tám mái. Ở hai bên có hai lối cầu thang lên. Gác chuông được làm bằng gạch vồ thời Nguyễn và được gắn kết bởi vôi vữa, cát, mật và giấy bản. Đứng trên tầng một của tháp chuông, chúng ta vẫn có thể hình dung toàn bộ địa thế kiến trúc cảnh quan khu chùa Trần. Tấm bia đá thời Nguyễn dựng ngay dưới chân gác chuông còn ghi rõ năm trùng tu các hạng mục ở ngôi chùa và ghi tên những người đóng góp công đức. Gần đó vẫn còn 3 tháp xá lị (mộ nhà sư) trông còn nguyên vẹn cổ kính...

Năm 2000, gác chuông chùa Trần được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên - ngày truyền thống của Đảng bộ huyện Hà Trung (10-10-1930 – 10-10-2000), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hà Trung đã khởi công trùng tu, tôn tạo gác chuông và xây dựng nhà bia của chùa Trần. Song, từ đó đến nay các hạng mục khác của di tích vẫn chưa được tu bổ lại. Vì vậy, thiết nghĩ cần có sự quan tâm đầu tư xứng tầm hơn nữa, để di tích ngày càng phát huy giá trị, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]