(Baothanhhoa.vn) - Trong vài thập kỷ trở lại đây, du lịch sinh thái là một xu hướng du lịch tương đối phát triển. Theo đó, những khu vực còn giữ được sự cân bằng và đa dạng sinh thái, cũng là đang nắm giữ một lợi thế đặc biệt to lớn về du lịch, có thể thu hút nguồn khách lớn, lâu dài và ổn định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên

Trong vài thập kỷ trở lại đây, du lịch sinh thái là một xu hướng du lịch tương đối phát triển. Theo đó, những khu vực còn giữ được sự cân bằng và đa dạng sinh thái, cũng là đang nắm giữ một lợi thế đặc biệt to lớn về du lịch, có thể thu hút nguồn khách lớn, lâu dài và ổn định.

Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (Thường Xuân).

Trong định hướng phát triển du lịch sinh thái của Việt Nam, các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) được xác định là nguồn tài nguyên quý giá, cần được khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Hay nói cách khác, trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của du lịch, thì sự “bền vững” phải càng được xác định như một giá trị cốt lõi, mà nhân tố quyết định sự bền vững ấy đang xuất phát từ việc bảo vệ và khai thác hợp lý “vốn” đa dạng sinh học.

Thanh Hóa giàu tiềm năng du lịch, nhờ bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên và sinh thái hết sức phong phú, tập trung chủ yếu tại VQG Bến En và 3 KBTTN là Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên. KBTTN Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu, thuộc địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân (Thường Xuân). KBTTN này hiện đang bảo tồn một hệ động - thực vật rừng đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam, bao gồm 752 loài thực vật bậc cao có mạch (trong đó, 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới) và 55 loài thú, 136 loài chim... Cùng với đó, KBTTN còn có hệ thống thác nước và hang động đẹp mà không nhiều KBTTN hay VQG có được như thác Mù (thác 7 tầng), thác Tiên, thác Hón Yên, thác Hón Ý; hang Dơi, hang Cáu, hang Tình, hang Quan, hang Vua... Ngoài ra, hồ Cửa Đạt với diện tích mặt nước 2.828,6 ha là nơi gặp gỡ của nhiều dòng suối và thác nước, với cảnh quan thiên nhiên hữu tình và đặc biệt hấp dẫn.

Cũng như KBTTN Xuân Liên, VQG Bến En được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học với 1.417 loài thực vật và 1.530 loài động vật. Được ví như Vịnh Hạ Long của đại ngàn, Bến En hấp dẫn nhờ bởi cảnh quan thiên nhiên hồ và các đảo trên hồ, rừng và hang động thuộc các dãy núi đá vôi. Hồ Bến En có diện tích gần 3.000 ha, quy tụ 21 hòn đảo và bán đảo, được bao quanh bởi ba cánh cung tự nhiên núi đá - núi đất - rừng tạo đầy ngoạn mục. Trên các dãy núi đá vôi, dưới sự tác động của hiện tượng kaster và bào mòn tự nhiên, đã tạo nên nhiều hang động đẹp như hang Ngọc, hang Dơi, hang Suối Tiên... Để có định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Bến En đã xây dựng quy hoạch và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 12-7-2013 về việc Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng VQG Bến En đến năm 2020. Đây cũng chính là cơ sở để khai thác và phát triển tiềm năng, lợi thế to lớn của VQG Bến En phục vụ phát triển du lịch.

Có thể nói, việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên hay du lịch sinh thái, du lịch sinh thái – cộng đồng ở Việt Nam hiện nay là không mới. Song, với một tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Thanh Hoá, đây vẫn là sản phẩm cần được tiếp cận, bằng một chiến lược phát triển lâu dài, hiệu quả và bền vững. Trong thực tế, việc bước đầu xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, sinh thái – cộng đồng tại Bến En, Xuân Liên, Pù Luông, đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch này đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách du lịch trẻ. Đồng thời, một số điểm đến đang dần tạo được tiếng vang và là một mắt xích quan trọng trên dọc tuyến du lịch miền Tây xứ Thanh, đang góp phần làm đa dạng và phong phú hơn hệ thống sản phẩm du lịch Thanh Hoá, bên cạnh các sản phẩm du lịch biển - đảo và văn hoá – tâm linh.

Mặc dù vậy, những kết quả nêu trên chỉ là bước đầu, bởi các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác nguồn lợi đa dạng sinh học trong các KBTTN, VQG ở Thanh Hoá hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Đó là thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản (đường sá, viễn thông, điện, nước, xử lý chất thải...), thiếu các dịch vụ thiết yếu (vui chơi giải trí, mua sắm...), thiếu chiến lược maketing hiệu quả; bên cạnh các sản phẩm còn khá “thô sơ” và nguồn nhân lực, cơ chế quản lý điều hành, công tác tổ chức kết nối tour du lịch... vẫn còn không ít hạn chế. Đó là chưa kể, nếu không được quản lý và bảo vệ tốt, thì việc khai thác du lịch – mà cụ thể là lượng khách và các dự án hạ tầng, cơ sở vật chất được triển khai - sẽ tạo sức ép không nhỏ lên hệ sinh thái và môi trường trong KBTTN, VQG. Trong thực tế, điều này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ở nhiều KBTTN, VQG, mà VQG Cúc Phương là một điển hình về tình trạng khách du lịch đốt lửa trại, nhậu nhẹt, hát hò, đua xe... đã giẫm đạp lên cây cỏ, khiến thú rừng hoảng sợ và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Đa dạng sinh học được xem là “tiền vốn” quan trọng để phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Du lịch dựa vào thiên nhiên được xác định là một hợp phần của ngành du lịch, hay du lịch dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững. Muốn vậy, đó phải là du lịch có trách nhiệm, hướng đến mục tiêu vừa khai thác vừa bảo tồn môi trường và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương. “Bảo tồn đa dạng sinh học” và “du lịch bền vững” là 2 mệnh đề có mối liên hệ chặt chẽ, bền vững và tương trợ lẫn nhau, khi phát triển hoạt động du lịch phải bảo đảm việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, cũng theo nhiều chuyên gia trong ngành thì quan điểm “càng nhiều càng tốt” không nên trở thành một tiêu chí áp dụng cho các VQG, KBTTN. Sản phẩm này cần hướng đến và thu hút đối tượng du khách có hứng thú, có hiểu biết và có nhận thức trách nhiệm tốt về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, thay vì đặt lợi ích kinh tế lên trước thì việc bảo tồn hay tính toán hợp lý khả năng “chịu tải” của các VQG, KBTTN. Điều này không chỉ dựa trên các chính sách và năng lực quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà còn phụ thuộc vào ý thức của chính du khách.

Một sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở nguồn lực tự nhiên, thật khó để được xem là hấp dẫn nếu đó là những cánh rừng trơ trọc cây cỏ, những dòng suối và thác nước khô cạn, hay những bãi tắm bẩn thỉu. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chỉ ra rằng, một nền du lịch muốn bền vững phải sử dụng tốt các tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên thiên nhiên, với việc duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, cũng như duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên phải hướng tới bảo vệ môi trường sống một cách tốt nhất cho cả con người và hệ sinh thái tự nhiên. Để cụ thể hoá và hiện thực hoá mục tiêu đó, những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BTTN và đa dạng sinh học của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Du lịch và đặc biệt là Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này hướng đến mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững – gắn với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên - đã và đang được đặt ra như một trong những giải pháp quan trọng.

Đối với tỉnh Thanh Hoá, để du lịch sinh thái hay du lịch dựa vào thiên nhiên không chỉ là một sản phẩm trong hệ thống các sản phẩm du lịch; mà phải trở thành một sản phẩm chủ lực trong ngành kinh tế mũi nhọn của tương lai, thiết nghĩ, vấn đề này cần được tiếp cận một cách toàn diện, từ việc đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, sức cạnh tranh, thị trường khách...; đến việc xây dựng chính sách, quy hoạch du lịch hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, tăng cường đổi mới sản phẩm du lịch, mô hình kinh doanh và cách thức quản lý. Bên cạnh đó, du lịch muốn trở nên bền vững thì trước hết, đó phải là du lịch có trách nhiệm. Trong khi, muốn du lịch có trách nhiệm thì không thể không chú trọng đến cộng đồng địa phương – nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến việc giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch đến môi trường. Ngoài ra, cũng cần hướng đến khách du lịch, bằng cách truyền đến họ những thông điệp về du lịch văn hoá, về sự tận hưởng và tôn trọng dành cho điểm đến, đặc biệt là các VQG và KBTTN.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]