(Baothanhhoa.vn) - Đông Sơn - làng cổ với niên đại khoảng 2.500 năm, chứa đựng trong đó những trầm tích văn hóa, giá trị lịch sử về nguồn cội dân tộc. Vậy nhưng, chính cái làng đã được tự hào danh xưng “làng cổ” ấy đã và đang bị lãng quên bởi thời gian, bởi sự vô tình của con người với di sản...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đông Sơn – làng cổ bị lãng quên

Đông Sơn - làng cổ với niên đại khoảng 2.500 năm, chứa đựng trong đó những trầm tích văn hóa, giá trị lịch sử về nguồn cội dân tộc. Vậy nhưng, chính cái làng đã được tự hào danh xưng “làng cổ” ấy đã và đang bị lãng quên bởi thời gian, bởi sự vô tình của con người với di sản...

Nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ - căn nhà cổ còn nguyên trạng duy nhất ở làng cổ Đông Sơn.

Tiết trời tháng năm sau một ngày nóng oi ả thường xuất hiện những cơn mưa giông bất chợt vào cuối chiều. Bên trong căn nhà cổ đã gần 200 năm tuổi, bà Lê Thị Túc, 64 tuổi, làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) hiểu rằng một mùa mưa bão nữa lại sắp đến. Bà lo lắng cho căn nhà cổ của gia đình không còn đủ sức để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mới chỉ có mấy trận mưa nhỏ đầu mùa thôi mà trong nhà đã la liệt xoong, nồi, chậu để hứng nước mưa. Ấy vậy mà cũng không ngăn được mưa hắt vào, nước chảy lan ra khắp nền nhà. Bà Túc chỉ tay lên nóc nhà, mấy viên ngói tuổi đời ngót 200 năm đã vỡ, nắng dọi xuống. Mấy bức tường bong tróc vôi vữa, nhiều chỗ đã nứt to, chạy dài suốt từ trên xuống dưới. Anh Lương Trọng Hải – người con trai út có ý định tu sửa lại căn nhà bằng những vật liệu hiện đại nhưng bà không đồng ý. Bà sợ rằng nếu cứ thay thế dần những thớ gỗ, những viên ngói, những cánh cửa trong nhà bằng xi măng, sắt thép... thì ngôi nhà sẽ mất dần đi nét “cổ” của nó. Còn nếu muốn tu sửa lại ngôi nhà theo đúng nguyên bản thì chi phí thấp nhất cũng hơn 600 triệu đồng. Số tiền này vượt quá khả năng kinh tế gia đình. Mẹ không đồng ý, anh Hải đành lấy ngói ở căn nhà bếp đắp vào những chỗ mái nhà ở đã vỡ, đóng thêm đinh vào những cột nhà cứ động gió to là kêu cót két và “vá” lại các vết tường nứt bằng xi măng... Tuy nhiên, những sửa sang này cũng chỉ mang tính chất chắp vá, tạm thời.

Từng được đưa vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Đông Sơn, theo chính quyền địa phương cung cấp, hiện còn 13 ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, chỉ có 1 ngôi nhà của cụ Duệ, đã hơn 200 tuổi, nằm ở số 10 ngõ Trí, còn khá vững chãi. 12 ngôi nhà còn lại đều đã bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng và có thể sập, đổ bất cứ lúc nào. Những ngôi nhà này phải đứng trước 2 sự lựa chọn bất đắc dĩ hoặc chấp nhận sự xuống cấp hoặc cải tạo không theo ý muốn.

Hơn 5 năm trước, ngày 5-3-2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Quyết định ghi rõ: “Làng truyền thống Đông Sơn được cải tạo, chỉnh trang với hệ thống đường dạng xương cá, lát gạch chỉ xếp nghiêng, nhà được cải tạo theo kiến trúc truyền thống, xây cổng làng với cây đa, rặng tre... Cải tạo cánh đồng làng với quán nghỉ, cây đa... trên nguyên tắc tái hiện giá trị gốc của nền văn minh lúa nước nhằm tạo ra không gian làng gắn với đồng ruộng truyền thống”. Bà Túc cũng như nhiều chủ nhân khác của các ngôi nhà cổ khi đó đã hồ hởi hy vọng về một sự đổi mới. Rồi đây, làng Đông Sơn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi khách du lịch thập phương. Căn nhà của bà sẽ được Nhà nước hỗ trợ trùng tu để đón khách về tham quan, trải nghiệm... Đó có thể là những suy nghĩ lãng mạn nhưng không hề xa rời thực tế.

Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, việc triển khai vẫn nằm trên quy hoạch bởi nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Chủ nhân của các ngôi nhà cổ cũng không còn ấp ủ nhiều hy vọng. Trong khi tiếp tục đợi chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, ông Lương Trung - chủ nhân của ngôi nhà cổ 150 năm tuổi nằm cách nhà bà Túc 500 mét đã phải miễn cưỡng đập bỏ đi 2 trong số 5 gian nhà cổ của mình để “cứu” cho căn nhà không bị đổ sụp hoàn toàn. 3 gian nhà cổ còn lại vừa là chỗ ngủ, chỗ ăn cơm, chỗ tiếp khách, cũng là chỗ để mấy bao hành, bao ngô, bao lạc phơi khô – những tài sản quý giá nhất trong nhà. Nhiều lần con cái khuyên ông nên phá nhà cổ đi để xây nhà mới vì có ở cũng không an toàn nhưng ông không chịu. Với ông, căn nhà này, nhiều đời trong gia đình đã ở, dù còn một cái cột nhà ông cũng phải cố giữ cho bằng được.

Cùng với nhiều hang đá kỳ vĩ, chất chứa trong đó giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc và có giá trị lớn đối với du lịch như hang Cánh Tiên, hang Mắt Rồng, động Tiên Sơn... nhiều ngọn núi gắn liền với truyền thuyết cổ đại cũng như những chiến công trong thời hiện đại như núi Mã Yên, núi Con Công, núi Vàng Con, núi Cửa Roỏng (ngày nay được biết đến với tên gọi Đồi C4 gắn với những chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng)... tôn thêm vẻ đẹp của làng cổ Đông Sơn. Ấy vậy mà, giờ đây ngoài sự xuống cấp trầm trọng, những kiến trúc này đang dần bị phá vỡ bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố với đủ loại màu sắc, những nhà nghỉ hiện đại, nhà hàng, khu vui chơi,... đang mọc lên, dường như có phần mâu thuẫn với cảnh quan thiên nhiên bình yên, làm mất đi cái hồn thơ mộng nơi đây.

“Đến bao giờ thì dự án bảo tồn, tôn tạo làng cổ Đông Sơn mới được triển khai?” – đó là câu hỏi chung của người dân làng Đông Sơn. Bà Lê Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND TP Thanh Hóa, cho biết: “Phòng đã lập đề án bảo tồn nhà cổ tại làng cổ Đông Sơn. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên chưa thực hiện được.”...?

Nhưng ông Lương Nam Triều, trưởng làng Đông Sơn, cho biết: Gần 4 năm làm trưởng làng Đông Sơn, tôi chưa từng thấy có cuộc khảo sát nào đánh giá sự xuống cấp của các ngôi nhà cổ.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]