(Baothanhhoa.vn) - Từ một dữ kiện của đời sống hằng ngày hay từ những trang tư liệu lịch sử có phần khô cứng; qua lăng kính chủ quan và khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ đều có thể trở thành chi tiết nghệ thuật đắt giá, truyền tải thông điệp, nội dung tư tưởng cho tác phẩm. Đó là cách mà nhà văn Nguyễn Huy Cúc đã tạo giá trị, sức hấp dẫn của tập truyện “Người Lưỡng Bột”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đọc “Người Lưỡng Bột” của nhà văn Nguyễn Huy Cúc

Từ một dữ kiện của đời sống hằng ngày hay từ những trang tư liệu lịch sử có phần khô cứng; qua lăng kính chủ quan và khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ đều có thể trở thành chi tiết nghệ thuật đắt giá, truyền tải thông điệp, nội dung tư tưởng cho tác phẩm. Đó là cách mà nhà văn Nguyễn Huy Cúc đã tạo giá trị, sức hấp dẫn của tập truyện “Người Lưỡng Bột”.

Đọc “Người Lưỡng Bột” của nhà văn Nguyễn Huy Cúc

Từ truyện ngắn “Bạn đường” đến “Gặp lại người cùng binh trạm”, “Chuyện nhà bạn tôi” và truyện lịch sử “Người Lưỡng Bột”, người đọc dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi, giản dị mà không kém phần nhân văn, sâu sắc, tinh tế. Sự nhất quán ấy đã góp phần làm nổi bật hơn phong cách sáng tác, chân dung tinh thần của tác giả Nguyễn Huy Súc (bút danh Nguyễn Huy Cúc) – một bác sĩ, nhà văn của vùng “đất Trạng” nổi danh.

Chẳng nhân văn sao được khi mới đó thôi, bà Ứng và ông xích lô – những người “bạn đường” nghèo khó, có lúc phải căn ke từng đồng, từng cắc nhưng lại có thể dốc sức giúp nhau vượt qua quãng đường đầy rẫy hiểm nguy do bom đạn kẻ thù cày xới. Tình huống truyện được đẩy lên cao trào khi cả ông đạp xích lô và bà Ứng cùng phải đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết của đứa trẻ bị thương sau trận bắn phá ác liệt của kẻ thù. Trước sinh mạng của đứa trẻ, họ sẵn sàng hy sinh thân mình, chấp nhận vét sạch những đồng tiền cuối cùng để cứu giúp. Ông xích lô “bế xốc thằng bé lên, chạy thẳng ra xe. Bà Ứng chạy theo sau ông. Ông bảo bà Ứng ngồi lên xe rồi ông đặt thằng bé vào lòng bà. Ông nhảy lên xe, cố đạp. Phía sau ông lại có tiếng máy bay. Các ụ pháo ở các cánh đồng hai bên đường thi nhau nhả đạn. Tiếng nổ ở trên trời, tiếng nổ dưới đất đinh tai, nhức óc. Tiếng rơi của các mảnh đạn nghe lõm bõm dưới nước”. Người đọc cũng không thể quên được hình ảnh bà Ứng lo lắng, chạy đôn chạy đáo phía ngoài phòng mổ, lo cho thằng bé mà bà còn chẳng hề biết tên, tuổi hay quê quán ở đâu. Không chỉ là khúc ca chân thực, bình dị về tình người, tình đời; thông qua các chi tiết miêu tả, trần thuật được đan cài một cách khéo léo, truyện ngắn “Bạn đường” của nhà văn Nguyễn Huy Cúc tái hiện lại một phần nào đó không khí, bối cảnh của miền Bắc nước ta trong những năm tháng đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Mỹ: “Họ nói với nhau đủ chuyện: Chuyện làng xã, chuyện về những đứa con nhỏ của họ đội mũ rơm đến lớp học nửa nổi nửa chìm; chuyện thư của những người con đi B gửi về; chuyện những người ở nhà với việc cấy chăng dây thẳng hàng dưới trăng, chuyện ăn cơm dưới ánh pháo sáng xuyên vào nhà... “Bạn đường” là truyện ngắn viết về chiến tranh dưới góc nhìn nhân văn, xoáy sâu vào hiện thực đời sống để lẩy lên dư vị ngọt ngào, ấm áp của tình người, tình đời.

Bước ra khỏi hiện thực chiến tranh, nhà văn Nguyễn Huy Cúc dẫn dắt người đọc bước vào thời kỳ hậu chiến thông qua những cảnh đời khác nhau được khắc họa trong các truyện ngắn: “Gặp lại người cùng binh trạm”, “Chuyện nhà bạn tôi”. Vẫn là những cái nhìn xoáy sâu vào hiện thực cuộc sống; vẫn là những vụn vặt đời thường, nhà văn thể hiện nỗi niềm đau đáu, thấm đẫm nhân văn, chan chứa tình người. Đó là câu chuyện tình yêu dang dở, bị hiện thực tàn khốc của chiến tranh chia cắt. Nhưng định mệnh đã cho thêm một lần gặp lại – gặp lại để thấu hiểu và trân trọng nhau hơn. Quan trọng hơn tất thảy, họ gặp lại để cùng nghĩ tới một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn: “Phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Xử sự sao cho phù hợp với tiếng gọi của con tim, của đạo lý? Khó thật! Nhưng không phải là không làm được. Đó là việc nên làm và phải làm”. Hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã khiến biết bao mối tình của đôi lứa dở dang. Nhiều vô chừng, lịch sử nào có điểm mặt chỉ tên. Giữa đời thực, họ có thể sẽ lạc nhau mãi mãi. Nhưng trong thế giới sáng tạo nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Huy Cúc đã viết nên một cái kết trọn vẹn cho cuộc tình như một nguồn động lực, thắp sáng một niềm tin cho nhiều câu chuyện tình vẫn đang loay hoay giữa những lằn ranh của đạo lý, của tiếng gọi con tim...

Cũng là nỗi niềm trăn trở về hai chữ “đạo lý” nhưng ở truyện ngắn “Chuyện của nhà bạn tôi”, nhà văn Nguyễn Huy Cúc đề cập đến giá trị, nền tảng gia đình trước những biến ảo của thời cuộc. Cơn lốc kinh tế thị trường đe dọa cuốn phăng đi tất cả, đảo lộn những hệ giá trị vốn từ lâu được xem như “tế bào” của xã hội. Có thể nói, “cơn đau ấy” đã trở thành mạch nguồn cảm hứng sáng tác, góp phần tạo nên nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Tướng về hưu” – Nguyễn Huy Thiệp, “Mùa lá rụng trong vườn” – Ma Văn Kháng... Không gai góc, trần trụi như “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; không tầm vóc như “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng; đúng như tên gọi, “Chuyện nhà bạn tôi” được viết bằng chất giọng thủ thỉ, tâm tình giống như những người bạn thân thiết ngồi lại với nhau trút bầu tâm sự. Dù có thể hiện mình ở đề tài, thể loại nào đi chăng nữa, bạn đọc vẫn cảm nhận rất rõ cái giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, gần gũi ấy của nhà văn Nguyễn Huy Cúc. Đúng như người ta vẫn thường nhận định: Văn phong làm sao, nết người làm vậy, chẳng mấy khi nhầm lẫn.

Nếu các truyện ngắn được giới thiệu trong tập truyện “Người Lưỡng Bột” giống như gia vị được nêm nếm cho thêm phần sinh động thì truyện lịch sử “Người Lưỡng Bột” lại là món ăn chính của bữa tiệc do nhà văn dày công bày biện. Dựa trên tư liệu về giai đoạn lịch sử gắn liền với phong trào Cần Vương diễn ra trên mảnh đất Hoằng Lộc – quê hương của tác giả, “Người Lưỡng Bột” tái hiện lại cuộc dấy nghĩa của các văn thân, nghĩa sĩ Lưỡng Bột (cách gọi của người dân hai làng Bột Thượng và Bột Thái xưa, nay là xã Hoằng Lộc gọi chung tên làng) với mục tiêu đầu tiên là đánh thẳng vào phủ đường huyện Hoằng Hóa, nhằm cầm chân quân Pháp để nghĩa quân Cần vương có thời gian chuẩn bị, xây dựng căn cứ kháng chiến Ba Đình. Mặc dù đấu tranh rất quyết liệt nhưng cuộc dấy nghĩa ở Lưỡng Bột bị thất bại. Ông huyện Kim Anh, ông huyện Bình Lục và hai cậu tú – con trai của hai ông huyện cùng nhiều nghĩa quân khác bị tử thương. Để bày tỏ lòng trân trọng, cảm phục, biết ơn tới sự hy sinh của họ, dân làng Lưỡng Bột tổ chức đưa tang, lập mộ giả để thi hài người đã khuất được yên nghỉ, tránh sự trả thù của quân giặc.

Ngoài sự công phu trong việc tìm kiếm, tra cứu và khéo léo sắp xếp tư liệu lịch sử; nhà văn đã rất thành công trong việc xây dựng nên hệ thống nhân vật với đặc trưng tính cách của “Người Lưỡng Bột”: Thông minh, nhạy bén, anh dũng, kiên cường... Đặc biệt, những nhân vật lịch sử ấy không bị “thổi phồng” hay “tô hồng” bởi những chiến công hay sự phi thường đến phi lý. Ông huyện Kim Anh, ông huyện Bình Lục, thím Xã Đá... đều là những con người bình dị, gần gũi như bất kỳ người chồng, người cha, người vợ, người hàng xóm nào mà ta vẫn thường gặp. Các nhân vật được đặt trong tổng hòa các mối quan hệ: Gia đình, bằng hữu, bà con lối xóm. Nhưng trước cường quyền, họ là những anh hùng không biết khom lưng, khụy gối. Câu chuyện khép với hình ảnh thím Xã Đá rành mạch, dõng dạc đối đáp với tên tri phủ, viên sĩ quan người Pháp và đội ngũ lính khố xanh, lính Pháp về sức mạnh văn hóa, ý chí quật cường của đất và người Lưỡng Bột: “Biết ai phản, ai không phản mà chém với chả giết! Các ông dám đốt cả Bảng Môn đình hả? Bảng Môn đình là một phần của miếu Đệ Tứ, là nơi thờ Thành Hoàng của làng. Nếu các ông đốt Bảng Môn đình thì toàn dân Lưỡng Bột này sẽ theo Cần vương, theo Văn thân tiêu diệt các ông. Cứ liệu đó mà làm!”. Đanh thép như một lời tuyên bố về “quyền bất khả xâm phạm”, cội nguồn văn hóa và ý chí, tinh thần của người dân nơi đây như kết thành làn sóng mạnh mẽ, quét sạch lũ cướp nước và bán nước “đi như chạy ra phía điếm Mộc Bài ở đầu làng, chuồn thẳng về phủ huyện”.

“Tôi viết người Lưỡng Bột để tri ân các bậc tiền nhân, đặc biệt ở quê tôi, hai xã Bột Thượng và Bột Thái xưa, nay là xã Hoằng Lộc; cách đây 130 năm đã anh dũng đứng lên theo Lệnh dụ Thiên hạ cần vương của vua Hàm Nghi, đánh Pháp và bè lũ tay sai bán nước” – đó là tâm sự chân thành của nhà văn Nguyễn Huy Cúc về nguồn động lực thôi thúc ông viết nên tập truyện “Người Lưỡng Bột”. Thông qua tập truyện này, người đọc không chỉ cảm nhận được ánh sáng lấp lánh của tình người, tình đời ẩn chứa trong những điều tưởng chừng như hết sức bình thường, vụn vặt. Hơn hết, tập truyện giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với thể loại truyện lịch sử - thể loại vẫn chưa được phát huy tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa – lịch sử của tỉnh nhà. Những tấm gương, những bài học lịch sử được truyền tải qua tác phẩm giúp thế hệ cháu con hôm nay hiểu hơn về cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông; từ đó biết phấn đấu rèn luyện nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]