(Baothanhhoa.vn) - Nét đẹp di tích là cánh cổng dẫn lối đi sâu vào tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Điều đó lý giải vì sao, khi ghé thăm xã Đông Tiến (Đông Sơn), bước chân du khách luôn háo hức tìm đến với cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia, gồm: núi Bạch Thạch, núi Đào, đền thờ và mộ Phòng ngự sứ Thiều Thốn, di chỉ khảo cổ học Đồng Vưng, Đồng Ngầm để hiểu rõ hơn về sức hấp dẫn, truyền thống của đất và người nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia xã Đông Tiến

Nét đẹp di tích là cánh cổng dẫn lối đi sâu vào tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Điều đó lý giải vì sao, khi ghé thăm xã Đông Tiến (Đông Sơn), bước chân du khách luôn háo hức tìm đến với cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia, gồm: núi Bạch Thạch, núi Đào, đền thờ và mộ Phòng ngự sứ Thiều Thốn, di chỉ khảo cổ học Đồng Vưng, Đồng Ngầm để hiểu rõ hơn về sức hấp dẫn, truyền thống của đất và người nơi đây.

Độc đáo cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia xã Đông Tiến

Núi Bạch Thạch nằm trong cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh xã Đông Tiến.

Phòng ngự sứ Thiều Thốn (1326–1380), người xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê nay là xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, làm quan nhà Trần, trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động. Ông được miêu tả là người có “tướng mạo khác người thường, mày rồng mắt phượng, chân bên trái có chữ Vương. Tuy còn nhỏ tuổi mà lời nói anh hùng chí khí. Bảy tuổi khai tâm nhập học, tư chất thông minh, đọc thông kinh sử, tài hơn cả bậc nho sinh”. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Thường ngày, ông theo mẹ đi hái củi ở núi Vân Nhưng đem bán để kiếm sống. Đến khi trưởng thành, ông đi theo con đường binh nghiệp, dốc lòng phò vua giúp nước dẹp giặc, giữ yên bờ cõi.

Khi làm quan, ông “nổi tiếng là thanh liêm, công danh trùm thiên hạ, trung dũng khắp triều đình”. Không những là người có nhiều công lao trong việc giữ yên cơ nghiệp nhà Trần (làm quan trải qua các đời vua Trần Dụ tông, Trần Nghệ tông, Trần Duệ tông)..., ông còn có công rất lớn trong việc phòng thủ đất nước, giữ yên bờ cõi, giúp Nhân dân an cơ lập nghiệp, tránh sự nhòm ngó của ngoại bang. Công lao, đóng góp của ông được ghi chép trong nhiều sử liệu như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí”, “Thanh Hóa chư thần lục”... Tài năng và phẩm chất của ông được sử gia Ngô Thì Sĩ bình phẩm qua “Đại Việt sử ký tiền biên”: “Chừng khi ông ở trong quân một dạ vỗ về, gồm việc gì cũng dễ dãi, có ân huệ như người che khi nắng, ủ khi lạnh, không kiêu ngạo, lúc khó nhọc che chở, khéo vỗ về quân sĩ như nhà viết sử đã khen người quân tử xem việc Thiều Thốn thì biết được cái đạo nuôi dân”. Trong lịch sử vua chúa triều Trần, Thiều Thốn là người ngoại tộc mà triều Trần tin tưởng, trọng dụng, được vua Trần Dụ tông gả công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu làm vợ.

Con đường công danh, sự nghiệp của Phòng ngự sứ Thiều Thốn nhiều lận đận, trắc trở nhưng không điều gì có thể phủ nhận được tài năng, nhân cách, phẩm chất của ông. Sau khi ông mất đã mộ táng ở chân núi Đào tại quê nhà, được sắc phong “Thượng đẳng Phúc thần Đại vương” và cho phép người dân địa phương lập đền thờ phụng, tế lễ theo “điển phép Nhà nước”. Các đời vua sau đó đều ban tặng sắc phong.

Nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao, đóng góp to lớn và bày tỏ lòng thành kính với ông, năm 2016, con cháu dòng họ Thiều trong cả nước cùng với kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, Nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp để đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng khu đền thờ và lăng mộ Phòng ngự sứ Thiều Thốn. Với tổng diện tích khoảng hơn 10.500m2, đền thờ được xây dựng bằng gỗ lim, bao gồm các hạng mục: điện chính, cổng tam quan, hồ bán nguyệt, nhà sắp lễ, nhà bia, dựng cột cờ trước sân đền và trên đỉnh núi Đào, đúc chuông đồng... Tổng kinh phí đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Công trình mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, diện tích công năng sử dụng phù hợp với việc tế lễ, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, không những đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, du khách thập phương mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc.

Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) thờ ông và người vợ cả là công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu. Đặc biệt, tại nơi khi xưa ông làm Phòng ngự sứ (tại Đông Bình, Lạng Giang), vì cảm ân đức trời bể của ông, Nhân dân vùng biên ải Lạng Giang cũng lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Cùng với đền thờ và lăng mộ Thiều Thốn, cụm di tích còn nổi bật với núi Bạch Thạch, núi Đào – 2 ngọn núi đá được liệt vào hàng danh sơn ở huyện Đông Sơn, người dân địa phương thường gọi là núi Chiểu. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chép: “Núi Bạch Thạch ở xã Thọ Sơn, cách huyện Đông Sơn 12 dặm về phía Tây Bắc, núi có 2 ngọn, chất đã cứng rắn, sắc đá trắng tinh, nên gọi là Bạch Thạch, dưới núi là mộ Thiều Thốn, người bản xã làm Phòng ngự sứ Lạng Giang đời Trần”.

Ngay dưới chân hai ngọn núi này, năm 1975, di chỉ khảo cổ học Đồng Ngầm, Đồng Vưng được phát hiện và đào thám sát. Sau đó, nhiều đợt khai quật, thám sát, nghiên cứu được tiến hành, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã nhận định rằng: Di tích khảo cổ học này có 5 giai đoạn văn hóa phát triển liên tục, tương đương với các giai đoạn văn hóa là: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn điển hình và sau Đông Sơn.

Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc ấy, năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh Đông Tiến gồm: Di tích khảo cổ học Đồng Ngầm, Đồng Vưng, đền thờ và mộ Thiều Thốn, núi Bạch Thạch, núi Đào là cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia.

Bên cạnh cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia, ngay sát bờ sông nhà Lê là lăng mộ của mẹ Thiều Thốn và nghè thờ bà. Ngoài ra, ở làng Triệu Xá có xây dựng ngôi đền thờ ông cùng bà vợ cả là công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu.

Những công lao, đóng góp của Phòng ngự sứ Thiều Thốn, cái danh giá của dòng họ Thiều cùng nét đẹp của di tích, cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh... là nguồn lực nội sinh quý giá, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đông Tiến không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương. Nếu được bảo tồn và phát huy hiệu quả, đây sẽ là những tài nguyên du lịch nhân văn tiềm năng, hấp dẫn, mở ra hướng phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp danh nhân Thiều Thốn và dòng họ Thiều trong lịch sử”.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]