(Baothanhhoa.vn) - Làm sân khấu về đề tài lịch sử trước hết cần phải tôn trọng lịch sử. Theo đó, để các vở diễn lịch sử được công chúng đón nhận, để câu chuyện cũ thu hút khán giả, đòi hỏi tác giả kịch bản, đạo diễn phải có tầm tư duy nhất định, sự hiểu biết và lý giải lịch sử sắc bén, cộng với sự cố gắng, nỗ lực, “cháy” hết mình trong từng vai diễn của đội ngũ diễn viên.

Đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Thanh Hóa

Làm sân khấu về đề tài lịch sử trước hết cần phải tôn trọng lịch sử. Theo đó, để các vở diễn lịch sử được công chúng đón nhận, để câu chuyện cũ thu hút khán giả, đòi hỏi tác giả kịch bản, đạo diễn phải có tầm tư duy nhất định, sự hiểu biết và lý giải lịch sử sắc bén, cộng với sự cố gắng, nỗ lực, “cháy” hết mình trong từng vai diễn của đội ngũ diễn viên.

Đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Thanh Hóa

Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đang tích cực tập luyện vở diễn “Hoàng đế Lê Đại Hành” để tham gia “Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2022”.

Trong những năm gần đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã nỗ lực để đưa các vở diễn về đề tài lịch sử đến gần hơn với công chúng. Trong đó, một số vở diễn đã giành được giải thưởng tại các cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả như: “Triết vương Trịnh Tùng”; “Tấm lòng vàng”; “Vòng vàng nghiệt ngã”; “Trống trận Ba Đình”...

Với vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng”, tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, là tiết mục của Đoàn tuồng - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa dàn dựng và biểu diễn, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho công chúng tại “Liên hoan tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019”. Vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng” đã đem về cho đoàn Thanh Hóa 1 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc ở hạng mục nghệ sĩ, diễn viên. Vở diễn ca ngợi công lao đóng góp của Triết vương Trịnh Tùng đối với công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”, thống nhất Nam - Bắc triều, đánh dấu sự nghiệp trung hưng của nhà Lê. Vở tuồng như một nén tâm nhang của các thế hệ con cháu đời sau tưởng nhớ đến một bậc đại thần họ Trịnh: “Vì quốc - báo quân ân, vì dân - tròn trách vụ” thời Lê Trung hưng. Và đó, chính là một tấm gương cho hậu thế khi nghĩ về hai chữ “Tôi Trung” đối với dân, với nước trong giai đoạn hiện nay.

Là người theo suốt quá trình vở diễn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu tuồng, đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ từng chia sẻ rằng: “Đây là vở diễn mà chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết và công sức để dàn dựng, biểu diễn. Thông qua đó, nhằm gửi đến khán giả thông điệp về sự tri ân những đóng góp, hy sinh của những bậc hiền tài luôn vì sự nghiệp lớn của dân tộc”. Vì vậy, vượt qua những rào cản, những quan niệm khác nhau về nhân vật Triết vương Trịnh Tùng, vở diễn đã chọn lọc những chi tiết quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Triết vương Trịnh Tùng nhằm làm nổi bật chân dung, tính cách của người quân tử, người có tài làm nên những chiến công. Vở diễn đã đưa tới cho người xem một cách nhìn mới đối với các nhân vật lịch sử, đó là khẳng định công lao đóng góp của nhà Trịnh nói chung và của Triết vương Trịnh Tùng nói riêng đối với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc.

Cùng với vở diễn “Triết vương Trịnh Tùng”, vở diễn “Trống trận Ba Đình” của tác giả Mai Bình - Hà Khang cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. “Trống trận Ba Đình” đã tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Ba Đình - một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX của Nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp diễn ra vào năm 1886-1887 tại xã Ba Đình (Nga Sơn), dưới sự chỉ huy chính của Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh khác.

Hơn một tháng tập luyện, vở diễn “Trống trận Ba Đình” đã ra mắt khán giả trong niềm hân hoan, phấn khởi. Vở diễn chân thực, sinh động, với dàn nghệ sĩ, diễn viên “cháy” hết mình trong từng vai diễn đã lấy đi nước mắt của nhiều người và chạm đến trái tim của đông đảo khán giả.

NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cho biết: Để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật truyền thống về đề tài lịch sử đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Và khó khăn nhất vẫn là tác giả, diễn viên và kinh phí. Đối với mỗi tác giả, đề tài lịch sử luôn là thách thức với bất kỳ người cầm bút nào. Để câu chuyện cũ thu hút khán giả, họ phải trăn trở tìm cách khai phá mới cho những đề tài cũ, mỗi câu chuyện lịch sử phải được lý giải một cách khác nhau. Rõ ràng, dù là quen thuộc, nhưng đề tài lịch sử vẫn luôn là thách thức đối với những người làm sân khấu và chỉ có những ê kíp sáng tạo biết tìm ra góc nhìn mới, phù hợp với khán giả hôm nay thì mới có được sự yêu mến từ họ. Còn đối với mỗi diễn viên, khi tham gia các vai diễn về đề tài lịch sử cần phải hiểu được lịch sử nhân vật cũng như hoàn cảnh lịch sử.

Cũng theo NSND Hàn Hải, đề tài lịch sử trong những trích đoạn, vở diễn chèo, tuồng hay cải lương của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống không chỉ để dự thi các cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc. Việc khai thác đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp còn cho thấy sức sống lâu bền của các câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử trong lòng khán giả. Tiếp nối thành công của các vở diễn về đề tài lịch sử, hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đang tích cực tập luyện vở diễn “Hoàng đế Lê Đại Hành” để tham gia “Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2022” tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới.

Trước sự phát triển nở rộ của các loại hình nghệ thuật đương đại hiện nay, sự tiếp cận khán giả của sân khấu truyền thống ngày càng khó khăn. Trong những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã không ngừng cố gắng, đổi mới, sáng tạo, bằng nhiều hình thức để các vở diễn về đề tài lịch sử đến gần hơn với công chúng. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động “Sân khấu học đường”. Cùng với đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cũng mong muốn được tăng cường kết nối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm sản xuất các chương trình sân khấu về đề tài lịch sử; đưa các tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử vào các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch thường niên diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]